Xây
dựng Đảng về đạo đức trở thành một nhiệm vụ chủ yếu, vừa cơ bản, lâu dài, vừa cấp
bách, thường xuyên của công tác xây dựng Đảng, được ghi rõ trong Văn kiện Đại hội
XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam: “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng
về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo,
năng lực cầm quyền, sức chiến dấu của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của
Nhà nước”[1].
Điều đó có nghĩa là, xây dựng Đảng về đạo đức là một trong năm nội dung cơ bản,
được đặt ở vị trí ngang hàng với công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng,
tổ chức và cán bộ.
Đạo đức (trong đó: Đạo là con đường, đức là
tính tốt) được hiểu là “phẩm chất tốt đẹp của con người: Sống có đạo đức - rèn
luyện đạo đức”; dùng để chỉ một thành tố trong tính cách và giá trị của một con
người; giúp người luôn giữ được nhân cách, bản lĩnh làm người trong mọi hoàn cảnh.
Đạo đức có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, trong đời sống của con người,
giúp con người điều chỉnh hành vi của mình phù hợp với lợi ích của cộng đồng,
vì thế, từ xưa đến nay, yêu cầu về việc cần phải xây dựng, rèn luyện đạo đức đối
với mỗi con người càng trở nên quan trọng và cần thiết.
Chú
trọng đạo đức và phép xử thế, Khổng Tử coi đức là gốc của con người và quan niệm
về đức của Khổng Tử không chỉ dừng ở thiên đức mà phải là hành động; là lời nói
đi đôi với việc làm; đức phải đi đôi với tài, song đức là gốc, là cội rễ, tài
là ngọn cành. Khi nói về đạo lý làm người, Khổng Tử cho rằng: “Thực hành được 5
điều trong thiên hạ thì có thể làm người rồi: đó là cungtín, mẫn, huệ”[2].
Trong
tư tưởng của V.I. Lênin, đạo đức của người đảng viên cộng sản chính là những phẩm
chất: Trung thành; đoàn kết, thống nhất, không bè phái, phường hội; “làm việc tận
tụy và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật”[3],
“hy sinh quên mình phục vụ chủ nghĩa cộng sản”; không thiên vị, không hẹp hòi,
không ham địa vị, không lạm quyền, không đặc quyền, đặc lợi; gương mẫu, khiêm tốn,
cầu thị, không “kiêu ngạo cộng sản”, không tự phụ, không tự cao tự đại, không
quan liêu; gần gũi quần chúng... “góp phần phá hủy xã hội cũ của bọn bóc lột và
góp phần đoàn kết tất cả những người lao động chung quanh giai cấp vô sản đang
sáng tạo ra xã hội mới của những người cộng sản”[4].
Đạo
đức trong tư tưởng Hồ Chí Minh là đạo đức mới của người cách mạng - đạo đức
cách mạng, mang bản chất giai cấp công nhân, kết hợp những phẩm chất đạo đức
truyền thống của dân tộc với tinh hoa đạo đức của nhân loại. Người coi đức là gốc,
là nền tảng, là phẩm chất đầu tiên là vấn đề gốc - được đặt trước tài, cần phải
xây dựng, rèn luyện đối với mỗi đảng cách mạng chân chính và với mỗi cán bộ, đảng
viên, bởi nó liên quan tới sự thành bại của sự nghiệp cách mạng. Đề cao vai trò
của đạo đức như là nguồn dinh dưỡng để phát triển con người, Hồ Chí Minh khẳng
định: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây
phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không
có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải
phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự
mình không có đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi
việc gì?”[5].
Đồng thời, Người yêu cầu mối người cách mạng, cán bộ, đảng viên phải có đạo đức
cách mạng, đó là: Trung với nước, với Đảng, hiếu với dân; yêu thương con người;
cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng và nguyện
suốt đời đấu tranh cho độc lập, tự do của Tổ quốc, ấm no, hạnh phúc của nhân
dân. Cụ thể, mỗi người: “Tự mình phải: Cần kiệm. Hòa mà không tự. Cả quyết sửa
lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại (chịu khó). Hay nghiên
cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiệu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải
làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng ham muốn về vật chất. Bí mật.
Đối người phải: Với từng người thì khoan thứ.
Với đoàn thể thì nghiêm. Có lòng bày vẽ cho người. Trực mà không táo bạo. Hay
xem xét người.
Làm
việc phải: Xem xét hoàn cảnh kỹ càng. Quyết đoán. Dũng cảm. Phục tùng đoàn thể”[6].
Trong lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng
Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng là nguồn sức mạnh “nội sinh” giúp mỗi người cách
mạng khi gặp thuận lợi, thành công không kiêu ngạo, tự mãn; khi gặp khó khăn,
thậm chí thất bại không nản lòng, nhụt chí và nhất là, để “- Giàu sang không thể
quyến rũ, - Nghèo khó không thể chuyển lay, - Uy lực không thể khuất phục”. Vì
“Đảng ta là Đảng của giai cấp, đồng thời cũng là của dân tộc, không thiên tư,
thiên vị”?, cho nên muốn “Đảng là đạo đức, là văn minh” và xứng đáng với vai
trò tiền phong, thì trong lý luận và thực tiễn đều phải chú trọng xây dựng,
giáo dục, rèn luyện Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên về đạo đức. - Nhận thức
sâu sắc vị trí, tầm quan trọng của đạo đức - bởi nó là hiện thực trực tiếp của
tư tưởng con người, chỉ đạo mọi tư duy và hành động của con người, dù nhấn mạnh
công tác xây dựng Đảng phải tập trung vào chính trị, tư tưởng, tổ chức, song Hồ Chí Minh dành
sự quan tâm nhiều hơn đến đạo đức cách mạng; đồng thời, nhấn mạnh yêu cầu cán bộ,
đảng viên phải thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng. Đặc biệt, khi Đảng Cộng
sản Việt Nam trở thành đảng cầm quyền, nhìn thấy trước đội ngũ cán bộ, đảng
viên có thể bị tha hóa, biến chất trong hoàn cảnh mới; nhận thức rõ sự suy
thoái về đạo đức tất yếu sẽ dẫn đến sự “tự tiêu vong” về chính trị, Người càng
quan tâm hơn đến vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức, rèn luyện đạo đức cách mạng
cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Để mỗi cán bộ, đảng viên thực sự xứng đáng là
người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân, Hồ Chí Minh yêu cầu
mỗi người phải: “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều
chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt
đường lối, chính sách của Đảng Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động
lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ
nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. Ra
sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để
nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ”[7].
Sự
lành mạnh của đạo đức xã hội nói chung, đạo đức của một đảng cầm quyền nói
riêng phụ thuộc một phần rất quan trọng vào sự nêu gương về đạo đức của đội ngũ
cán bộ, đảng viên, của đảng cầm quyền. Lịch sử từ xưa đến nay đều cho thấy, niềm
tin chính trị của quần chúng nhân dân gắn liền với niềm tin, với tấm gương đạo
của người cầm quyền, vì “Trước mặt quần chúng không phải ta cứ viết lên trán chữ
“cộng sản” mà ta được mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có đạo đức, Muốn
hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người khác bắt trước”[8].
Với
ý nghĩa đó, nội dung xây dựng Đảng về đạo đức không chỉ nằm trong tổng thể công
tác xây dựng Đảng mà còn luôn được khẳng định trong văn kiện các kỳ đại hội của
Đảng và được các cấp ủy từ Trung ương đến địa phương triển khai thực hiện. Việc
xây dựng Đảng về đạo đức là mệnh lệnh của thực tiễn cách mạng Việt Nam hiện nay
nhằm xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, trường tồn cùng dân tộc.
Đây là vấn đề có ý nghĩa to lớn, cung cấp cơ sở cho các cấp ủy đảng và chỉ huy
các cấp trong Quân đội để tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính
trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực
cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước.
Hải
Xồm-H3
[1] ĐCSVN: VK Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQGST, H.2021, tập
2, tr.229.
[2] Phan Bội Châu: Khổng học đăng, Nxb Khai Trí, Sài Gòn,
1973, tr.45.
[3] V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, tập 37, tr.588.
[4] V.I. Lênin: Toàn tập, Sđd, tập 41,tr.369.
[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.292.
[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 2, tr.280-281.
[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 11, tr.603.
[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 6, tr.16.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét