Chủ tịch Hồ Chí
Minh, lãnh tụ muôn vàn kính yêu của chúng ta. Người không những là một nhà
chính trị lỗ lạc, nhà quân sự thiển tài, nhà ngoại giao kiệt suất, anh hùng giải
phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới mà tư tưởng, đạo đức, phong cách của
Người để lại được ví như một cuốn “Bách khoa toàn thư” có giá trị lý luận và thực
tiễn sâu sắc. Cả cuộc đời, Người đã hóa thân một cách toàn vẹn và trọn vẹn vào
đời sống Nhân dân, luôn lắng nghe, thấu hiểu và có hành động cách mạng giải
phóng Nhân dân, mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho Nhân dân. Hồ Chí Minh đã
đi xa chúng ta hơn 50 năm, nhưng tên tuổi, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong
cách của Người còn sống mãi với non sông đất nước ta, sống mãi trong lòng mỗi
người dân Việt Nam. Nhân kỷ niệm 131 năm ngày sinh của Người, với lòng thành
kính và biết ơn vô hạn, chúng ta cùng ôn lại những công lao trời biển của Người
đối với dân tộc Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí
Minh (tên lúc nhỏ là Nguyễn Sinh Cung, tên khi đi học là Nguyễn Tất Thành,
trong nhiều năm hoạt động cách mạng trước đây lấy tên là Nguyễn Ái Quốc), sinh
ngày 19/5/1890 ở làng Kim Liên, xã Nam Liên (nay là xã Kim Liên), huyện Nam
Đàn, tỉnh Nghệ An; mất ngày 02/9/1969 tại Hà Nội.
Người sinh ra
trong một gia đình nhà nho yêu nước, lớn lên ở một địa phương có truyền thống
anh dũng chống giặc ngoại xâm. Sống trong hoàn cảnh đất nước chìm dưới ách đô hộ
của thực dân Pháp, thời niên thiếu và thanh niên của mình, Hồ Chí Minh đã chứng
kiến nỗi khổ cực của đồng bào và những phong trào đấu tranh chống thực dân, Hồ
Chí Minh sớm có chí đuổi thực dân, giành độc lập cho đất nước, đem lại tự do, hạnh
phúc cho đồng bào.
Với ý chí và
quyết tâm đó, ngày 03/6/1911, Nguyễn Tất Thành nhận thẻ nhân viên lên con tàu
Amiran Latusơ Tơrêvin với cái tên là Văn Ba. Hai ngày sau, 05/6/1911 con tàu rời
cảng Nhà Rồng đi sang phương Tây để tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc.
Từ năm 1912 -
1917, dưới cái tên Nguyễn Tất Thành, Hồ Chí Minh đến nhiều nước ở châu Á, châu
Âu, châu Mỹ, châu Phi, sống hoà mình với nhân dân lao động. Qua thực tiễn, Hồ
Chí Minh cảm thông sâu sắc cuộc sống khổ cực của nhân dân lao động và các dân tộc
thuộc địa cũng như nguyện vọng thiêng liêng của họ. Hồ Chí Minh sớm nhận thức
được cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam là một bộ phận
trong cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới và tích cực hoạt động nhằm
đoàn kết nhân dân các dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do.
Cuối năm 1917,
Hồ Chí Minh từ Anh trở lại Pháp, hoạt động trong phong trào Việt kiều và phong
trào công nhân Pháp.
Năm 1919, lấy
tên là Nguyễn Ái Quốc, thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Hồ Chí
Minh đã gửi tới Hội nghị Vécxây (Versailles) bản yêu sách đòi quyền tự do cho
nhân dân Việt Nam và cũng là quyền tự do cho nhân dân các nước thuộc địa.
Dưới ảnh hưởng
của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và Luận cương của Lênin về vấn đề dân tộc
và thuộc địa, tháng 12/1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ XVIII Đảng
Xã hội Pháp và bỏ phiếu tán thành Đảng gia nhập Quốc tế III (Quốc tế Cộng sản),
trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Từ một người yêu
nước trở thành một người cộng sản, Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn cứu nước và giải
phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.
Năm 1921, cùng
với một số người yêu nước của các thuộc địa Pháp, Nguyễn Ái Quốc tham gia
sáng lập Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa. Tháng 4/1922, Hội xuất bản báo
“Người cùng khổ” (Le Paria) nhằm đoàn kết, tổ chức và hướng dẫn phong trào đấu
tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa. Nhiều bài báo của Nguyễn Ái Quốc
đã được đưa vào tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp”, xuất bản tại Paris năm
1925. Đây là một công trình nghiên cứu về bản chất của chủ nghĩa thực dân, góp
phần thức tỉnh và cổ vũ nhân dân các nước thuộc địa đứng lên tự giải phóng.
