CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Sáu, 22 tháng 10, 2021

MỘT SỐ LƯU Ý ĐỐI VỚI QUÂN NHÂN KHI THAM GIA MẠNG XÃ HỘI HIỆN NAY

 

Kể từ khi có kết nối mạng trên toàn cầu (Internet) và nhất là sau khi điện thoại thông minh hay máy tính bảng được chế tạo, việc sử dụng mạng xã hội (Facebook, Instagram, Viber, Zalo, Skype, Whatsapp, Youtube, Linked, Twitter, … đã không còn xa lạ với hầu hết người dùng, kể cả trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn tuổi. Có thể dễ dàng nhận thấy những lợi ích to lớn của mạng xã hội mạng lại cho đời sống xã hội nói chung của mỗi chúng ta như: Cập nhật tin tức, kiến thức, xu thế; cải thiện chất lượng và tốc độ của báo chí và dịch vụ công; kết nối bạn bè, gia đình, cộng đồng; kết nối yêu thương và hòa nhập quốc tế; cải thiện kỹ năng sống, kiến thức; kinh doanh, quảng cáo miễn phí; tiết kiệm kinh phí, thời gian, sức lao động và thân thiện với môi trường; giải trí; phát huy tài năng; bày tỏ cảm xúc…

Tuy nhiên, mạng xã hội đã để lại hệ lụy không nhỏ đối với con người. Việc lạm dụng, quá chú tâm vào các hoạt động trên mạng xã hội đang ảnh hưởng không nhỏ tới công việc, học tập, sinh hoạt của rất nhiều người; có nhiều cá nhân lợi dụng mạng xã hội để làm những điều phản cảm, vô văn hoá... Đặc biệt, lợi dụng tính “xã hội”của các trang mạng, một số đối tượng phản động, chống đối Nhà nước dễ dàng trà trộn vào đám đông lành mạnh để thông tin bịa đặt những luận điệu phản động bằng vô số bài viết, lời lẽ, dẫn chứng có vẻ rất thuyết phục, gây nhiễu loạn thông tin, sai lệch chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Các vụ việc bị xử lý đối với một số trường hợp đưa thông tin giả, sai trái trên mạng xã hội về phòng chống đại dịch Covid-19 ở nước ta thời gian qua là minh chứng rõ nét cho nhân định trên.

Theo đó, để phát huy những lợi ích của mạng xã hội đem lại, đấu tranh, ngăn chặn đối với các hệ luỵ, tác hại của nó, cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội cần lưu ý một số vấn đề sau khi tham gia mạng xã hội:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhệm cho mọi quân nhân khi tham gia xã hội. Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, việc quản lý, ngăn chặn các hành vi chống phá trên mạng xã hội không hề đơn giản, nhất là trong thời điểm hiện nay, khi các trang mạng xã hội, diễn đàn mở được lập ra ngày càng nhiều, trình độ nhận thức, kiến thức về sử dụng mạng xã hội của đại bộ phận người dân còn hạn chế. Trong khi chờ các cơ quan chức năng có các biện pháp phòng, chống hữu hiệu, mỗi đơn vị, cá nhân cần phải chủ động có các biện pháp tích cực nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, chiến sĩ khi tham gia mạng xã hội. Từ đó, giữ gìn hình ảnh cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, chống lại các luận điệu xuyên tạc, sai trái, bóp méo sự thật của các thế lực chống phá. Mỗi quân nhân phải nhận thức được những lợi ích cũng như tác hại mà mạng xã hội đem lại, rèn luyện được tính cách bình tĩnh, thận trọng, tỉnh táo khi nhìn nhận, đánh giá, bình luận, chia sẻ các thông tin, sự việc liên quan đến Đảng, Nhà nước, Quân đội. Muốn có được điều đó, ngoài việc rèn luyện cho mình khả năng phán đoán, cảm nhận tinh tế, mỗi quân nhân cần không ngừng nâng cao kiến thức lịch sử, xã hội, có hiểu biết nhất định về khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ thông tin. Cùng với những hình ảnh sai sự thật, các kẻ xấu còn sử dụng thủ đoạn bịa đặt, dựng chuyện, xuyên tạc, xét lại lịch sử, gây hoang mang cho dư luận xã hội, nhất là giới trẻ. Vì vậy, nếu không có kiến thức lịch sử và bản lĩnh, lập trường tư tưởng vững vàng, quân nhân trẻ rất dễ bị lung lạc, có suy nghĩ, cách hiểu sai về chính bản thân lực lượng mình. Từ đó, rất dễ bị dao động, tự chuyển hóa, diễn biến trong tư tưởng, lập trường, quan điểm.

Hai là, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ thuộc quyền về mạng xã hội. Cùng với việc tự rèn luyện, trang bị kiến thức cho mình, các đơn vị cần chủ động tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức lịch sử về quân đội, kịp thời thông tin các vấn đề nóng về chính trị, kinh tế, xã hội giúp các chiến sỹ nắm chắc, từ đó “miễn dịch” trước các luồng thông tin trái chiều. Thường xuyên đổi mới nội dung, vận dụng lich hoạt các hình thức giáo dục, tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ khi tham gia mạng xã hội.

Ba là, làm tốt công tác quản lý quân nhân tham gia mạng xã hội. Chỉ huy các đơn vị cần xây dựng quy định sử dụng điện thoại, các thiết bị phát tin, lưu trữ thông tin của bộ đội, nhất là hạ sĩ quan, chiến sĩ. Cần hướng dẫn chiến sỹ trẻ sử dụng hiệu quả mạng xã hội bằng cách kết hợp hài hòa giữa đấu tranh chống các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch với lan tỏa các thông tin chuẩn mực, có tính xây dựng, tích cực, ca ngợi hình ảnh cao đẹp của lực lượng vũ trang.

Bốn là, xây dựng văn hoá ứng xử lành mạnh trên mạng xã hội. Để có văn hóa ứng xử trên MXH, trước tiên mỗi người dân chúng ta phải tuân thủ đúng các quy định pháp luật, cụ thể như: Luật An ninh mạng; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, các quy định của Bộ Quốc phòng và cơ quan chức năng về tham gia mạng xã hội; tỉnh táo, chọn lọc và xử lý thông tin khi tham gia mạng xã hội, mỗi thành viên tham gia mạng xã hội hãy là một tuyên truyền viên, tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đồng thời đăng tải những nội dung đấu tranh phản bác, làm thất bại những luận điệu xuyên tạc, phản động, kích động gây chia rẽ mối đoàn kết của nhân dân với Đảng, chính quyền và Quân đội ta của các thế lực thù địch. Việc sử dụng mọi thông tin trên các trang mạng xã hội cần nghiên cứu, điều tra kỹ lưỡng, tránh gặp phải những hệ lụy đáng tiếc khi sử dụng mạng xã hội.

Năm là, kịp thời phát hiện, kiên quyết đấu tranh với các thông tin sai trái trên mạng xã hội. Cán bộ, chiến sĩ tích cực với đấu tranh chống các hành vi xuyên tạc, bóp méo sự thật, bản thân mỗi quân nhân cũng phải thận trọng với việc sử dụng hình ảnh cá nhân mình và tập thể, đồng chí, đồng đội; nhất là khi mặc quân phục, tham gia huấn luyện. Tuyệt đối không chụp ảnh đồng đội, đơn vị để đăng lên trang cá nhân hoặc chia sẻ trên các diễn đàn dưới bất cứ hình thức nào, khi chưa được phép của chỉ huy có thẩm quyền. Quan trọng hơn, mỗi quân nhân, mỗi đơn vị không được phép lơ là, xao nhãng việc tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất người quân nhân cách mạng; giữ gìn và phát huy phẩm chất cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ./.

NTC-H4

0 nhận xét: