CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Tư, 10 tháng 3, 2021

TÁC HẠI CỦA NHỮNG TIN ĐỒN GIẢ VÀ BIỆN PHÁP NGĂN CHẶN

   


Tin đồn giả là những tin đồn không có thật, hoặc những tin đồn được xem là những lý giải chưa được kiểm chứng về một sự kiện, hiện tượng, tình huống, hay vấn đề mà công chúng quan tâm, và được truyền từ người này sang người khác. Đồng thời, tin đồn không có thật là những thông tin được truyền cho nhau một cách không chính thức, chưa nắm rõ nguồn gốc, chưa được bảo đảm về tính chính xác mà lại được nhiều người quan tâm. Vì vậy, tin đồn giả thường được hiểu theo nghĩa tiêu cực và được một số người sử dụng phục vụ cho mục đích xấu làm ảnh hưởng đến nhiều người để mang lại lợi ích cá nhân.

Hệ lụy của tin đồn giả tác động trực tiếp đến tâm lý, gây căng thẳng trong nhân dân, nhất là những tin đồn ở thời điểm nhạy cảm, gắn với những sự kiện làm rung động thế giới như động đất, sóng thần, ví dụ như, tin đồn mưa axít, mây phóng xạ đã khiến nhiều người bỏ bê công việc, học hành, không dám ra đường. Tin đồn ngân hàng đổi tiền khiến nhiều người tìm cách mua vàng tích trữ và lo lắng lạm phát. Tin đồn sập cầu khiến nhiều người không dám qua cầu, họ cũng tìm cách ngăn chặn con em mình đi qua cầu. Tin đồn ăn bưởi, ăn hạt dưa, trứng, ớt, ăn cá rô đầu vuông bị ung thư cũng làm nhiều người tẩy chay thực phẩm…

Tác động xã hội của tin đồn giả còn kéo theo nhiều hệ lụy, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân: lao động bị đình trệ, đứt nghẽn các hoạt động hành chính, kinh tế. Nhà sản xuất cũng bị tác động mạnh, thậm chí nhiều doanh nghiệp rơi vào phá sản vì hàng hóa ế đọng, không thể tiêu thụ, trong khi người dân điêu đứng (như tin đồn trứng gà giả, thực phẩm chứa chất gây ung thư). Hay tin đồn ăn bưởi bị ung thư ở đồng bằng sông Cửu Long cũng khiến người trồng bưởi ở đây nợ nần ngân hàng chồng chất vì bưởi đến mùa thu hoạch mà không ai mua. Về mặt an ninh, tin đồn có thể gây bất ổn định, tạo ra tâm lý lo lắng. Tại thủ đô Manila của Philippines, nơi khởi nguồn tin đồn mưa axít khiến toàn bộ số thuốc Betadine tại các hiệu thuốc bị vét sạch, một trường đại học phải tạm ngừng giảng dạy do lo lắng. Rõ ràng, tin đồn thất thiệt ngày nay là một dạng “chiến tranh tâm lý” rất nguy hiểm. Các thế lực thù địch và những đối tượng xấu còn sử dụng tin đồn thất thiệt như một thứ “vũ khí” lợi hại để tấn công, hòng gây nhiễu loạn an ninh xã hội.

Để ngăn chặn những tin đồn không có thật cần tập trung thực hiện một số biện pháp sau:

Một là, cơ quan nhà nước phải chủ động thông tin đúng đắn, chính xác người dân cần phải tỉnh táo trước những tin đồn không có thật

Để ngăn chặn những tin đồn giả, trước hết các cơ quan quản lý nhà nước phải nắm bắt thông tin một cách kịp thời, nhanh chóng có phát ngôn chính thống để bác bỏ các tin đồn không có thật. Khi có tin đồn không có thật, thuộc lĩnh vực bộ, ngành nào quản lý, nhất thiết phải cử cơ quan chuyên ngành xác minh kịp thời, truy nguyên nguồn gốc, diễn biến hình thành tin đồn, đưa ra kết luận để công bố trước công luận, không thể để chậm trễ, nhằm chủ động ngăn chặn sự lan rộng của nó, hạn chế tác động tiêu cực. Nhanh chóng cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về sự kiện đang xảy ra tin đồn không có thật. Việc công bố có thể thực hiện ngay thông qua thông cáo báo chí trên các phương tiện truyền thông để mọi người dân nắm được. Đồng thời có những biện pháp xử lý kiên quyết những đối tượng cố tình tung tin đồn không có thật để trục lợi, phá hoại.

Về phía người dân, cần phải bình tĩnh, tỉnh táo trước những tin đồn không có thật là điều cần thiết. Thực tế, nhiều người do không rõ thông tin thực hư và cũng không có điều kiện tìm hiểu, đã hành động theo thói quen, theo cảm tính hoặc theo phong trào. Trước những tin đồn không có thật, người dân phải thực sự bình tĩnh, tự mình thẩm định, đánh giá thông tin hoặc chờ tin chính thống được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Hai là, cần hình thành, phát triển sự miễn dịch tâm lý đối với tin không có thật trong quần chúng.

Hình thành, phát triển sự miễn dịch tâm lý tức là phải xây dựng cho mỗi cá nhân cũng như cộng đồng xã hội một nền tảng vững về tri thức, làm tăng sức đề kháng, làm cho tin đồn không có thật không có đất tồn tại. Do vậy, các cấp, các ngành cần cung cấp thường xuyên, kịp thời, chính xác đường lối, quan điểm của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước. Yêu cầu thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội của địa phương; thông tin về những vấn đề nổi cộm, được dư luận quan tâm, chú ý; tình hình âm mưu, thủ đoạn của kẻ xấu… Không đưa tin mập mờ gây thắc mắc, tò mò, dễ hiểu nhầm. Báo chí và cơ quan chức năng cần thông tin, hướng dẫn, góp phần ổn định tâm lý xã hội, hình thành dư luận tích cực, củng cố niềm tin của công chúng. Chỉ khi công chúng tin vào báo chí và thông tin của các cơ quan chức năng, để tự định hướng và miễn dịch với thông tin ngoài luồng, không nguồn gốc, thì khi ấy, tin đồn không có thật dù có tai ác đến đâu cũng không thể thâm nhập và gây hại cho đời sống cộng đồng.

Ba là, phát huy vai trò của báo chí chính thống trong cuộc chiến chống tin đồn không có thật.

        Một trong những lực lượng đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp thông tin, định hướng dư luận xã hội đúng đắn là báo chí chính thống. Song song với việc nâng cao nhận thức, định hướng dư luận xã hội, báo chí chính thống cần nâng cao chất lượng nội dung thông tin, thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác và trực diện, nhất là đối với các sự kiện, sự việc “nóng”, được dư luận đặc biệt quan tâm. Nếu báo chí làm tốt chức năng, kịp thời thông tin đúng đắn tuyên truyền thì chắc chắn sẽ dẹp bỏ được những thông tin giả, thông tin không có thật. Thông tin giả, thông tin không có thật có đất sống hay không hoàn toàn phụ thuộc vào việc cung cấp thông tin chính thống của các cơ quan báo chí… Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho rằng: Báo chí hiện nay đang có tình trạng bị mạng xã hội dẫn dắt, cần phải làm sao để chính báo chí phải là hạt nhân dẫn dắt thông tin, định hướng những thông tin đúng trên mạng xã hội, lấy cái đẹp dẹp cái xấu, lấy tích cực để đẩy lùi tiêu cực, định hướng và tuyên truyền thông tin tốt, để thông tin tốt ngày càng phát triển và hạn chế nhiều hơn những thông tin xấu độc.

Bốn là, kiên quyết xử lý thích đáng những đối tượng tung tin đồn không có thật.

Việc tung tin không có thật nhất là thông tin xấu độc gây hoang mang dư luận xã hội là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào nội dung, tính chất, mức độ, động cơ của hành vi, hậu quả của việc tung tin không có thật như thế nào sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý trách nhiệm hình sự. Theo Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín như sau: danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, người nào tung tin đồn không có thật xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của một tổ chức, cá nhân cụ thể thì tổ chức, cá nhân đó có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu người tung tin đồn phải xin lỗi và bồi thường thiệt hại đồng thời còn có quyền yêu cầu Tòa án bác bỏ thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân, tổ chức.

Điều 258 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009 về  “Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” có quy định: “Người nào lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, tôn giáo, tự do hội họp, lập hội và các quyền tự do dân chủ khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.”

Nếu không xác định được chính xác người tung tin đồn không có thật mà chỉ xác định được người đưa tin thì áp dụng theo quy định tại Điều 226 được sửa đổi bởi Điều 27 Luật Hình sự sửa đổi năm 2009 về tội sử dụng trái phép thông tin trên mạng và trong máy tính cụ thể như sau: “Người nào thực hiện hành vi đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet những thông tin trái với quy định của pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của Bộ luật này xâm phạm lợi ích của cơ quan, tổ chức, cá nhân, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Ví dụ: 09/4/2020 Công an huyện Hương Sơn ra quyết định xử phạt 10 triệu đồng đối với Ngô Xuân Đình (SN 1992, quê ở xã Hòa Hải, Hương khê, Hà Tĩnh) do đăng thông tin sai sự thật trong khu vực cách ly Cổng B – Cầu Treo (Hương Sơn).

Ví dụ: Ngày 07/3/2021 vừa qua, Công an tỉnh Lào Cai đã phạt hành chính số tiền 40 triệu đồng đối với 4 cô gái về hành vi Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan tổ chức và danh phẩm của cá nhân. Nhóm người này đã dùng tài khoản Facebook đăng các thông tin sai sự thật có nội dung: “Sa Pa cho 9 người khách nước ngoài đi cùng chuyến bay với Nhung...”, và “Hành khách cùng khoang bệnh nhân Nhung đang ở tổ 8, Mường Hoa, phường Bắc Cường, mọi người chú ý nâng cao cảnh giác”.

Vì vậy những người tung tin đồn không có thật lên mạng để nhằm câu like hay nhằm thu lợi bất chính hoặc để thu hút sự chú ý nhằm quảng cáo, bán hàng đều bị nghiêm trị trước pháp luật. Có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự tùy theo mức độ ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của cá nhân, tổ chức./.

HVT-BC

 

0 nhận xét: