Việt Nam là quốc gia có nhiều dân tộc và tôn giáo. Mặc
dù nguồn gốc, đặc điểm và thời điểm hình thành, phát triển của mỗi tôn giáo có
sự khác nhau, nhưng nhìn chung, các tôn giáo luôn có tinh thần bao dung, đoàn
kết, gắn bó trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Trong suốt chiều dài lịch
sử dựng nước, giữ nước, cộng đồng các tôn giáo ở Việt Nam luôn đồng hành cùng
dân tộc, hòa chung niềm vui và nỗi đau của dân tộc trong những thời khắc lịch
sử, góp phần phát triển và làm rạng rỡ nền văn hóa Việt Nam. Tôn trọng và phát
huy những giá trị nhân văn của tôn giáo, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã được Quốc
hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/1/2018. Đây là cơ sở để các tôn giáo ở
nước ta hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Thế nhưng, trong những năm gần
đây, các thế lực phản động và thù địch đang lợi dụng vấn đề tôn giáo để chống
phá công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước ta.
Mục tiêu
xuyên suốt của các thế lực phản động và thù địch là xóa bỏ chế độ xã hội ở nước
ta. Để thực hiện mục tiêu đó, âm mưu của chúng là chia rẽ sự đoàn kết lương
giáo, chia rẽ các tôn giáo với nhau, tách các tôn giáo ra khỏi khối đại đoàn
kết toàn dân, tách các tôn giáo ra khỏi phong trào, sự nghiệp cách mạng chung
của cả dân tộc. Các thế lực thù địch đã và đang sử dụng các thủ đoạn như xuyên
tạc sự thật về tình hình tôn giáo Việt Nam, xuyên tạc chính sách tôn giáo của
Đảng và Nhà Nước ta, vu cáo chính quyền đàn áp tôn giáo. Hành động chống phá
của chúng tập trung vào một số hoạt động chủ yếu như tìm cách ủng hộ các tổ
chức phản động; dung túng, giúp đỡ lực lượng phản động trong tôn giáo người
Việt lưu vong ở nước ngoài; hỗ trợ, kích động và chỉ đạo các đối tượng cực
đoan, phản động tôn giáo ở trong nước; tài trợ về tài chính, cơ sở vật chất kỹ
thuật cho các hoạt động chống phá Việt Nam.
Biểu
hiện cụ thể của hoạt động này mà các đối tượng thường sử dụng là lợi dụng sinh
hoạt tín ngưỡng, tôn giáo để khống chế, kích động quần chúng, tuyên truyền
chống chế độ. Lợi dụng thần quyền và hệ thống tổ chức tôn giáo hoặc tổ chức
mang danh nghĩa tôn giáo để tập hợp lực lượng, kích động, khống chế quần chúng,
phá rối trật tự an ninh, gây bạo loạn. Lợi dụng các cơ sở tôn giáo ở vùng dân
tộc làm nơi cất giấu vũ khí, phương tiện, nơi tụ họp, chỉ đạo hoạt động chống
phá. Lôi kéo một số chức sắc, cốt cán trong các tổ chức tôn giáo là người dân
tộc thiểu số, móc nối, cấu kết giữa những phần tử phản động trong nước với bọn
phản động bên ngoài để hoạt động phá hoại an ninh quốc gia. Lợi dụng những sơ
hở thiếu sót của chính quyền địa phương trong giải quyết, xử lý các vụ việc liên
quan đến tín ngưỡng, tôn giáo... để xuyên tạc, vu cáo, chống phá Đảng, Nhà nước
trên lĩnh vực dân chủ và nhân quyền.
Trong những năm gần đây, các đối tượng phản động và
thù địch đang ráo riết tiến hành các hoạt động tuyên truyền, lôi kéo một số tín
đồ, lập ra một số hình thức tôn giáo riêng như "Tin lành Đề-ga",
"Tin lành riêng của người Mông", "Phật giáo riêng của người
Khmer"... Ngoài ra, chúng còn phối hợp với một số tổ chức tôn giáo phản
động ở nước ngoài như “Phật giáo Việt Nam thống nhất” phát tán tài liệu trên mạng Intenet với nội dung xuyên tạc, vu khống
chính quyền Việt Nam khủng bố, đàn áp, bắt giam, ngăn cản hoạt động tôn giáo
của các tín đồ.
Trước
thực trạng phức tạp về hoạt động tôn giáo ở Việt Nam trong thời gian qua, chúng
ta cần có cách nhìn toàn diện và có giải pháp khoa học. Phải xác định kiên
quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu phá hoại của các thế lực phản động và
thù địch lợi dụng tôn giáo để thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” là một
nội dung trọng tâm của công tác vận động quần chúng tham gia bảo vệ an ninh
chính trị và trật tự, an toàn xã hội nhằm giữ vững ổn định về chính trị, tạo
điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Nhân dân nêu cao
cảnh giác, tăng sức đề kháng trước mọi âm mưu mua chuộc, dụ dỗ và kích động của
các thế lực phản động và thù địch. Bên cạnh đó, cần tăng cường và nâng cao hiệu
lực quản lý Nhà nước đối với hoạt động tôn giáo, khắc phục tình trạng yếu kém
trong buông lỏng quản lý ở một số địa phương nhất là tuyến cơ sở xã, phường. Chú
trọng công tác xây dựng lực lượng chính trị, cơ sở cốt cán trong tôn giáo; làm
tốt công tác phát triển đảng viên, đoàn viên, hội viên trong tín đồ tôn giáo
nhằm phát huy tác dụng làm “hạt nhân” trong phong trào cách mạng của quần chúng
ở địa phương. Ngoài ra cần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác tôn
giáo, nhất là đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo chuyên sâu ở tỉnh, huyện, xã
nhằm đáp ứng tốt yêu cầu quản lý Nhà nước đối với hoạt động tôn giáo trong tình
hình mới.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét