Đại hội XIII của
Đảng tiếp tục khẳng định “Tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh
tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”[1]. Đây là quá trình nhận thức, hoàn thiện tư duy
lý luận và tổng kết thực tiễn của Đảng để thấy rõ hơn về sự tất yếu khách quan,
những nội dung và đặc trưng cơ bản, những việc cần thực hiện để đẩy mạnh phát
triển kinh tế ở nước ta.
Dưới sự lãnh đạo
cua Đảng, quá trình chuyển đổi từ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp sang
phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị
trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN)
thực chất là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, được bắt đầu từ
Đại hội Đảng VI (năm 1986) và ngày càng được hoàn thiện. Thực tế 35 năm đổi mới
và phát triển nền kinh tế theo mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN đã
chứng minh rằng, kinh tế thị trường là con đường phát triển kinh tế có hiệu quả,
từ đó quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đây là cả một quá trình vừa đổi mới tư duy
lý luận, nhất là tư duy kinh tế, vừa bám sát các quy luật khách quan và kịp
thời tổng kết thực tiễn đầy sống động của Việt Nam.
Theo quan điểm của
Đảng, để đi lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải phát triển nền kinh tế thị
trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây
dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc làm nền tảng tinh thần của
xã hội; xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết dân tộc;
xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì
nhân dân; xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; bảo đảm vững chắc quốc phòng và
an ninh quốc gia; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế
Qua 35 năm thực
hiện công cuộc đổi mới, chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý
nghĩa lịch sử. Đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, có sự thay đổi
cơ bản và toàn diện. Vị thế nước ta trên trường quốc tế không ngừng nâng cao.
Sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên rất nhiều, tạo ra thế và lực mới cho
đất nước tiếp tục đi lên với những triển vọng tốt đẹp.
Tuy nhiên, tăng
trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng. Sức cạnh tranh của nền kinh tế
còn chưa cao. Một số nguy cơ vẫn tồn tại đan xen. Xây dựng XHCN là một quá
trình, là mục tiêu mà chúng ta phải đạt tới. Trong quá trình đó, phải từng bước
xác lập, tạo ra những điều kiện, những tiền đề của CNXH, đồng thời tránh nguy
cơ chệch hướng xã hội chủ nghĩa.
Phát triển kinh tế
thị trường định hướng XHCN ở nước ta là sự lựa chọn hoàn toàn phù hợp với quy
luật phát triển khách quan và xu thế tất yếu của thời đại. Kinh tế thị trường
là một phạm trù kinh tế riêng, có tính độc lập tương đối, phát triển theo những
quy luật riêng vốn có của nó dù nó tồn tại ở đâu và bất kể thời điểm nào của
lịch sử. Song, trong thực tế không có một nền kinh tế thị trường trừu tượng,
chung chung cho mọi giai đoạn phát triển, mà gắn với mỗi giai đoạn phát triển
nhất định của xã hội là những nền kinh tế hàng hóa cụ thể. Điều này phù hợp với
nhận định của C.Mác: "sản xuất hàng hóa và lưu thông hàng hóa là những
hiện tượng thuộc về nhiều phương thức sản xuất hết sức khác nhau, tuy rằng quy
mô và tầm quan trọng của chúng không giống nhau... chúng ta hoàn toàn chưa biết
một tí gì về những đặc điểm riêng của những phương thức sản xuất ấy và chúng ta
chưa thể nói gì về những phương thức ấy, nếu như chúng ta chỉ biết có những
phạm trù trừu tượng của lưu thông hàng hóa, những phạm trù chung cho tất cả các
phương thức ấy"[2]. Thực tiễn lịch sử cho
thấy, cơ sở kinh tế khách quan của sự hình thành và phát triển kinh tế thị
trường cũng là cơ sở kinh tế khách quan của sự hình thành và phát triển kinh tế
hàng hóa. Đó là sự phân công lao động xã hội và sự tách biệt về kinh tế giữa
những người sản xuất hàng hóa quy định. Có nghĩa là kinh tế thị trường tồn tại
cả trong chủ nghĩa xã hội cũng như trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Do vậy, trong
chủ nghĩa tư bản và trong CNXH đều tồn tại kinh tế thị trường, nhưng có những
đặc trưng khác nhau. Kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa dựa trên chế độ tư hữu
tư bản chủ nghĩa, là nền kinh tế thị trường phục vụ lợi ích của giai cấp tư
sản. Kinh tế thị trường XHCN dựa trên chế độ sở hữu toàn dân và tập thể do Đảng
Cộng sản lãnh đạo, mục đích của nền kinh tế thị trường là phục vụ lợi ích của
giai cấp công nhân và nhân dân lao động, xóa bỏ chế độ bóc lột, giải phóng và
phát triển mạnh mẽ lực lượng sản xuất.
Sự lựa chọn mô
hình kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam không phải là sự gán ghép
chủ quan giữa kinh tế thị trường và CNXH, mà là sự nắm bắt và vận dụng xu thế
vận động khách quan của kinh tế thị trường trong thời đại ngày nay; là sự tiếp
thu có chọn lọc thành tựu văn minh nhân loại, nhằm phát huy vai trò tích cực
của kinh tế thị trường trong việc phát triển sức sản xuất, xã hội hóa lao động,
cải tiến kỹ thuật - công nghệ, nâng cao đời sống nhân dân... Đồng thời, hạn chế
những mặt tiêu cực của kinh tế thị trường gây ra.
Nói kinh tế thị
trường định hướng XHCN có nghĩa là nền kinh tế nước ta không phải là nền kinh
tế bao cấp, quản lý theo kiểu tập trung quan liêu; cũng không phải là kinh tế
thị trường tự do theo kiểu tư bản chủ nghĩa; và cũng chưa hoàn toàn là kinh tế
thị trường XHCN. Bởi vì Việt Nam đang trong thời kỳ quá độ lên CNXH, vừa có,
vừa chưa có đầy đủ các yếu tố của CNXH, còn có sự đan xen và đấu tranh giữa cái
cũ và cái mới. Cần hiểu rõ nền kinh tế thị trường định hướng XHCN vừa mang tính
chất chung của nền kinh tế thị trường, vừa có tính chất đặc thù vì nó hoạt động
trong khuôn khổ của những nguyên tắc và bản chất của CNXH.
Đại hội lần thứ XIII
của Đảng đã làm sáng tỏ thêm một bước nội dung cơ bản của định hướng XHCN trong
phát triển kinh tế thị trường ở nước ta. Khẳng định định hướng XHCN là một tất
yếu, là sự lựa chọn phù hợp với nội dung của thời đại - thời đại quá độ từ chủ
nghĩa tư bản lên CNXH trên phạm vi toàn thế giới. Định hướng XHCN ở nước ta là
nhằm mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với XHCN thể hiện trong toàn bộ các lĩnh
vực của đời sống xã hội. Đây không chỉ là một tất yếu về chính trị và nguyện
vọng mong muốn của nhân dân ta, mà còn là một tất yếu kinh tế, văn hóa, xã hội.
Bởi vậy, trong thời gian tới việc đẩy mạnh phát triển kinh tế thị trường ở nước
ta cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung cơ bản sau:
1 - Xây dựng,
chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng.
Sự lãnh đạo đúng
đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt
Nam, là điều kiện chính trị tiên quyết bảo đảm có một Nhà nước đủ mạnh, trong
sạch để quản lý toàn bộ quá trình phát triển kinh tế thực hiện theo định hướng
XHCN. Vì vậy, cần tăng cường sự thống nhất trong Đảng, thực hiện nguyên tắc tập
trung dân chủ, phát huy dân chủ trong sinh hoạt Đảng, chống lợi dụng dân chủ để
mưu cầu lợi ích riêng, cục bộ. Cần xây dựng Đảng thực sự là đội tiên phong của
giai cấp công nhân và của cả dân tộc. Xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị,
quán triệt sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư
tưởng và kim chỉ nam cho mọi hoạt động của Đảng. Để xây dựng Đảng trong sạch,
vững mạnh cần tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, kiên quyết đưa ra khỏi Đảng
những phần tử thoái hóa, biến chất. Chú trọng xây dựng và củng cố các tổ chức
cơ sở đảng, nâng cao chất lượng đảng viên. không ngừng đào tạo, rèn luyện và
kết nạp được những quần chúng ưu tú vào hàng ngũ của Đảng.
2- Thực hiện phát
triển nền kinh tế nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó
xây dựng kinh tế nhà nước vững mạnh đủ sức nắm giữ vai trò chủ đạo, cùng với nó
là kinh tế tập thể trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Đồng
thời phát huy cao nhất sức mạnh của tất cả các thành phần kinh tế khác hoạt
động lâu dài trong khuôn khổ của pháp luật tạo nên sức mạnh tổng hợp của nền
kinh tế thị trường định hướng XHCN.
3- Nâng cao vai
trò và hiệu lực quản lý của Nhà nước, đây là yếu tố quan trọng bảo đảm định
hướng XHCN của nền kinh tế. Do vậy, Nhà nước cần tập trung làm tốt chức năng định hướng sự phát triển bằng các
chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và cơ chế, chính sách trên cơ sở tôn trọng các
nguyên tắc thị trường; tạo môi trường pháp lý và cơ chế, chính sách thuận lợi
để phát huy các nguồn lực xã hội cho phát triển; hỗ trợ phát triển, chăm lo xây
dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hệ thống an sinh xã hội; bảo đảm tính
tích cực và bền vững của các cân đối kinh tế vĩ mô, hạn chế các rủi ro và tác
động tiêu cực của kinh tế thị trường.
4- Tích cực đấu
tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chống chủ nghĩa cá nhân.
Đấu tranh chống
quan liêu, tham nhũng, lãng phí trở thành một nhiệm vụ cấp bách trước mắt của
toàn Đảng, toàn dân ta. Do vậy, vấn đề này cần phải được nhìn nhận thẳng thắn,
trực diện và thực hiện một chiến lược triệt để phòng, chống tham nhũng một cách
thật sự hiệu quả với sự tham gia của toàn Đảng, toàn dân và các thành phần kinh
tế. Trước hết là đổi mới, hoàn thiện thể chế và chính sách, giảm bớt và loại bỏ
những kẽ hở; đồng thời luôn luôn giáo dục con người ý thức tôn trọng pháp luật,
thực hiện kiểm soát, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh, công khai đối
với những cán bộ, công chức tham nhũng.
5- Thực hiện sự
thống nhất, gắn bó hữu cơ giữa phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công
bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển ở tất cả các
giai đoạn phát triển của kinh tế thị trường. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải thực
hiện tốt vấn đề phân phối, đặc biệt chú trọng quản lý thật tốt thu nhập cá nhân
từ đó xây dựng cơ chế điều tiết phân phối thu nhập, hình thành nên chính sách
phân phối hợp lý, bảo đảm tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội.
6 - Xây dựng nền
quốc phòng toàn dân vững mạnh để giữ vững an ninh quốc gia, ổn định chính trị -
xã hội. Để phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN thì lực lượng quốc
phòng phải đủ mạnh, phải là công cụ sắc bén để đủ sức mạnh chủ động đập tan mọi
âm mưu phá hoại, xâm lược, chống phá sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta trong
bất cứ tình huống nào, tạo ra môi trường kinh tế - chính trị - xã hội ổn định,
thuận lợi,...cũng là giữ vững định hướng XHCN./.
NXT - H1
0 nhận xét:
Đăng nhận xét