Tháng 6/1923,
Nguyễn Ái Quốc từ Pháp sang Liên Xô, làm việc tại Quốc tế Cộng sản. Tháng
10/1923, tại Hội nghị Quốc tế Nông dân lần thứ nhất, Nguyễn Ái Quốc được bầu
vào Hội đồng Quốc tế Nông dân và là đại biểu duy nhất của nông dân thuộc địa được
cử vào Đoàn Chủ tịch của Hội đồng. Tiếp đó tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản lần
thứ V, Đại hội Quốc tế Thanh niên lần thứ IV, Đại hội Quốc tế Công hội đỏ. Tại
các đại hội, Nguyễn Ái Quốc kiên trì bảo vệ và phát triển sáng tạo tư tưởng của
V.I. Lênin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, hướng sự quan tâm của Quốc tế Cộng sản
tới phong trào giải phóng dân tộc.
Tháng 11/1924,
với tư cách là Uỷ viên Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản và Uỷ viên Đoàn Chủ tịch
Quốc tế Nông dân, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu (Trung Quốc). Tại Quảng Châu,
Nguyễn Ái Quốc làm việc trong đoàn cố vấn Bôrôđin của Chính phủ Liên Xô bên cạnh
Chính phủ Tôn Dật Tiên.
Năm 1925, Nguyễn
Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, trực tiếp mở lớp huấn luyện
đào tạo cán bộ cách mạng, ra tuần báo “Thanh niên”, tờ báo cách mạng đầu tiên của
Việt Nam nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam, chuẩn bị cho việc
thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Các bài giảng của Nguyễn Ái Quốc tại các lớp
huấn luyện được tập hợp in thành sách “Đường Kách mệnh” - một văn kiện lý
luận quan trọng đặt cơ sở tư tưởng cho đường lối cách mạng Việt Nam.
Tháng 5/1927,
Nguyễn Ái Quốc rời Quảng Châu đi Mátxcơva (Liên Xô), sau đó đi Béclin (Đức), đi
Brúcxen (Bỉ), tham dự phiên họp mở rộng của Đại hội đồng Liên đoàn chống chiến
tranh đế quốc, sau đó đi Ý và từ đây về châu Á.
Từ tháng 7/1928
đến tháng 11/1929, Nguyễn Ái Quốc hoạt động trong phong trào Việt kiều yêu nước
ở Xiêm (Thái Lan), tiếp tục chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tháng 2/1930,
Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị thành lập Đảng họp tại Cửu Long, thuộc Hồng
Kông (Trung Quốc). Hội nghị đã thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt,
Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công
nhân và toàn thể dân tộc Việt Nam.
Tháng 6/1931,
Nguyễn Ái Quốc bị chính quyền Anh bắt giam tại Hồng Kông. Đầu năm 1933, Nguyễn
Ái Quốc được trả tự do.
Từ năm 1934 đến
năm 1938, Nguyễn Ái Quốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu các vấn đề dân tộc thuộc
địa tại Mátxcơva (Liên Xô). Kiên trì con đường đã xác định cho cách mạng Việt
Nam, Người tiếp tục theo dõi, chỉ đạo phong trào cách mạng trong nước.
Tháng 10/1938,
Người rời Liên Xô sang Trung Quốc, bắt liên lạc với tổ chức Đảng chuẩn bị về nước.
Ngày 28/1/1941,
tại cột mốc số 108 trên tuyến Biên giới Việt - Trung, Nguyễn Ái Quốc về nước
sau hơn 30 năm rời xa Tổ quốc.
Tháng 5/1941,
Nguyễn Ái Quốc triệu tập Hội nghị lần thứ VIII Ban Chấp hành Trung ương Đảng,
quyết định đường lối cứu nước trong thời kỳ mới, thành lập Việt Nam độc lập đồng
minh (Việt Minh), tổ chức xây dựng lực lượng vũ trang giải phóng, xây dựng căn
cứ địa cách mạng.
Tháng 8/1942, lấy
tên là Hồ Chí Minh, Người đại diện cho Mặt trận Việt Minh và Phân hội Việt Nam
thuộc Hiệp hội Quốc tế chống xâm lược sang Trung Quốc tìm sự liên minh quốc tế,
cùng phối hợp hành động chống phát xít trên chiến trường Thái Bình Dương. Người
bị chính quyền địa phương của Tưởng Giới Thạch bắt giam trong các nhà lao của tỉnh
Quảng Tây. Trong thời gian một năm 14 ngày bị tù, Người đã viết tập thơ “Nhật
ký trong tù” với 133 bài thơ chữ Hán. Tháng 9/1943, Hồ Chí Minh được trả tự do.
Tháng 9/1944, Hồ
Chí Minh trở về căn cứ Cao Bằng. Tháng 12/1944, Hồ Chí Minh chỉ thị thành lập Đội
Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt
Nam.
Tháng 5/1945, Hồ
Chí Minh rời Cao Bằng về Tân Trào (Tuyên Quang). Tại đây theo đề nghị của Hồ
Chí Minh, Hội nghị toàn quốc của Đảng và Đại hội Quốc dân đã họp quyết định Tổng
khởi nghĩa. Đại hội Quốc dân đã bầu ra Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam (tức
Chính phủ lâm thời) do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Tháng 8/1945, Hồ
Chí Minh cùng Trung ương Đảng lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền thắng
lợi. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Hồ Chí Minh đọc “Tuyên
ngôn độc lập”, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và ra mắt
Chính phủ lâm thời do Người làm Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; tổ chức
Tổng tuyển cử tự do trong cả nước, bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp dân chủ
đầu tiên của Việt Nam.
Ngày
01/01/1946, Chính phủ liên hiệp lâm thời được thành lập do Hồ Chí Minh làm Chủ
tịch, kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Tháng 01/1946,
Quốc hội khóa I đã bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày 02/3/1946,
Chính phủ liên hiệp kháng chiến được thành lập do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Ngày 3/11/1946,
Chủ tịch Hồ Chí Minh được Quốc hội giao nhiệm vụ thành lập Chính phủ mới do Người
làm Chủ tịch nước kiêm Thủ tướng Chính phủ (từ 11/1946 đến 9/1955) và kiêm Bộ trưởng
Bộ Ngoại giao (từ 11/1946 đến 1947).
Cùng với Trung
ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Việt
Nam phá tan âm mưu của đế quốc, giữ vững và củng cố chính quyền cách mạng.
Ngày
19/12/1946, người kêu gọi cả nước kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bảo
vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, bảo vệ và phát triển những thành quả của Cách mạng
Tháng Tám.
Tại Đại hội lần
thứ II của Đảng (1951), Người được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc
kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược đã giành được thắng
lợi to lớn, kết thúc bằng chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ (7/5/1954).
Sau khi miền Bắc
được hoàn toàn giải phóng (1955) Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra
hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam là tiến hành cách mạng xã hội chủ
nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đồng thời đấu tranh giải phóng
miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ
nhân dân trong cả nước.
Tháng 10/1956,
tại Hội nghị Trung ương mở rộng lần thứ X (khóa II), Chủ tịch Hồ Chí Minh được
bầu làm Chủ tịch Đảng, kiêm làm Tổng Bí thư của Đảng.
Tại Đại hội lần
thứ III của Đảng (1960) đã nhất trí bầu lại Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chủ tịch
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam.
Quốc hội khóa
II, khóa III đã bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Năm 1964, đế quốc
Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân đánh phá miền Bắc Việt Nam. Người
động viên toàn thể nhân dân Việt Nam vượt mọi khó khăn gian khổ, quyết tâm đánh
thắng giặc Mỹ xâm lược. Người khẳng định: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10
năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp
có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quí hơn độc
lập, tự do! Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng
hoàng hơn, to đẹp hơn!”.
Chủ tịch Hồ Chí
Minh mất ngày 02/9/1969, tại Hà Nội. Trước khi qua đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh để
lại cho nhân dân Việt Nam bản Di chúc lịch sử, căn dặn những việc Đảng và nhân
dân Việt Nam phải làm để xây dựng đất nước sau chiến tranh. Người viết: “Điều
mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng
một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp
phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Thực hiện Di
chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn dân Việt Nam đã đoàn kết một lòng đánh thắng
cuộc chiến tranh phá hoại bằng máy bay B52 của đế quốc Mỹ, buộc Chính phủ Mỹ phải
ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973, chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút hết quân
đội Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam.
Mùa xuân năm
1975, với Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhân dân Việt Nam đã hoàn thành sự
nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, thực hiện mong ước thiêng liêng
của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí
Minh đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt
Nam, đề ra đường lối đúng đắn đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng
lợi khác. Người sáng lập ra Đảng Mácxít - Lêninnít ở Việt Nam, sáng lập ra Mặt
trận dân tộc thống nhất Việt Nam, sáng lập ra các lực lượng vũ trang nhân dân
Việt Nam và sáng lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, góp phần tăng cường
đoàn kết quốc tế. Người là tấm gương sáng của tinh thần tập thể, ý thức tổ chức
và đạo đức cách mạng.
Chủ tịch Hồ Chí
Minh là người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, lãnh tụ kính yêu của giai cấp
công nhân và của cả dân tộc Việt Nam, một chiến sĩ xuất sắc, một nhà hoạt động
lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc
Từ ngày 20/10 đến
ngày 20/11/1987, trong khóa họp lần thứ 24 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học
và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã thông qua Nghị quyết số 24C/18.6.5, lấy năm
1990 nhân dịp Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, để tôn vinh Chủ tịch
Hồ Chí Minh là "Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của
Việt Nam", góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình,
độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.
Ngày nay, cùng
với Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh đã trở thành nền tảng tư tưởng,
kim chỉ nam cho hành động của Đảng; là tài sản tinh thần to lớn của Đảng Cộng sản
Việt Nam và dân tộc Việt Nam, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của
Đảng và nhân dân ta giành thắng lợi. Nhân kỷ niệm 131 năm ngày sinh của Người, như
một nén tâm nhang, chúng ta hãy kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ đến công lao trời
biển mà Người đã hy sinh một đời vì dân vì nước; hãy cùng nhau cố gắng “học tập
và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, góp phần làm cho cuộc đời,
sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người luôn sống mãi trong sự nghiệp
của chúng ta./.
NXT-H1
0 nhận xét:
Đăng nhận xét