CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2021

ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG: ĐẠI HỘI CỦA MÙA XUÂN

 ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG: ĐẠI HỘI CỦA MÙA XUÂN


Mùa xuân đầu tiên của Đảng, ngày 03/02/1930: Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Hơn 90 mùa Xuân đã qua, Đảng Cộng sản Việt Nam ngày càng khẳng định là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Nhờ không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, đặc biệt là bản lĩnh chính trị và tầm trí tuệ, Đảng ta đã phát huy cao độ sức mạnh toàn dân tộc, lập nên những kỳ tích. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, nhân dân cả nước tiến hành Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - nhà nước công - nông đầu tiên ở Đông Nam Á, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc. Và sau chín năm, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ kết thúc với chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, toàn dân, toàn quân ta không quản gian khổ, hy sinh, quyết tâm: “đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (ngày 30/4/1975), cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Trong gần 35 năm kể từ khi đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu về mọi mặt, đặc biệt là về kinh tế. Từ một nền kinh tế khép kín, tự cấp, tự túc, theo cơ chế kinh tế kế hoạch hóa, tập trung bao cấp, Việt Nam đã phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tăng trưởng kinh tế đạt mức cao, trở thành nước có thu nhập trung bình. Tạp chí The Economist (Anh) tháng 8/2020 đã xếp Việt Nam trong tốp 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2019, với tăng trưởng kinh tế bình quân 6,8%/ năm giai đoạn 2016 - 2019, Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia tăng trưởng cao nhất. Trong 35 năm qua, với sự giúp sức của kinh tế đối ngoại, tốc độ tăng bình quân hằng năm của cả nước đạt từ 6%-7%. Riêng giai đoạn từ 2001 đến 2020 được thể hiện: giai đoạn từ năm: 2001 - 2005 là 7,51%/năm1; năm 2006 - 2010 là 7%/năm2; năm 2011 - 2015 là 5,91%/năm3; tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 5,9%/năm4.
Trong bối cảnh thế giới và khu vực chứng kiến những chuyển biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường, đặc biệt đại dịch Covid-19 đã đẩy nhanh các xu thế đã diễn ra, trong đó toàn cầu hóa và liên kết kinh tế đứng trước yêu cầu cần được điều chỉnh theo hướng bền vững hơn, nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa dân tộc, dân túy nổi lên ở một số nơi trên thế giới. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn đã trở thành mặt nổi trội trong quan hệ quốc tế. Việc ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuyển đổi số được thúc đẩy mạnh mẽ, vừa tạo ra cơ hội phát triển nhảy vọt, vừa đặt ra nguy cơ về tụt hậu số; các thách thức an ninh phi truyền thống như biến đổi khí hậu, thiên tai, an ninh nguồn nước, an ninh mạng, dịch bệnh,… tiếp tục nổi lên gay gắt. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là các xu thế lớn, song đang gặp nhiều thách thức, nhưng năm 2020 nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được tăng trưởng dương 2,91%, thuộc nhóm nước có mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 1,7 lần, từ 327,8 tỷ USD năm 2015 lên khoảng 543,9 tỷ USD năm 20205. Lượng khách du lịch quốc tế vào Việt Nam giai đoạn năm 2015 - 2019 tăng 2,3 lần, từ 7,9 triệu lên 18 triệu với tốc độ 22,7%/năm6.
Từ chỗ là một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, Việt Nam đã phát triển vượt bậc, trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp. Số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đến hết năm 2020, quy mô nền kinh tế nước ta đạt khoảng 343 tỷ USD và GDP bình quân đầu người đạt 3.521 USD7; là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao và năng động nhất trong khu vực. Tính theo quy mô tổng sản phẩm quốc nội, Việt Nam là nền kinh tế đứng thứ 46 trên thế giới. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), GDP của Việt Nam hiện nay ước đạt hơn 340 tỷ USD, vượt Singapore, Malaysia, đứng thứ tư trong khu vực8. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Theo báo cáo Chỉ số kết nối toàn cầu 2020 của Công ty DHL và Trường Kinh doanh Stern của Đại học New York (Mỹ), Việt Nam vẫn đạt kết quả tích cực trong thương mại hàng hóa, đứng thứ năm về dòng chảy thương mại toàn cầu9. Việt Nam đã trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở thuộc loại cao trên thế giới (chiếm khoảng 200% GDP). Uy tín và vị thế quốc tế của đất nước ngày một nâng cao.

Trong năm năm (2016 - 2020), đối ngoại đã thúc đẩy tạo dựng nhiều khuôn khổ thuận lợi cho hợp tác quốc tế, đặc biệt là việc tham gia và ký kết hai Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) thế hệ mới là CPTPP và EVFTA và một FTA quy mô hàng đầu thế giới là RCEP, mang lại những cơ hội to lớn về mở rộng, đa dạng hóa thị trường và tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Các khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện được mở rộng, trên tinh thần lựa chọn đối tác có trọng tâm, trọng điểm. Trong giai đoạn này, nước ta đã thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện với năm nước10, nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược với hai nước (Ôxtrâylia năm 2018 và NiuDilân năm 2020), từ Đối tác chiến lược lên Đối tác chiến lược toàn diện với (Ấn Độ năm 2016), nâng tổng số quan hệ Đối tác chiến lược/Đối tác toàn diện lên 30 nước. Hội nhập chính trị, an ninh, quốc phòng ngày càng đi vào chiều sâu, với dấu ấn quan trọng là việc Việt Nam lần đầu tiên cử lực lượng tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Hội nhập văn hóa - xã hội, khoa học công nghệ, giáo dục - đào tạo cũng đạt được những bước tiến quan trọng.
Lại một mùa Xuân mới đang về, mùa Xuân năm 2021, Đại hội XIII của Đảng - Đại hội của mùa Xuân được tiến hành với niềm tin: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”11.
Đất nước ta đang bước vào giai đoạn chiến lược quan trọng, với những mục tiêu, khát vọng phát triển và vươn lên mạnh mẽ. Giữa vô vàn thách thức và cơ hội đan xen, dưới sự lãnh đạo của Đảng, từng bước định vị được vị trí tối ưu của mình, xác định rõ tầm nhìn, lợi ích, mục tiêu quốc gia, cả trước mắt và lâu dài; chủ động đón bắt cơ hội, chế ngự và vượt qua thách thức để mỗimùaXuânmớivề, Việt Nam thêm một bước “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu”12.
=Mõ Làng=
_________________
1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H, 2006, tr.142.
2 - Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam: “Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI”, ngày 24/9/2015.
3 - Cổng thông tin điện tử, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tình hình kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011 - 2015, ngày 22/10/2015.
4 - Báo Nhân dân, số 23740, ngày 20/10/2020 - Phụ trương đặc biệt, tr. 11.
5 - Dự thảo Báo cáo Tổng kết công tác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021.
6 - Số liệu của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tại Hội nghị Toàn quốc về Du lịch (tháng 11/2020)
7 - Tài chính, 17:11 (GMT+7), ngày 17/01/2021
-13923.html
10 - Gồm: Canada (2017), Myanmar (2017), Hungary (2018), Bru-nây (2019) và HàLan (2019).
11 - Báo Nhân dân, số 23740, ngày 20/10/2020 - Phụ trương đặc biệt, tr. 02.
12 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H, 2011, tr. 35.
13 - PGS, TS. VŨ QUANG VINH, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

0 nhận xét: