CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2022

NHẬN DIỆN BỆNH QUAN LIÊU, CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN, LỐI SỐNG CƠ HỘI, THỰC DỤNG, NÓI KHÔNG ĐI ĐÔI VỚI LÀM

 

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và chỉ rõ: “Quan liêu là cán bộ phụ trách xa rời thực tế, không điều tra, nghiên cứu đến nơi, đến chốn những công việc cần phải làm, việc gì cũng nắm không vững, chỉ đạo một cách đại khái, chung chung. Quan liêu xa rời quần chúng, không đi sâu đi sát, không hiểu rõ lai lịch, tư tưởng và công tác của cán bộ mình. Không lắng nghe ý kiến của quần chúng. Sợ phê bình và tự phê bình”[1]. Người chỉ rõ sở thích của những cán bộ mắc bệnh quan liêu là thích dùng mệnh lệnh, “thiếu dân chủ, không giữ đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, phân công phụ trách”[2]; “ở cương vị phụ trách thì tự cho mình có quyền hành hơn hết thảy, định đoạt mọi công việc, ở địa phương nào thì coi đó là một giang sơn riêng, không biết đến lợi ích của toàn cục”[3]. Người nhấn mạnh: “Số người đó coi Đảng như cái cầu thang để thăng quan phát tài. Họ không quan tâm đến đời sống của nhân dân mà chỉ lo nghĩ đến lợi ích của riêng mình. Họ quên rằng mỗi đồng tiền, hạt gạo đều là mồ hôi nước mắt của nhân dân, do đó mà sinh ra phô trương, lãng phí. Họ tự cho mình có quyền sống xa hoa, hưởng lạc, từ đó mà đi đến tham ô, trụy lạc, thậm chí sa vào tội lỗi”[4].

Như vậy, quan liêu là cách lãnh đạo thoát ly thực tế, đại khái, chung chung, chuộng hình thức, nặng về giấy tờ, ít kiểm tra, thiếu dân chủ, thích dùng mệnh lệnh hành chính, xa nhân dân, coi thường nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, bảo thủ, hách dịch, chuyên quyền, độc đoán, thậm chí ức hiếp cán bộ cấp dưới và nhân dân.

“Chủ nghĩa cá nhân” là thế giới quan dựa trên cơ sở đối lập quyền lợi cá nhân riêng lẻ với quyền lợi của xã hội, đặt quyền lợi của cá nhân trên quyền lợi tập thể. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, những người mắc vào chủ nghĩa cá nhân “việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”... ngại khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ”[5]. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đường lối chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân”[6].

“Lối sống” là toàn bộ lề thói, cách thức cư xử, ăn, ở của một người, một tập thể người trong xã hội, thể hiện trong các lĩnh vực hoạt động từ sản xuất, tiêu dùng, sinh hoạt đến thái độ, hành vi, cách tư duy, lối ứng xử giữa con người với con người.

Con người luôn luôn phải tồn tại trong một cộng đồng nhất định, họ phải tuân thủ những quy tắc nhất định của cộng đồng, dần dần thành thói quen và trở thành lối sống cá nhân. Lối sống cộng đồng là những quy tắc được thừa nhận rộng rãi trong một cộng đồng người nào đó, được mọi thành viên tuân thủ gần như vô điều kiện và trở thành đương nhiên. Như vậy, lối sống là một thói quen có định hướng, thể hiện những đặc trưng văn hóa của mỗi người hay một cộng đồng.

Lối sống có sự thay đổi theo các điều kiện sống, sự thay đổi đó không phải lúc nào cũng mang tính tích cực, có không ít lối sống thay đổi theo hướng tiêu cực.

Lối sống tốt đẹp của con người là lối sống trong sạch, lành mạnh, giản dị, tiết kiệm, vì tập thể, vì mọi người, sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích tập thể và đất nước... Người có lối sống cơ hội, thực dụng, nói không đi đôi với làm là người có lập trường tư tưởng không vững vàng, bất chấp lợi ích của Đảng, của nhân dân, tìm cách vun vén cho lợi ích cá nhân, gia đình, dòng tộc, say mê quyền lực, địa vị, khéo luồn lách, nịnh bợ, kéo bè, kết cánh, “móc ngoặc” trên dưới, trong ngoài để đạt mục đích cá nhân. V.I.Lênin chỉ rõ, những người cơ hội là những người lừng chừng về chính trị, họ “dễ dàng thừa nhận mọi công thức và rời bỏ mọi công thức cũng dễ dàng như thế”[7].

Lối sống cơ hội, thực dụng, nói không đi đôi với làm, bè phái là biểu hiện của suy thoái đạo đức, lối sống mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã chỉ ra. Đây là biểu hiện thứ nhất trong 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, nói không đi đôi với làm là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm cho các tệ nạn này không còn khả năng phát triển, giảm dần, hạn chế và bị loại trừ./.

H2-NBL



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.575.

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.575.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.376.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.376.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.444.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.445

[7] V.I. Lênin: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005, tr.239.

0 nhận xét: