Bất
chấp đạo lý và pháp lý, những ngày gần đây, các thế lực thù địch và kẻ xấu tiếp
tục tung ra nhiều thông tin xuyên tạc hòng lôi kéo sự can thiệp của các tổ chức
quốc tế đối với vụ việc xảy ra ở Đồng Tâm.
Nhưng những luận điệu không thuyết phục
được dư luận bởi nó chẳng những lạc lõng so với sự thật mà còn bị chính những
luật sư, nhà nghiên cứu ở nước ngoài phản đối. Chỉ những kẻ vô lương tâm mới có
thể biện minh cho những hành vi giết người, chống người thi hành công vụ, khủng
bố…
KÊU GỌI, "HƯỚNG LÁI" DƯ LUẬN QUỐC TẾ
Một số đài báo nước ngoài với cái nhìn
thiếu thiện chí, thường xuyên xuyên tạc tình hình Việt Nam, như: BBC tiếng
Việt, VOA, RFA, RFI… tiếp tục có nhiều bài viết sai sự thật. Tại Mỹ, đối tượng
Điếu Cày Nguyễn Văn Hải đã lập ra cái gọi là nhóm “Hành động vì Đồng Tâm” và
chuyển “Báo cáo về vụ tấn công ở Đồng Tâm” đến văn phòng một dân biểu liên bang
Mỹ. Họ lợi dụng vị dân biểu với “truyền thống” hay thiên kiến với Việt Nam này
để thổi phồng sự việc.
Một vị dân biểu liên bang khác ở Australia
cũng được trang BBC tiếng Việt dẫn ý kiến hết sức chủ quan, phiến diện, vu cáo
tình hình nhân quyền tại Việt Nam ngày càng "trở nên tồi tệ hơn", đưa
ra những khuyến nghị vô lý đòi gây sức ép. Cái gọi là "Tổ chức theo dõi
nhân quyền quốc tế" lại coi sự việc thành cơ hội để can thiệp vào tình
hình Việt Nam khi kêu gọi các thành viên Nghị viện châu Âu có áp lực gắn với
các biểu quyết liên quan đến vấn đề kinh tế.
Tổ chức khủng bố Việt Tân cũng kêu gọi các
tổ chức quốc tế can thiệp, cổ xúy cho việc quyên góp ủng hộ “các nạn nhân Đồng
Tâm”. Đối tượng Phạm Đoan Trang, thành viên cốt cán của tổ chức Voice-ngoại vi
của Việt Tân còn soạn thảo báo cáo dày hàng chục trang bịa đặt, bóp méo sự việc
ở Đồng Tâm để gửi tới các dân biểu, nghị viện nước ngoài. Sau khi Cơ quan An
ninh điều tra đề nghị các tổ chức tín dụng rà soát, phong tỏa một số tài khoản
có liên quan đến vụ án, nhiều đối tượng đã kêu gọi, phản đối việc phong tỏa tài
khoản Vietcombank; kêu gọi tẩy chay ngân hàng…
XỬ LÝ SỰ VIỆC ĐÚNG PHÁP LUẬT, KHÔNG VI PHẠM
NHÂN QUYỀN
Những luận điệu của các đối tượng trên
thoạt nghe tưởng như tốt đẹp, tiến bộ, vì quyền con người nhưng nếu nhìn thẳng
vào bản chất sự việc thì chỉ là những lời lẽ giả dối, vô lương tâm.
Sau khi sự việc xảy ra, Trung tướng Lương
Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an đã hai lần thông tin công khai trước báo chí
về toàn bộ diễn biến sự việc. Theo đó, ngay sau hội nghị đối thoại của Thanh
tra Chính phủ, các đối tượng trong cái gọi là "tổ Đồng thuận" chẳng
những không lắng nghe, tiếp thu mà còn ráo riết chuẩn bị phương án, vũ khí để
chống đối. Họ còn đe dọa bắt cán bộ, gây cháy, nổ UBND xã Đồng Tâm, gây cháy,
nổ cây xăng Đồng Tâm để gây tiếng vang với dư luận bên ngoài.
Trước tình hình chống đối của các đối
tượng, Công an TP Hà Nội phối hợp với các lực lượng của bộ tiến hành triển khai
các chốt nhằm bảo đảm an toàn cho trụ sở xã, cán bộ xã, cán bộ thôn, các khu
vực trọng yếu. "Hoàn toàn không có việc vào để bắt giữ. Lúc đó không hề có
lệnh bắt giữ, dù biết rõ đây là nhóm quá khích. Đây chỉ là các tổ công tác bảo
đảm tuyệt đối an toàn nhất các tình huống xảy ra", Trung tướng Lương Tam
Quang khẳng định.
"Khi lực lượng chức năng đang triển
khai các chốt bảo đảm an ninh ở khu vực cổng thôn Hoành thì có khoảng 20 đối
tượng tấn công bằng lựu đạn, bom xăng, dao phóng lợn hàn tuýp sắt tấn công lực
lượng chức năng. Lực lượng công an đã tuyên truyền, dùng loa thuyết phục, nhưng
các đối tượng rất manh động, sau khi tấn công thì chúng rút vào mấy nhà, tiếp
tục tấn công tổ công tác từ trong nhà ra. Tổ công tác đã dùng loa kêu gọi các
đối tượng nhưng chúng vẫn ngoan cố, tấn công quyết liệt hơn, tiếp tục ném lựu
đạn, bom xăng vào tổ công tác, sau đó rút vào cố thủ trong nhà...".
Do đó, tổ công tác đã tiến hành vây bắt các
đối tượng phạm tội theo quy định pháp luật. Quá trình truy đuổi, các đối tượng
tiếp tục dùng bom xăng, tuýp sắt gắn dao tấn công tổ công tác. Tổ công tác 3
người trong quá trình truy đuổi đã bị ngã và rơi xuống hố kỹ thuật (sâu khoảng
4m), nằm giáp sau nhà Lê Đình Hợi và Lê Đình Chức. Khi biết 3 chiến sĩ bị ngã
xuống hố, các đối tượng đổ xăng, ném bom xăng, phóng hỏa thiêu chết 3 cán bộ,
chiến sĩ. Trước tình huống đó, lực lượng công an phải nổ súng và bắt giữ hơn 30
đối tượng, thu giữ tại hiện trường các vũ khí, vật liệu nổ. Khi truy bắt, một
đối tượng bị chết là Lê Đình Kình, đối tượng bị thương là Lê Đình Chức.
Qua tài liệu thu thập được cho thấy, một số
tổ chức lưu vong, phần tử chống đối đã tài trợ tiền, hướng dẫn "nhóm Đồng
thuận" cách làm bom xăng, tạo quả nổ, hướng dẫn mua sắm vật tư làm vũ khí…
"Nhóm Đồng thuận” đã thể hiện rõ là một ổ nhóm tội phạm có tổ chức. Ngoài
tuyên bố “tử chiến giữ đất”, “sẵn sàng giết 300-500 người”, nhóm này còn đe dọa
lãnh đạo xã và các gia đình người dân không hợp tác với chúng. Chúng cũng
thường xuyên viết đơn gửi các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế lu loa chính
quyền đàn áp “dân oan”, hòng “quốc tế hóa” vấn đề, biến Đồng Tâm thành điểm
nóng chính trị.
Qua những thông tin nêu trên cũng đã thể
hiện rất rõ không thể gọi những kẻ vi phạm pháp luật nghiêm trọng là nạn nhân ở
Đồng Tâm. Cho nên, những lời kêu gọi "ủng hộ", "đòi công
lý", "vì nhân quyền" cho những đối tượng này là lạc lõng, phi
lý.
KHÔNG THỂ BIỆN MINH CHO TỘI PHẠM GIẾT NGƯỜI,
KHỦNG BỐ
Theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn
phòng luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư Hà Nội), việc cơ quan điều tra khởi tố
ban đầu lên đến 19 bị can về tội giết người là con số kỷ lục ít thấy trong một
vụ án hình sự những năm gần đây. Đây là vụ án giết người, chống người thi
hành công vụ với hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã
hội. Các đối tượng đã lên kế hoạch chặt chẽ, phân công nhiệm vụ và chuẩn bị vũ
khí, hung khí nguy hiểm để đối phó với các lực lượng thực thi nhiệm vụ. Hành vi
phạm tội của các đối tượng đã cấu thành tội giết người và tội chống người thi
hành công vụ. Tội phạm và hình phạt được quy định tại điều 123 và điều 330 Bộ
luật Hình sự 2015. Trong vụ án này, với hậu quả 3 cán bộ, chiến sĩ công an hy
sinh, nếu có căn cứ xác định là đồng phạm thì các đối tượng phải đối mặt hình
phạt cao nhất đến tử hình. Bởi theo khoản 1, điều 123 Bộ Luật Hình sự 2015,
tình tiết trong vụ án cho thấy các đối tượng đã vi phạm tới cả 4 trường hợp
phải chịu mức án nặng nhất: Giết hai người trở lên; giết người đang thi hành
công vụ; có tính chất côn đồ; có tổ chức.
Theo thông tin từ cơ quan chức năng, đối
tượng Nguyễn Văn Tuyển khi bị bắt đã khai thường xuyên được các đối tượng ở
nước ngoài liên lạc tài trợ tiền, trong đó có liên lạc trao đổi thông tin và
nhận tiền từ các đối tượng Nguyễn Văn Đài và Ngọc Tuấn Trần… Số tiền nhận được
từ các tổ chức khủng bố, các đối tượng đã sử dụng một phần mua lựu đạn, bom
xăng để sẵn sàng chống trả cơ quan chức năng, phần lớn số tiền còn lại chúng
dùng để chi tiêu cá nhân. Đại tá Phan Nguyên Hùng, Phó cục trưởng Cục An ninh
nội địa, Bộ Công an cho biết, các đối tượng ở Đồng Tâm đã nhiều lần nhận tiền
của đối tượng bên ngoài, sử dụng để cử người đi mua vũ khí (10 quả lựu đạn);
mua hàng trăm lít xăng chế tạo bom xăng và phân phát cho các đối tượng và một
số người dân tiến hành những hoạt động theo chỉ đạo bên ngoài, đặc biệt là tụ
tập đông người để cản trở các lực lượng thi hành nhiệm vụ.
Từ những thông tin trên, dưới góc độ nghiên
cứu luật, một số luật sư cho rằng có yếu tố để xem xét tội “khủng bố nhằm chống
chính quyền nhân dân” theo điều 113 Bộ luật Hình sự 2015.
Còn với việc phong tỏa các tài khoản ngân
hàng, để phục vụ yêu cầu điều tra, mở rộng vụ án, trong đó có hành vi tài trợ
khủng bố, cơ quan điều tra đã đề nghị các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước
phối hợp rà soát, phong tỏa một số tài khoản có liên quan. Tài khoản
Vietcombank Nguyễn Thúy Hạnh với số tiền hơn 500 triệu đồng bị phong tỏa là
đúng pháp luật.
Được biết, từ lâu, Nguyễn Thúy Hạnh đã có
nhiều hoạt động liên quan tới tổ chức khủng bố Việt Tân. Nhiều năm nay, Hạnh đã
lập ra cái gọi là “quỹ 50k" ủng hộ các tù nhân lương tâm tài trợ cho một
số đối tượng gây rối đã bị xử lý sau các vụ việc ở Đồng Nai, Bình Thuận, Hà
Tĩnh… Cái gọi là “quỹ 50k” thực chất là tổ chức tài trợ cho những kẻ chống phá
Nhà nước, là cánh tay nối dài của các tổ chức khủng bố Việt Tân, chính phủ quốc
gia Việt Nam lâm thời... Cuối năm 2019, cái gọi là “quỹ 50k” do Hạnh khởi xướng
đã được tổ chức khủng bố Việt Tân trao giải thưởng “nhân quyền Lê Đình Lượng
năm 2019”.
Vì vậy, người dân cần hết sức tỉnh táo,
cảnh giác với những lời kêu gọi tẩy chay ngân hàng, tuyệt đối không tham gia
các hoạt động quyên góp, ủng hộ, có thể vô hình trung vi phạm pháp luật, tiếp
tay cho tổ chức khủng bố…
NHỮNG Ý KIẾN PHẢN BÁC DƯỚI GÓC NHÌN LUẬT PHÁP
QUỐC TẾ
Nhiều chuyên gia, luật sư, nhà nghiên cứu ở
nước ngoài cũng đã lên tiếng phản bác, đồng tình với cách giải quyết sự việc
nếu nhìn ở góc độ pháp luật và thông lệ quốc tế.
Luật sư người Mỹ gốc Việt Hoàng Duy Hùng đã
có những phân tích với cái nhìn khách quan về sự việc theo góc độ luật pháp
quốc tế. Ông cho biết: “Những người ở Mỹ khi đi mua một căn nhà, bất kỳ bất
động sản nào đều có câu tiếng Anh rõ ràng là “Eminent domain” nghĩa là chủ
quyền tối thượng của đất nước khi đất nước cần trưng dụng về vấn đề quốc phòng,
công cộng, an ninh. Đây là nguyên tắc đầu tiên, là nguyên tắc tất cả người dân
Hoa Kỳ, Australia, châu Âu, Canada… đều biết rất rõ. Nhà nước cần về vấn
đề quốc phòng, công cộng, an ninh thì có quyền lấy, thu luôn, thu hồi, không có
tranh cãi. Khi đó, nhà nước không cần báo cho dân chúng về nguyên do. Tôi lấy
ví dụ ở Houston có cái sân bay quân sự Ellington Field, lúc người ta lấy thì
chỉ nói là vấn đề quốc phòng, hỏi quốc phòng để làm gì thì được trả lời là
không được phép hỏi”.
“Những người như gia đình ông Lê Đình Kình không tôn
trọng luật pháp, nhất định biến khu vực đó trở thành tài sản của gia đình. Về
vấn đề chống lại người thi hành công vụ ở Mỹ. Ở bang Texas, có cơ quan Texas
Alcoholic Beverage Commission (TABC) là một cơ quan công cộng Texas chịu trách
nhiệm xử lý việc mua bán và sử dụng đồ uống có cồn. Chỉ cần người bán bia, rượu
cho người dưới 21 tuổi mà cơ quan này nắm được thông tin chứng cứ thì họ cho cả
một tiểu đoàn cảnh sát vô bắt người đó, đóng cửa cửa hàng luôn. Nếu phản kháng
thì tăng thêm tội là tấn công người thi hành công vụ. Người thi hành công vụ
đúng hay sai chưa cần biết, nhưng phải tuân thủ ngay, sau mới có thể phản kháng
hay kiến nghị. Nếu chống đối có thể bị bắn chết!”, luật sư Hoàng Duy Hùng phân
tích
Phản bác những luận điệu từ nước ngoài
“thương vay khóc mướn” cho "nhóm Đồng thuận", luật sư Hoàng Duy Hùng
cho rằng: “Cách làm luật của người Mỹ là như vậy. Sao mấy ông bên này không ra
mà bảo đó là luật pháp bất nhân đi mà lại chõ về Việt Nam để nói những chuyện
kỳ cục như vậy. Chống người thi hành công vụ là tội phải xử nghiêm minh. Mỹ đã
làm từ mấy trăm năm nay. Mình là người dân công chính thì phải khuyến khích
người dân không được chống lại người thi hành công vụ. Nên người dân Đồng Tâm
tấn công cảnh sát là có lỗi đầu tiên, còn nếu có gì không phải thì để tòa án
xét xử sau. Nhà nước đã mở ra thì những người kia phải biết đón nhận theo luật
pháp, hòa hợp dân tộc không có nghĩa là vô luật pháp. Cách làm của ông Kình là
vô luật pháp, ông này tự biến mình thành cường hào, địa chủ, lãnh chúa trong
Đồng Tâm”.
Ông Hồ Ngọc Thắng, Việt kiều tại Đức cho
biết: Là người tốt nghiệp đại học luật và làm việc lâu năm trong ngành luật cho
Nhà nước Đức, tôi nhận thấy việc thực thi những nguyên tắc nhà nước pháp quyền
không chỉ cho phép mà còn yêu cầu sử dụng những biện pháp cứng rắn để đối phó
với những hành động xem thường pháp luật. “Tôi cũng cực lực lên án những
kẻ lợi dụng làm phức tạp sự việc Đồng Tâm để vu khống, xuyên tạc Đảng, Nhà
nước. Họ gọi đó là “vụ thảm sát Đồng Tâm”, “chỉ có kẻ thù mới cho quân nổ súng
vào dân”… Đặt vấn đề kiểu mập mờ như vậy là không ổn. Hoạt động của ông Kình và
đồng bọn không phải là “bất bạo động” mà là khủng bố”, ông Hồ Ngọc Thắng nhận
xét.
Rồi đây, sự việc sẽ tiếp tục được sáng tỏ khi các cơ quan
pháp luật điều tra, truy tố, xử lý công minh, rõ người, rõ tội. Với tinh thần
thượng tôn pháp luật, tin tưởng rằng dư luận trong nước và quốc tế sẽ hiểu đúng
sự việc, ủng hộ chính quyền các cấp trong bảo vệ công lý, bảo vệ quyền và lợi
ích hợp pháp của Nhà nước, của công dân, đẩy lùi những luận điệu đen tối muốn
“quốc tế hóa” sự việc Đồng Tâm, không để biến vụ án hình sự nghiêm trọng thành
điểm nóng phức tạp.
=Tia chớp=
0 nhận xét:
Đăng nhận xét