Tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân là
một nội dung đặc biệt quan trọng trong tư tưởng quân sự của Người. Kế thừa tư
tưởng quân sự truyền thống của dân tộc, tiếp thu những tinh hoa quân sự nhân loại,
tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân trở thành nền tảng căn bản trong
đường lối quân sự của Đảng Cộng sản Việt Nam, là cơ sở quan trọng trong xây dựng
nền quốc phòng toàn dân ở nước ta hiện nay.
Chiến tranh
nhân dân không phải là một hiện tượng xa lạ trong lịch sử dựng và giữ nước của
dân tộc Việt Nam. Có mặt từ rất lâu trong lịch sử dân tộc, dưới sự lãnh đạo của
các vương triều phong kiến tiến bộ, hoặc phát triển từ các cuộc khởi nghĩa của
nông dân, chiến tranh nhân dân Việt Nam đã đánh bại những đội quân xâm lược
ngoài lớn mạnh hơn gấp nhiều lần. Mặt khác, tư tưởng quốc phòng toàn dân, chiến
tranh nhân dân Việt Nam hiện đại không chỉ kế thừa, tiếp nối truyền thống quân
sự hàng ngàn năm của dân tộc, mà còn tiếp thu những tinh hoa của thời đại, hấp
thu những yếu tố tiên tiến của kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật
cho đến lĩnh vực như ngoại giao... Cần nhắc lại rằng, tư tưởng chiến tranh nhân
dân nói riêng và tư tưởng quân sự Việt Nam hiện đại nói chung đều là một bộ phận
của tư tưởng cách mạng Việt Nam và đều gắn chặt với quá trình phát triển của thực
tiễn cách mạng Việt Nam.
Là người sáng
lập, giáo dục và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam và Quân đội nhân dân Việt
Nam, Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến lĩnh vực quân sự. Trong quá trình hoạt động,
Hồ Chí Minh đã trực tiếp biên soạn, hoặc chỉ đạo biên soạn nhiều tác phẩm về
quân sự; trong đó, hình thành nên hệ thống tư tưởng về chiến tranh nhân dân,
toàn dân, toàn diện - những tư tưởng đã dẫn dắt dân tộc Việt Nam đi qua những
cuộc chiến tranh khốc liệt với tư thế là người chiến thắng.
Điểm đặc sắc,
nổi bật nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh về chiến tranh nhân dân là sự thống nhất
biện chứng giữa tư tưởng tiến hành chiến tranh cách mạng với nỗi khát khao về một
nền hòa bình lâu bền cho dân tộc, cho mọi quốc gia trên thế giới - “dùng binh
là việc nhân nghĩa, cứu nước, cứu dân”.
Kế thừa truyền
thống “vua tôi đồng lòng, anh em hòa thuận, cả nước chung sức”, dụng binh với mục
tiêu cao cả là vì con người, vì dân - nhân dân luôn đứng ở trung tâm mọi tư tưởng,
hoạt động của Hồ Chí Minh. Luận điểm quan trọng nhất trong tư tưởng chiến tranh
nhân dân Hồ Chí Minh không gì khác chính là nước lấy dân làm gốc, nhân dân là
nguồn sức mạnh vô địch của chiến tranh nhân dân. Trung thành với chủ nghĩa yêu
nước truyền thống về vai trò của con người trong sự nghiệp cứu quốc và với quan
điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về vai trò của quần chúng trong lịch sử, Hồ Chí
Minh sớm nhận thấy khả năng cách mạng to lớn của nhân dân, tin tưởng ở sức mạnh
của nhân dân: “Không dùng toàn lực của nhân dân về đủ mọi mặt để ứng phó, không
thể nào thắng lợi được” và “một đạo quân dù tối tân, làm trò trống gì được trước
thái độ cương quyết của cả một dân tộc”. Hồ Chí Minh luôn có niềm tin vững chắc
ở truyền thống yêu nước nồng nàn của nhân dân, coi đó là một vũ khí sắc bén: “Địch
chiếm trời, địch chiếm đất, nhưng chúng không làm sao chiếm được lòng nồng nàn
yêu nước của nhân dân ta”; “chúng ta tin chắc vào tinh thần và lực lượng của quần
chúng, của dân tộc” Chính lòng yêu nước nhiệt thành ấy đã khiến “lực lượng toàn
dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”. Cũng
vì thế, Hồ Chí Minh luôn coi lực lượng của nhân dân, của dân tộc là lực lượng
quyết định mọi thắng lợi. Theo Hồ Chí Minh, quần chúng tham gia vào phong trào
cách mạng đông đảo bao nhiêu, thì thế và lực, sức tiến công của cách mạng, của
chiến tranh cách mạng càng mạnh mẽ bấy nhiêu.
Xuất phát từ
tương quan lực lượng giữa Việt Nam và đối phương luôn có những chênh lệch mà lợi
thế phần nhiều nghiêng về phía quân xâm lược, Hồ Chí Minh chủ trương “lấy nhỏ
đánh lớn, lấy ít địch nhiều”, “cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không
phải việc một hai người”, “nước lấy dân làm gốc”. Mục đích chiến tranh nhân dân
là làm cho toàn dân tự giác tham gia kháng chiến, làm cho “Cuộc kháng chiến của
ta là toàn dân, thực sự là cuộc chiến tranh nhân dân”
Bình luận về
tư tưởng coi trọng và phát huy sức mạnh nhân dân trong chiến tranh nhân dân của
Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp viết: “Lấy dân làm gốc, động viên toàn dân, vũ
trang toàn dân, thực hiện kháng chiến toàn dân, toàn diện là nội dung cốt lõi
nhất, nổi bật nhất của tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh”.
Coi trọng vai
trò của nhân dân, luôn phát huy sức mạnh của nhân dân, muốn chiến thắng trong
các cuộc đọ sức quyết liệt và không cân sức, Hồ Chí Minh chủ trương luôn tiến
công, giữ vững, phát huy tinh thần cách mạng tiến công trong chiến tranh nhân
dân. Đây không chỉ là một luận điểm quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về
chiến tranh nhân dân, mà còn được coi là nguyên tắc “thép” khi tiến hành chiến
tranh cách mạng.
Hồ Chí Minh
đã không dưới một lần khẳng định rằng, giữ vững tinh thần cách mạng tiến công
và thế tiến công - tiến công vào mọi kẻ thù của dân tộc - đó là cơ sở của hành
động, là yếu tố quan trọng phát huy các lợi thế tiêu diệt kẻ thù giành lại độc
lập và tự do.
Vào thời khắc
“nước sôi lửa bỏng”, tiến hành khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền, Hồ Chí
Minh nêu cao quyết tâm: “Dù phải đốt cháy dãy Trường Sơn, chúng ta cũng phải
giành lấy độc lập”. Tinh thần kiên quyết tiến công của Hồ Chí Minh được thể hiện
xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam: “Hễ còn một tên xâm lược
trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi”; “bất kỳ
hòa bình hoặc chiến tranh, ta cũng phải nắm vững chủ động, phải thấy trước, chuẩn
bị trước”; “phải luôn luôn giành lấy chủ động”; “bất kể trong tình hình nào ta
cũng phải nắm vững thời cơ, nắm vững đường lối chiến lược tiến công”. Tinh thần
tiến công ấy được Đảng, Quân đội nhân dân Việt Nam thấm nhuần, thực hành, trở
thành động lực quan trọng dẫn đến thắng lợi của các cuộc chiến tranh nhân dân
Việt Nam.
Đánh giặc bằng
sức mạnh của toàn dân, nhất thiết phải có lực lượng vũ trang ba thứ quân được
xây dựng lớn mạnh làm nòng cốt, gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân
quân du kích. Đó là một quân đội kiểu mới, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà
chiến đấu, luôn “trung với nước, hiếu với dân”. Nét độc đáo trong tư tưởng Hồ
Chí Minh về xây dựng lực lượng vũ trang là “người trước, súng sau”, trên cơ sở
phong trào cách mạng của nhân dân mà tổ chức ra lực lượng vũ trang. Hồ Chí Minh
chỉ rõ: Tổ chức lực lượng vũ trang ba thứ quân phải vừa có lực lượng cơ động
chiến lược, vừa có lực lượng tại chỗ rộng khắp, có khả năng giải quyết yêu cầu
tác chiến tập trung và phân tán, chủ động đánh địch trong mọi lúc mọi nơi, kết
hợp nhiều hình thức và quy mô tác chiến, thường xuyên chiến đấu giam chân, chia
cắt địch.
Lực lượng vũ
trang ba thứ quân là một quân đội vừa chiến đấu, vừa công tác và sản xuất, vì
thế, chất lượng chính trị phải được đặt lên hàng đầu: “Phải học tập chính trị.
Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại. Quân đội
ta là quân đội nhân dân. Nhân dân có Đảng lãnh đạo, Đảng có chính cương, chính
sách. Đã là quân đội nhân dân thì phải học chính sách của Đảng”. Bên cạnh đó,
quân đội phải có đức dũng cảm, chí hy sinh, có kỷ luật nghiêm, kỷ luật là sức mạnh
của quân đội, “kỷ luật trong dân chủ, dân chủ phải có kỷ luật”. Xây dựng lực lượng
vũ trang ba thứ quân không ngừng lớn mạnh, như Hồ Chí Minh khẳng định, cần thực
hiện đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, đoàn kết quốc tế, đồng thời phải luyện
tập, làm chủ khoa học - kỹ thuật quân sự.
Một lực lượng
vũ trang vững mạnh muốn phát huy được sức chiến đấu, khả năng chiến đấu phải có
chỗ đứng chân vững chắc. Do đó, Hồ Chí Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây
dựng căn cứ địa, hậu phương, coi đó là một trong những cội nguồn sức mạnh quyết
định của chiến tranh nhân dân.
Theo Hồ Chí
Minh, căn cứ địa, hậu phương vững chắc nhất là lòng dân: “Dễ mười lần không dân
cũng chịu; Khó trăm lần dân liệu cũng xong”. Hồ Chí Minh nhấn mạnh “phải dùng
tinh thần hăng hái của toàn dân đe tìm cách giải quyết sự thiếu kém vật chất”,
vì vậy, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải xây dựng cơ sở chính trị trong nhân
dân, “phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không the nào tiêu diệt được”
- ở đâu có nhân dân Việt Nam yêu nước, ở đó có sẵn nhân tố của căn cứ địa, hậu
phương. Hồ Chí Minh còn phân tích rằng hậu phương có nhiều loại hình phong phú,
đa dạng khác nhau: Hậu phương chiến lược và hậu phương tại chỗ, ở rừng núi và đồng
bằng, ở nông thôn và thành thị, từ cơ sở chính trị đến căn cứ địa, hậu phương, ở
phía sau lưng quân đội giải phóng và ở sau lưng địch, trong lòng địch... Xác định
loại hình căn cứ địa, hậu phương phù hợp với tình thế chiến tranh từ đó, xây dựng
căn cứ địa, hậu phương ở mọi nơi, mọi chỗ, đan cài trong lòng địch... Như thế,
xây dựng căn cứ địa, hậu phương vững mạnh toàn diện về chính trị, quân sự, kinh
tế, văn hóa - xã hội, gắn xây dựng với bảo vệ là một yêu cầu trọng yếu của chiến
tranh nhân dân Việt Nam. Trong khi ra sức xây dựng căn cứ địa, hậu phương, khai
thác sức người, sức của phục vụ chiến tranh cách mạng, cần hết sức coi trọng vận
động quốc tế, tranh thủ sự giúp đỡ từ hậu phương quốc tế.
Đối với Việt
Nam, xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong điều kiện hiện nay là sự tiếp nối
truyền thống lịch sử dựng nuớc đi đôi với giữ nuớc, đuợc đặt trong một cơ cấu
kinh tế hợp lý với chiến luợc phát triển kinh tế đúng đắn, không ngừng xây dựng
và hoàn thiện hệ thống quan hệ sản xuất, đảm bảo an ninh - trật tự xã hội, hình
thành nền quốc phòng ngày càng hiện đại, đảm tính toàn diện, tập trung, song có
trọng điểm trên từng ngành, lĩnh vực, từng địa bàn và trên cả nước.
Hiện nay, truớc
những diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế và khu vưc, quan điểm “toàn dân
xây dựng đất nuớc và bảo vệ Tổ quốc, toàn quân bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất
nuớc” càng được Đảng và Nhà nước ta coi trọng. Điều 48 Hiến pháp năm 1992 của
nuớc Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: “xây dựng công nghiệp quốc
phòng, bảo đảm trang bị cho lực luợng vũ trang, kết hợp quốc phòng với kinh tế,
kinh tế với quốc phòng, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ và
chiến sĩ, công nhân, nhân viên quốc phòng xây dựng các lực luợng vũ trang nhân
dân hùng mạnh, không ngừng tăng cuờng khả năng bảo vệ đất nuớc”. Đại hội đại biểu
toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục
khẳng định: “Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy,
tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó có một số quân chủng, binh chủng, lực
lượng tiến thẳng lên hiện đại; vững mạnh về chính trị, có chất lượng tổng hợp
và có sức mạnh chiến đấu cao, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà
nước và nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong mọi tình huống”.
