CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2016

Trần Văn Chánh “lánh đúng, nói sai”

Đọc bài “Ghi chép một số nhận định về nghiên cứu và giảng dạy chủ nghĩa Mác – Lênin tại Việt Nam” của ông Chánh lấy bút danh là Trần Khuyết Nghi đã phát tán trên mạng. Ông mong muốn có người “phản biện” với bài viết của mình, vậy tôi có mấy điều trao đổi với ông đây:
Thứ nhất, ông cho rằng: “Mác – Lênin là người kích động giai cấp vô sản vùng lên, lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, giành quyền thống trị về tay cộng sản”. Thưa với ông, nói như vậy là ông đã sai, ông phải nói lại cho đúng là “C.Mác và V.I.Lênin là những người chỉ ra con đường lãnh đạo giai cấp vô sản và lao động bị áp bức bóc lột đứng lên lật đổ ách áp bức bóc lột của giai cấp tư sản, giải phóng con người, dân tộc và giai cấp, “giành lấy dân chủ” và “trở thành dân tộc”. Ông dùng từ “kích động”, chỉ là sự nhai lại những từ ngữ cũ rích mà bọn “tôi tớ của giai cấp tư sản” đã dùng để chống lại giai cấp vô sản toàn thế giới.


Ông cho rằng: “một số dự đoán của Mác… không hoàn toàn phù hợp với thực tế của thế kỷ sau đó”. Đây chính là sự xuyên tạc, cố tình phủ nhận những dự đoán thiên tài của C. Mác. Xin thưa ông, những dự đoán thiên tài về một cuộc cách mạng của giai cấp vô sản và sứ mệnh của họ đấu tranh cho một xã hội không còn những kẻ áp bức bóc lột, thì có gì là không đúng? Đây là mơ ước ngàn đời của mọi người dân lao động trên thế giới. Điều này thì không thể một thế lực nào có thể xuyên tạc và phủ nhận được. Chủ nghĩa Mác là học thuyết của giai cấp vô sản và lao động bị áp bức trên toàn thế giới về con đường đấu tranh tự giải phóng. Lý tưởng cao đẹp và nhân văn của nó sống mãi trong tiềm thức của giai cấp vô sản những người lao động. Học thuyết đó mang lại những giá trị nhân văn cao đẹp mà mọi người phải hướng đến và thực hiện. Học tập, nghiên cứu và tìm hiểu về chủ nghĩa Mác là khó khăn, gian khổ, song không phải là không học được, điều quan trọng là học về phương pháp, cách thức, con đường và không ngừng sáng tạo những cách thức, con đường và biện pháp mới để thực hiện lý tưởng ấy. Còn học theo lối “quay mặt vào tường trong suốt 10 năm để tìm hiểu” như cách ông Chánh cứ dẫn dụ mãi ví dụ không biết có đúng hay sai của nhà văn Lữ Phương, thì quả thật là ông không hiểu gì về chủ nghĩa Mác. Bởi lẽ, C.Mác có dạy theo lối học đó đâu, và V.I. Lênin đã từng nói: Lý thuyết của Mác không phải là cái gì đã “xong xuôi hẳn” và “bất khả xâm phạm”, mà phải tiếp tục nghiên cứu, nếu những người cộng sản không muốn lạc hậu.
Thứ hai, ông đã cố tình lấy chủ nghĩa Mác” để phủ nhận chủ nghĩa Mác. Dù ông có làm ra vẻ“tình cảm”, “biện minh” cho chủ nghĩa Mác”, muốn chủ nghĩa Mác không được tuyên truyền, giảng dạy và học tập một cách “giáo điều” trong các trường đi chăng nữa, thì cũng không thể che đậy được bản chất của ông muốn bỏ qua việc học tập chủ nghĩa Mác, tiến tới phủ nhận hoàn toàn chủ nghĩa Mác ở Việt Nam.
Ông nói là ông có “tình cảm” và “cố biện minh” cho chủ nghĩa Mác, mà tại sao ông lại đòi “khách quan xem xét lại chủ nghĩa đó”? Mấy năm qua ông đã cố tình nhắc đi nhắc lại câu trích chưa được kiểm chứng của người khác, rằng “môn học mà thầy không muốn dạy và trò không muốn học”. Đây chính là là sự tuyên truyền cho lối hiểu sai, đi đến “tẩy chay” môn học này. Đó là sự mâu thuẫn trong lời nói và hành động của ông, thiếu nhất quán trong lời nói và việc làm. Nói là ủng hộ chủ nghĩa Mác, nhưng thực tế là ông tìm mọi cách để xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa Mác.
Ông hô hào đổi mới, cải cách cách giáo dục chủ nghĩa Mác ở Việt Nam hiện nay, vậy mà tại sao ông lại “vơ đũa cả nắm”, bêu riếu những người thầy và người trò còn có những hạn chế trong cách dạy và cách học chủ nghĩa Mác đến như vậy. Ông lại còn lôi cái chuyện “Đại học Fulbright” chần chờ mới mở trường trước đòi hỏi của Nhà nước Việt Nam phải giảng dạy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong các trường đại học, để làm vấn đề “thời sự” cho cả bài viết đến chục trang về sự “bêu riếu” đó. Là người có chữ nghĩa, lại dám lên tiếng “tỉ thí” về sự phản biện bài viết của ông. Chắc ông hiểu, bất cứ một quốc gia nào đều có luật pháp của nước ấy. Luật Giáo dục của Việt Nam áp dụng trên lãnh thổ Việt Nam, cũng như Luật Giáo dục của Mỹ áp dụng trên lãnh thổ Mỹ. Điều đó là hiển nhiên, không thể bàn cãi. Ông phát tán trên mạng rất nhiều bài, vậy ông có tìm hiểu một số bài về: “Nhân chuyện đại học Fulbright mở tại Việt Nam, nhìn lại lịch sử…”, hay “SỰ THẬT VỀ ĐẠI HỌC FULBRIGHT” chưa? Việt Nam rất cần những trường Đại học có chất lượng tốt do bạn bè quốc tế đầu tư. Nhưng phải phù hợp với luật pháp Việt Nam và phải phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh. Đừng vì “xỏ nhầm giày” của chủ nghĩa tư bản mà ông tìm mọi cách để cổ súy cho họ và đòi xem xét lại chủ nghĩa Mác, tiến tới phủ nhận chủ nghĩa Mác, đi ngược lại lợi ích của quốc gia dân tộc Việt Nam. Là người học cao, hiểu rộng, là người con đất Việt, ông phải hiểu sâu sắc điều ấy chứ!

 Theo nhanvanviet.com

0 nhận xét: