Những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Đế quốc Mỹ đã lùi xa, thế hệ trẻ ngày nay chỉ biết đến những năm tháng máu và hoa đó trong những bộ phim tài liệu, những bức ảnh hay lời kể truyền miệng của những người lính từng tham gia vào cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Những năm tháng đó đã có những con người bỏ đi thanh xuân, lặng lẽ cống hiến hết sức mình để cho dân tộc được giải phóng, đất nước được thống nhất một nhà. Cuộc đời của họ được những trang nhật ký do chính tay họ viết ghi lại một cách rõ ràng, theo sát và miêu tả chân thực đến mức trần trụi những nỗi đau mà chiến tranh mang lại nhưng cũng thấm đượm tinh thần nhân văn cao cả, lấy đi của bao thế hệ bạn đọc không biết bao nhiêu là nước mắt. “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” của bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm là minh chứng rõ ràng nhất.
Bác sĩ, liệt
sĩ Đặng Thùy Trâm sinh năm 1942, lớn lên trong một gia đình trí thức ở Thủ đô,
bố là bác sĩ ngoại khoa, còn mẹ là dược sĩ kiêm giảng viên trường Đại học Dược
Hà Nội. Năm 1966, cô tốt nghiệp trường Đại học Y khoa Hà Nội rồi với tư cách là
một bác sĩ quân y tham gia Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ngày 27 tháng 9 năm
1968, cô vinh hạnh được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Không may, hai năm sau
đó, nữ bác sĩ trẻ đã hy sinh trong một cuộc càn quét của địch ở tuổi đời hai
mươi tám, hài cốt của cô được đem về quê nhà và được mai táng ở Nghĩa trang liệt
sĩ Hà Nội.
Tác phẩm khắc
hoạ rõ nét khung cảnh chiến tranh lúc bấy giờ, bạn đọc thấy được sự ác liệt của
giặc Mỹ, những đau thương, mất mát của quân và dân ta, đồng thời ca ngợi tinh
thần chiến đấu bền bỉ của nhân dân ta. Đặng Thùy Trâm luôn dành sự yêu thương
cũng như ngưỡng mộ người miền Nam gan góc dạn dày, cô cảm thấy những con người
đó thật anh dũng và vô cùng tự hào khi được kề vai sát cánh chiến đấu cùng họ, ở
đó luôn hiện hữu nhiều tấm gương sáng về lòng yêu nước và tinh thần dũng cảm. “Nhật
ký Đặng Thùy Trâm” như cuốn sách gối đầu giường với mỗi thế hệ trẻ ngày nay, nó
sẽ luôn sống mãi với nhiều thế hệ bạn đọc bởi các giá trị bền bỉ mà nó mang lại,
là lời gửi gắm một thông điệp sâu sắc đến những ai đã và đang được sống trong
hòa bình: hãy trân trọng nền độc lập hôm nay, ra sức cống hiến và xây dựng đất
nước phát triển để xứng đáng với sự hi sinh của cha anh ngày trước./.
NTH-H4
0 nhận xét:
Đăng nhận xét