Từ những quan
điểm mang tính định hướng của Đảng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân phải tuân
thủ những nguyên tắc sau:
1- Đảm bảo ổn
định chính trị - xã hội (tiền đề quan trọng trong xây dựng “thế trận lòng dân”
vững chắc); 2- Có đường lối, chính sách phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội gắn
với tăng cường sức dân; 3- Phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội gắn với công bằng
xã hội (yếu tố quan trọng trong củng cố khối đại đoàn kết toàn dân); 4- Tận dụng
thành tựu phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của đất nước, tăng cường nguồn lực
cho củng cố quốc phòng; 5- Phát triển lực lượng vũ trang toàn diện.
Trong suốt
quá trình xây dựng nền quốc phòng toàn dân theo tư tưởng chiến tranh nhân dân của
Hồ Chí Minh, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn chú trọng “khoan thư sức dân” bằng những
chính sách kinh tế, chính trị, văn hóa... hợp lòng dân. Về kinh tế, Đảng, Nhà
nước Việt Nam đẩy mạnh phát triển kinh tế nhiều thành phần, đặt trọng tâm vào
công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Chính sách kinh tế
đúng đắn tạo điều kiện cho mọi cá nhân phát triển năng lực kinh tế, làm giàu
chính đáng, làm giàu cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội. Đời sống văn hóa
ngày càng được nâng cao, quyền được chăm sóc sức khỏe được đảm bảo, con người
được tiếp cận tốt hơn với công nghệ thông tin hiện đại.
Sức mạnh của
nền quốc phòng toàn dân trước hết và chủ yếu là ở lòng dân - nói cách khác, sự ủng
hộ của toàn dân là nền tảng chính trị vững chắc nhất của quốc phòng. Sự giác ngộ
cách mạng, tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc cùng với tính ưu việt của chế
độ, sự vững chắc của các tổ chức chính trị - xã hội là động lực, là nền tảng
cho sự phát triển của nền quốc phòng toàn dân - “lòng yêu nước và sự đoàn kết của
nhân dân là một lực lượng vô cùng to lớn, không ai thắng nổi”. Nói đến xây dựng
căn cứ lòng dân, Đảng, Nhà nước Việt Nam nhận thức rằng, muốn lôi cuốn, tập hợp
nhân dân cần phải có một đường lối chính trị đúng đắn, đáp ứng những nguyện vọng
chân chính của nhân dân, có một tổ chức lãnh đạo biết quy tụ, cố kết lòng dân.
Do đó, Nhà nước Việt Nam đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, hướng hoạt động
của người dân vào thực hiện mục tiêu bảo vệ đất nước, đẩy mạnh công tác giáo dục,
quán triệt nâng cao nhận thức cho các cấp, ngành, lực lượng, địa phương và toàn
dân về xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Đảng, Nhà nước Việt Nam hết sức coi trọng
công tác xây dựng hệ thống chính trị các cấp, nhất là tổ chức đảng, chính quyền
trong sạch, vững mạnh, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu quốc phòng.
Nói một cách
tổng quát, tư tưởng chiến tranh nhân dân của Hồ Chí Minh góp phần hình thành
nên học thuyết quân sự Việt Nam - học thuyết quân sự của một dân tộc nhỏ phải
thường xuyên chiến đấu và chiến thắng những kẻ thù lớn hơn nhiều lần về sức mạnh
kinh tế và quân sự. Đó là hệ thống quan điểm về quân sự và những vấn đề có liên
quan đến quân sự, biểu hiện mối quan hệ giữa chiến tranh và chính trị, giữa
chính trị và quân sự trên nền tảng do dân và vì nhân dân. Tư tưởng ấy của Hồ
Chí Minh trong thời kỳ hiện tại vẫn là ngọn cờ động viên toàn thể nhân dân, hình
thành khối đại đoàn kết toàn dân cho hoạt động xây dựng vững chắc thế trận quốc
phòng, nền quốc phòng toàn dân phát triển, hiện đại.
NXT-H1
0 nhận xét:
Đăng nhận xét