CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Tư, 6 tháng 9, 2023

NHẬN DIỆN LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC HIẾN PHÁP, CHỐNG PHÁ VIỆT NAM


          Hiến pháp là đạo luật cơ bản của nhà nước, có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị của mỗi quốc gia. Ở Việt Nam, tính tối thượng của Hiến pháp luôn được bảo đảm. Thế nhưng, trên Facebook: “Đài Á châu tự do Đông Phong”, với bài viết “Hạt giống” Hiến pháp và pháp luật chuẩn mực”, cho rằng: “Việt Nam hiện tại với cơ chế tập trung, quyền lực nằm trong tay giai cấp thống trị một cách tuyệt đối, họ vừa tham gia Lập pháp, vừa tham gia Hành pháp, cũng kiêm nhiệm luôn Tư pháp thì sự tha hóa quyền lực là không thể tránh khỏi”. Thực chất, đây là luận điệu xuyên tạc Hiến pháp, chống phá Việt Nam.

          Thứ nhất, cần hiểu đúng cơ chế lập hiến và Hiến pháp Việt Nam.

          Ở Việt Nam, Hiến pháp phản ánh ý chí và nguyện vọng chung của dân tộc và toàn thể nhân dân lao động dưới sự lãnh đạo của Đảng, đội tiên phong của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của toàn dân tộc Việt Nam; là cơ sở pháp lý cho xây dựng nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), cũng như Hiến pháp năm 2013 xác định rõ: quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp.

          Quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp ở Việt Nam được giao cho các cơ quan khác nhau trong nhà nước. Quyền lập pháp giao cho Quốc hội, quyền hành pháp giao cho Chính phủ, quyền tư pháp giao cho Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân. Trong đó, Quốc hội Việt Nam là cơ quan thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng, cốt yếu của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước. Chỉ có Quốc hội mới có đủ thẩm quyền quyết định những vấn đề thuộc chủ quyền quốc gia, các vấn đề trọng đại của đất nước. Cùng với quyền lập hiến, Quốc hội cũng là cơ quan có quyền sửa đổi Hiến pháp. Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước. Các cơ quan tư pháp (Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân) là cơ quan bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

          Thứ hai, thực tế xây dựng Hiến pháp và thực thi pháp luật ở Việt Nam được bảo đảm một cách tuyệt đối.

          Hiến pháp Việt Nam do Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành, theo một quy trình thủ tục chặt chẽ. Từ chủ trương xây dựng Hiến pháp đều được biểu thị bằng nghị quyết của Quốc hội; việc xây dựng Hiến pháp được tiến hành bằng một cơ quan do Quốc hội lập ra; dự thảo Hiến pháp được lấy ý kiến rộng rãi của nhiều tầng lớp nhân dân; việc thông qua Hiến pháp được tiến hành tại một kỳ họp của Quốc hội và chỉ được thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Việc sửa đổi Hiến pháp cũng được thực hiện theo một trình tự quy định tại Hiến pháp.

          Từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến nay, nước ta đã có 5 bản Hiến pháp, đó là Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1992, (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2001), Hiến pháp năm 2013. Quá trình xây dựng Hiến pháp ở Việt Nam luôn phát huy dân chủ rộng rãi trong nhân dân. Trong Hiến pháp năm 2013, xác định rõ mối quan hệ trong việc phân quyền, phân công, phối hợp và thực hiện kiểm soát quyền lực giữa Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân. Theo đó, bảo đảm tốt cho thực hiện kiểm soát, cân bằng, khống chế và kiềm chế quyền lực giữa các cơ quan nhà nước, giúp ngăn ngừa được sự chuyên chế phát sinh ở xã hội.

          Thực tiễn, quá trình phát triển và tiến hành công cuộc đổi mới của đất nước, Việt Nam luôn coi trọng bổ sung, hoàn thiện Hiến pháp và hệ thống pháp luật, bảo đảm phù hợp với thực tiễn đất nước và sự phát triển của cách mạng Việt Nam, tạo sức mạnh tổng hợp trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Việt Nam từ nền kinh tế kém phát triển, nay đã trở thành nước đang phát triển có mức thu nhập trung bình, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Công cuộc phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

          Từ Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (tháng 2/2013) đến nay, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên, trong đó có hơn 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 170 cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý, trong đó có Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng và sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, đã kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý. Qua thanh tra, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trách nhiệm gần 44.700 tập thể, cá nhân sai phạm; kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính hơn 975.000 tỉ đồng, gần 76.000 ha đất; chuyển cơ quan điều tra gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

          Những minh chứng trên, đã khẳng định sự rõ ràng, tính tối thượng của Hiến pháp và việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp ở Việt Nam. Như vậy, những luận điệu xuyên tạc trên Facebook “Đài Á châu tự do Đông Phong”, là không có cơ sở lý luận và thực tiễn.

                                                                                      HKT - KBC

 

0 nhận xét: