CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Ba, 11 tháng 4, 2017

THỰC HIỆN NGHIÊM NGUYÊN TẮC TẬP TRUNG DÂN CHỦ - BIỆN PHÁP HIỆU QUẢ TRONG PHÒNG CHỐNG “TỰ DIỄN BIẾN”, “TỰ CHUYỂN HÓA”

Tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản của học thuyết Mác - Lênin về đảng kiểu mới của giai cấp công nhân; là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức, sinh hoạt và hoạt động cách mạng của Đảng Cộng sản. Thực hiện nghiêm nguyên tắc này là cơ sở quan trọng phòng chống biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Nguyên tắc tập trung dân chủ là kim chỉ nam cho toàn bộ hoạt động tổ chức, sinh hoạt và xây dựng Đảng. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ là cơ sở đảm bảo cho sự thống nhất về tư tưởng, ý chí và hành động của Đảng, làm cho Đảng luôn vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, tạo nên sức mạnh vô địch của một đảng cách mạng. Nó đảm bảo cho Đảng luôn là một tổ chức chiến đấu, một tổ chức lãnh đạo, một tổ chức hành động, không phải là một “câu lạc bộ” bàn cãi suông. Đây là một nguyên tắc bất di bất dịch, là một quy luật phát triển và trưởng thành của Đảng Cộng sản; đồng thời là một tiêu chí cơ bản để phân biệt chính đảng cách mạng với các đảng cơ hội khác. Nguyên tắc cơ bản này cũng là trọng điểm mà các thế lực thù địch, chống đối thường tập trung công kích nhằm phá hoại và phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Thực tiễn lịch sử hơn 8 thập kỷ xây dựng và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam, đặc biệt từ khi giành được chính quyền, Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, đã chứng minh ở đâu nguyên tắc tập trung dân chủ được cấp ủy, người chỉ huy và cán bộ, đảng viên nhận thức một cách đầy đủ, tuân thủ nghiêm túc, thì ở đó, dân chủ được mở rộng, phát triển, tập trung càng vững chắc, sức mạnh và sức chiến đấu của Đảng càng được khẳng định. Ngược lại, nếu nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng không được tôn trọng thì sẽ rất nguy hại đối với sinh mệnh và sự tồn vong của Đảng.
Nguyên tắc tập trung dân chủ là sự kết hợp biện chứng giữa tập trung và dân chủ. Tập trung và dân chủ là hai tính chất, hai nội dung của một vấn đề, một nguyên tắc, tồn tại biện chứng trong chỉnh thể thống nhất của nguyên tắc. Trong tập trung đã có dân chủ và trong dân chủ cũng có tập trung. Nguyên tắc này đòi hỏi dân chủ và tập trung luôn đi đôi với nhau, không thể vì nhấn mạnh mặt này mà xem nhẹ mặt kia. Việc phát huy dân chủ phải đi đôi với việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tập trung; tăng cường tập trung phải gắn với phát huy dân chủ. Tuyệt đối hóa dân chủ thì sẽ dẫn đến tình trạng vô tổ chức, vô chính phủ, xem thường kỷ cương, phép nước; và tuyệt đối hóa tập trung thì sẽ dẫn đến quan liêu, độc đoán, chuyên quyền. Tập trung dân chủ hoàn toàn đối lập với tập trung quan liêu, độc đoán; khác hẳn với sự áp đặt suy nghĩ, ý kiến, nguyện vọng và ý chí của cá nhân người lãnh đạo đối với đảng viên.
Xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ là hủy hoại sức mạnh của Đảng. Trong thực tiễn hoạt động của Đảng ta, của các tổ chức đảng, còn có những biểu hiện với các cấp độ khác nhau về sự coi thường, xem nhẹ, xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ. Có biểu hiện này là do nhận thức không đúng, không hiểu rõ bản chất và nội dung, yêu cầu của tập trung dân chủ, nên dẫn đến thực hiện sai, xa rời nguyên tắc. Cũng có những biểu hiện vi phạm, xa rời nguyên tắc không phải do nhận thức, mà chủ yếu là do cố tình thực hiện sai, biết sai vẫn cứ làm, hoặc ngụy biện cho những vi phạm, sai lầm của mình. Cả hai dạng này đều nguy hiểm, đòi hỏi phải có những biện pháp phòng, chống cụ thể khác nhau; song những biểu hiện cố tình vi phạm, cố tình xa rời, từ bỏ nguyên tắc tập trung dân chủ cần phải hết sức lưu ý bởi tính chất đặc biệt nguy hiểm và sự tinh vi của chúng.
Tìm cách “lách” nguyên tắc; tách rời tập trung với dân chủ, nhấn mạnh, tuyệt đối hóa tập trung hoặc dân chủ; thực hiện sai lệch yêu cầu về dân chủ và tập trung, thực hiện dân chủ hình thức, lấy lệ, núp dưới bỏ bọc tập trung để đề cao vai trò cá nhân, độc đoán, thiếu tôn trọng tập thể; kỷ cương, kỷ luật lỏng lẻo; không dám chịu trách nhiệm, dựa dẫm tập thể; nhân danh tập thể đưa ra những quyết định trái với nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hoặc vượt quá thẩm quyền… Đó là những “dạng” chủ yếu của việc xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ. Những biểu hiện cụ thể đó diễn ra trên mọi hoạt động của tổ chức đảng, trong các hoạt động lãnh đạo, sinh hoạt Đảng, trong công tác cán bộ.
Xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng; gây nên sự thiếu thống nhất, mất đoàn kết nội bộ trong các tổ chức đảng, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của Đảng, của tổ chức đảng, làm xói mòn lòng tin của đảng viên, của cán bộ và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, gây tác hại khó lường đối với sự lớn mạnh và tồn vong của Đảng. Đại hội XI và Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ những biểu hiện của việc xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ và tác hại của nó. Đại hội XII của Đảng nêu rõ, một số cán bộ và cấp uỷ chưa tôn trọng, chưa thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ; bệnh quan liêu, độc đoán, chuyên quyền, cục bộ địa phương còn khá phổ biến, thái độ kèn cựa, cá nhân chủ nghĩa còn rất nặng; không ít nơi, nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng. Tình trạng nói không đi đôi với làm, dựa dẫm, thiếu quyết tâm chỉ đạo, hoặc độc đoán, chuyên quyền còn diễn ra ở một số tổ chức đảng, cấp ủy viên, nên hiệu quả kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng ở các tổ chức đảng đó rất hạn chế.
Xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên nhân làm nảy sinh, nuôi dưỡng và phát triển tình trạng “chạy chức, chạy quyền” và nhiều tiêu cực trong tổ chức đảng. Xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ sẽ tạo môi trường cho những tư tưởng xa lạ với đường lối của Đảng tồn tại và hoành hành, thực chất là hủy hoại Đảng cả về tổ chức và tư tưởng; là một nguyên nhân dẫn đến suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ. Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII của Đảng đã xác định một trong những nguyên nhân quan trọng của tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ là: “Nguyên tắc tập trung dân chủ ở nhiều nơi bị buông lỏng; nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm, chưa có cơ chế để bảo vệ người đấu tranh phê bình.
Tất cả những hệ lụy trên sẽ dẫn tới nguy cơ “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Do đó, quán triệt và thực hiện nghiêm nguyên tắc này là cơ sở, biện pháp quan trọng, hữu hiệu trong phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiện nay.
XuanPhuongVu-Ktt

0 nhận xét: