Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội
đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đang đến gần. Đây là cơ hội để
nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua việc lựa chọn, bầu ra những
người tiêu biểu. Đây cũng là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện
Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, nền dân chủ
XHCN. Việc lựa chọn, bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng
đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và
HĐND các cấp nhiệm kỳ mới được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm
của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Tuy nhiên, trước thềm bầu cử đại biểu
Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, các thế lực thù địch, đối tượng phản
động lại tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá bằng nhiều thủ đoạn. Trong
đó, chúng đẩy mạnh tuyên truyền, xuyên tạc cơ cấu, thành phần, vai trò, chức
năng của Quốc Hội và Hội đồng nhân dân các cấp; làm nhũng nhiễu thông tin gây
dư luận tiêu cực chia rẽ phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Điển hình là
các trang mạng phản động Việt Tân, Tiếng Dân, Chân Trời Mới Media, Nhật ký yêu
nước đã câu kết với các phương tiện truyền thông ở ngoài nước đăng tải, chia sẻ
những luận điệu như: Bầu cử Quốc hội hay sân diễn của dân chủ giả hiệu; việc
Đảng cử dân bầu vừa lỗi thời tuỳ tiện vừa trái với quy định của Hiến pháp. Từ
sự xuyên tác đó, chúng đòi sửa đổi hệ thống bầu cử theo mô hình các thể chế
chính trị phương Tây. Cùng với đó, một trong những vấn đề mà các thế lực thù
địch và phần tử cơ hội chống phá quyết liệt đó là về cơ cấu đại biểu, theo đó
số lượng cơ cấu thành phần Đại biểu Quốc hội khoá XV ở Trung ương là 207 đại
biểu, chiếm 41,4%; số lượng Đại biểu Quốc hội ở địa phương là 293, chiếm 58,6%.
Các thế lực thù địch lập luận rằng việc đề ra cơ cấu là thể hiện sự độc tài, áp
đặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, vì rằng Quốc hội là kết quả của phổ thông đầu
phiếu thì không thể theo cơ cấu. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến gian lận trong
bầu cử. Có thể nói, những luận điệu trên của các thế lực thù địch, phản động là
kiểu lập luận quy chụp, bóp méo sự thật lịch sử và tiến trình bầu cử ở nước ta
dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm đánh lừa và hướng dư luận ủng
hộ cho những mưu toan chính trị thâm độc của chúng.
Ở Việt Nam, quyền bầu cử đại biểu Quốc hội, ứng cử HĐND
là một trong những quyền cơ bản của công dân quy định trong các bản Hiến pháp
năm 1946, 1959, 1980, 1992 và Hiến pháp năm 2013. Theo đó, hiến pháp quy định,
công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng
cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Như vậy, mọi công dân tự xét thấy
mình đủ tài, đủ sức ra gánh vác công việc chung của đất nước thì đều có quyền
tự ứng cử. Tuy nhiên, việc tự ứng cử cũng cần phải hiểu cho đúng chứ không phải
ứng cử kiểu tự do vô chính phủ.
Bầu cử là việc công dân một quốc gia lựa chọn những
người đại diện để trao quyền cho họ, thay mặt mình quyết định những vấn đề
trọng đại của đất nước. Mỗi quốc gia có cách tổ chức và quy định bầu cử khác
nhau, không thể lấy mô hình của nước này áp đặt lên nước khác bởi hệ thống
chính trị nói chung, hệ thống bầu cử nói riêng trên thế giới hiện rất đa dạng
cho nên việc so sánh để rồi đòi Việt Nam phải sửa đổi hệ thống bầu cử theo cái
mà họ cho là dân chủ, là văn minh chỉ là kiểu lập luận quy chụp, cố tình bóp
méo sự thật về lịch sử và tiến trình bầu cử ở nước ta dưới sự lãnh đạo của
Đảng. Tuyên ngôn Nhân quyền mà Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua năm 1948 đã
nêu rõ ý chí của nhân dân phải là cơ cở của quyền lực nhà nước. Ý chí này thể
hiện qua các cuộc bầu cử định kỳ và chân thực theo nguyên tắc phổ thông đầu
phiếu, bình đẳng và bỏ phiếu kín hoặc bằng những tiến trình bầu cử tự do tương
đương. Ở Việt Nam, nhân dân luôn có vai trò to lớn trong mọi khâu, mọi quy
trình bầu cử. Việc bầu cử đại biểu Quốc hội ở nước ta đã diễn ra được 14 khóa,
từ khóa đầu tiên (06/01/1946) đến nay đều được tiến hành một cách dân chủ, công
khai bảo đảm đúng quy trình, thủ tục, nguyên tắc, đặc biệt đảm bảo ý chí nguyện
vọng của nhân dân, phù hợp với xu hướng tiến bộ xã hội và đặt dưới sự lãnh đạo
của Đảng Cộng sản Việt Nam. Kết quả và thành công của các cuộc bầu cử, một lần
nữa góp phần khẳng định bản chất ưu việt của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và
những giá trị truyền thống cốt lõi của dân tộc Việt Nam. Đó là việc người dân
luôn chủ động, trách nhiệm, thực hiện trọn vẹn trách nhiệm, bổn phận công dân
đối với Tổ quốc. Mỗi cuộc bầu cử tuy diễn ra ở thời điểm cách mạng khác nhau,
với những khó khăn, chông gai khác nhau, song toàn dân, toàn quân ta luôn một
lòng hướng về Đảng và Quốc hội, đoàn kết thực hiện đầy đủ trách nhiệm, bổn
phận, để mỗi kỳ bầu cử, số cử tri đi bầu luôn đạt tỷ lệ cao, góp phần quan
trọng vào thành công của cuộc bầu cử. Đó là sự thật không thể phủ nhận!
Hơn nữa, đối với các nước tư bản, vai trò của các đảng
phái chính trị là rất lớn trong việc giới thiệu ứng cử viên: Ở Cộng hoà Liên
bang Đức, việc giới thiệu ứng cử viên đại biểu nghị viện là độc quyền của các
đảng phái chính trị, còn ở Mỹ, trong các cuộc họp nội bộ, các đảng viên thảo
luận và bỏ phiếu chọn người mà họ cho là ứng cử viên nhiều triển vọng nhất ra
tranh cử tổng thống. Như vậy, xét về bản chất của vấn đề thì Đảng cử dân bầu
được cho là tham số chung của nhiều chế độ chính trị trên thế giới chứ không
như cách lập luận thiếu cơ sở và mù quáng của một số phần tử phản động quy chụp
cho hệ thống bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp ở Việt Nam.
Bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử HĐND các
cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là sự kiện chính trị vô cùng quan trọng diễn ra trong
bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang nỗ lực triển khai thực hiện Nghị
quyết Đại hội XIII của Đảng. Tổ chức tốt cuộc bầu cử lần này sẽ là dịp để toàn
Đảng, toàn quân và toàn dân ta tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà
nước Pháp quyền XHCN Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Trong
điều kiện bùng nổ thông tin hiện nay, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân đều
nhận thức rõ trách nhiệm, cần tỉnh táo phân biệt những thông tin đúng, chính
thống để giữ vững niềm tin, hành động đúng đắn, tránh rơi vào luận điệu xuyên
tạc của kẻ thù, góp phần vào thành công trong ngày hội lớn của đất nước./.
BTM-NN
0 nhận xét:
Đăng nhận xét