CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Tư, 13 tháng 9, 2023

KHÔNG THỂ PHỦ NHẬN CHÍNH SÁCH ĐẠI KẾT TOÀN DÂN TỘC Ở VIỆT NAM

 


Vừa qua, Facebook “Đài Á Châu tự do - RFA” đăng tải bài viết “Chính sách “đại đoàn kết dân tộc” của Việt Nam: Nói một đằng, làm một nẻo…” nhằm xuyên tạc, chống phá khối đại đoàn kết dân tộc ở Việt Nam. Để phản bác quan điểm này, chúng ta cần nhận thức rõ chính sách về đại đoàn kết và đường lối dân tộc của Việt Nam, cùng những quan điểm của Đảng ta về tăng cường đại đoàn kết dân tộc trong giai đoạn cách mạng mới.

Có thể khẳng định, chính sách đại đoàn kết và đường lối dân tộc là những vấn đề lớn của cách mạng Việt Nam, một trong những nội dung quan trọng phản ánh bản chất của chế độ chính trị nước Cộng hoà chủ xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hiến pháp năm 1946 ngay trong Lời nói đầu đã ghi nhận: “Hiến pháp Việt Nam… phải xây dựng trên những nguyên tắc dưới đây: Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo. Đảm bảo các quyền tự do dân chủ”. Trong các điều 1, 6, 7 quy định địa vị pháp lý và quyền bình đẳng của tất cả mọi người không phân biệt nòi giống, trai gái, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo; mọi người đều ngang quyền về mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hoá và bình đẳng trước pháp luật. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng làm nền tảng cho việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân. Đồng thời, Điều 8 còn ghi nhận: “Ngoài sự bình đẳng về quyền lợi, những quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung”.

Hiến pháp năm 1980 ra đời sau khi đất nước thống nhất, cả nước quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng về đoàn kết dân tộc có những điều kiện mới để phát triển. Điều 9 Hiến pháp năm 1980 khẳng định: “Mặt trận phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, tham gia xây dựng và củng cố chính quyền nhân dân, giáo dục và động viên nhân dân đề cao ý thức làm chủ tập thể, ra sức thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc”.

Hiến pháp năm 1992 một lần nữa thể hiện một cách đầy đủ và sâu sắc hơn chính sách đoàn kết và đường lối dân tộc của nước ta trong Điều 5. Đồng thời nhận rõ tầm quan trọng và sức mạnh to lớn của nhân dân trong khối đại đoàn kết dân tộc, Điều 9 Hiến pháp năm 1992 ghi rõ: “Mặt trận Tổ quổc Việt Nam và các tổ chức thành viên là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân. Mặt trận phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân, tham gia xây dựng và củng cổ chính quyền nhân dân, cùng Nhà nước chăm lo và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, động viên nhân dân thực hiện quyền làm chủ, nghiêm chỉnh thi hành Hiến pháp và pháp luật, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, viên chức Nhà nước. Nhà nước tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên hoạt động có hiệu quả”.

Hiến pháp năm 2013 kế thừa và phát triển các quy định của Hiến pháp năm 1992, quy định một cách đầy đủ, toàn diện và sâu sắc đường lối đại đoàn kết và chính sách dân tộc của nước ta tại Điều 5, Điều 9 và các điều khoản khác.

Trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước theo tinh thần Nghị quyết mà Đại hội XIII của Đảng đang đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta những nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang. Đảng ta chỉ rõ: “Trong những năm tới, tình hình thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải đoàn kết một lòng; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy; có quyết tâm chính trị cao; dự báo chính xác, kịp thời diễn biến của tình hình; chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống; nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; không ngừng gia tăng tiềm lực mọi mặt của quốc gia, bảo vệ vững chắc Tổ quốc và những thành quả phát triển đã đạt được; đưa đất nước vững bước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững”. Trong đó, “Các thế lực thù địch cấu kết với các phần tử phản động, cơ hội chính trị trong nước chưa từ bỏ âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam, nhất là phá hoại nền tảng chính trị, tư tưởng, nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam”.

Tại buổi Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: Đại đoàn kết dân tộc là chủ trương chiến lược, có ý nghĩa sống còn, quyết định sự thành bại của cách mạng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong đường lối chiến lược cách mạng của Đảng ta. Là biểu trưng sinh động của tư tưởng đoàn kết thống nhất toàn dân tộc. Bởi vậy, đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa, đoàn kết thống nhất chặt chẽ hơn nữa để phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng”.

Toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành  thắng lợi nhiệm vụ phát triển  kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh;  xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, quyết tâm đưa Nghị quyết Đại hội XIII của Ðảng vào cuộc sống, thực hiện thắng lợi mục tiêu “ Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh’’, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

0 nhận xét: