Cuối thế kỷ
XIX, thực dân Pháp đã nổ súng xâm lược Việt nam, biến Việt Nam từ một quốc gia
phong kiến độc lập, trở thành một nước thuộc địa nửa phong kiến. Từ đây, nhân dân
ta phải sống trong cảnh “một cổ hai tròng”. Các phong trào đấu tranh yêu nước
tuy nổ ra liên tiếp và theo nhiều khuynh hướng tư tưởng, con đường cứu nước
khác nhau gắn liền với tên tuổi của nhiều nhà yêu nước nổi tiếng như Phan Bội
Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học, Hoàng Hoa Thám, Lương Văn Can..., nhưng
kết cục đều bị thất bại, vì thiếu một đường lối cứu nước đúng đắn.
Giữa hoàn cảnh
tối tăm ấy, mặc dù rất khâm phục tinh thần yêu nước của các bậc tiền bối, nhưng
với một tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo và lòng yêu nước, thương dân sâu sắc,
ngày 5/6/1911, tại Bến cảng Nhà Rồng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất
Thành đã lên chiếc tàu mang tên Amiral La Touche De Trévillle của Pháp, bắt đầu
một hành trình đầy khó khăn, gian khổ để tìm đường cứu nước cho dân tộc Việt
Nam.
Ban đầu Người
làm phụ bếp trên một con tàu buôn của Pháp để đến được nước Pháp. Sau khi đến
nơi, Người vừa lao động kiếm sống, vừa tìm hiểu tình hình thực tế tại Pháp.
Trên con đường tìm chân lý của mình, Nguyễn Tất Thành còn đi đến “những đất tự
do, những trời nô lệ”, tìm hiểu đời sống của các tầng lớp nhân dân lao động, giới
thợ thuyền, những người nông dân nghèo khổ, đến các nông thôn hẻo lánh ở New
York, Luân Đôn, Thái Lan, Trung Quốc... để tìm hiểu, tham gia vận động và tổ chức
các phong trào cách mạng. Người phát hiện ra rằng “dù màu da có khác nhau, trên
đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột.
Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”[1].
Năm 1917, Người
trở lại nước Pháp, với tư duy biện chứng và tầm nhìn rộng lớn, Người đã tích cực
tham gia hoạt động ở các tổ chức, như: Đảng Xã hội Pháp, Hội những người Việt
kiều yêu nước tại Pháp để lên án, vạch trần bản chất của đế quốc xâm lược, chỉ
ra nỗi khổ cực của người dân nô lệ và tập hợp lực lượng cách mạng quốc tế… vì
Người nhận thấy mối liên hệ của Đảng với khát vọng giải phóng dân tộc của mình.
Tháng 11/1917,
Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại thắng lợi, mở đầu một thời đại mới trong lịch sử
xã hội loài người. Trong khoảng giữa tháng 6/1920, Người tham gia sinh hoạt
trong Đảng Xã hội Pháp. Trong hai ngày 16 và 17/7/1920 trên báo Nhân đạo của
Pháp đăng “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề
thuộc địa” của V.I.lênin. Với tiêu đề chạy suốt cả trang báo đã ngay lập tức
thu hút sự chú ý của Nguyễn Ái Quốc. Tên bài báo có liên quan đến vấn đề thuộc
địa - một vấn đề mà Người đang theo đuổi tìm kiếm. Sơ thảo luận cương của Lênin
là sự kiện mang tính chất bước ngoặt đối với Nguyễn Ái Quốc; đã tạo ra bước
chuyển biến căn bản, quyết định trong nhận thức tư tưởng của nhà cách mạng Việt
Nam trẻ tuổi. Sau nhiều năm nghiên cứu cuối cùng Nguyễn Ái Quốc cũng tìm ra thấy
con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam - con đường Cách mạng vô sản. Người kết luận, trong thời đại ngày nay “Muốn
cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng
vô sản”.[2]
Trong quãng thời gian từ năm 1921 đến năm
1930, Nguyễn Ái Quốc ra sức truyền bá Chủ nghĩa Mác – Lênin vào phong trào công
nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Với tác phẩm “Bản án Chế độ thực dân
Pháp” và “Đường kách mệnh”, đặc biệt là việc xuất bản tờ báo Thanh niên ra ngày
21/6/1925, Người đã chuẩn bị về đường lối chính trị để tiến tới thành lập Đảng
Cộng sản Việt Nam.
Cũng trong thời
gian này, Người tập trung cho việc chuẩn bị về tổ chức và cán bộ. Khi điều kiện
thành lập Đảng đã chín muồi, ngày 3/2/1930, dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc,
tại Hương Cảng, Trung Quốc, Hội nghị hợp nhất các tổ chức Cộng sản Đảng đã nhất
trí thành lập một Đảng thống nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là sản phẩm của
sự kết hợp của Chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu
nước Việt Nam. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là bước ngoặt vĩ đại trong
Cách mạng Việt Nam, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối chính trị, về con đường
cứu nước, cứu dân.
Thành quả vĩ đại
của cuộc hành trình đó thể hiện ở chỗ: Những câu hỏi lớn nhất đối với dân tộc
Việt Nam, với Cách mạng Việt Nam, mà trước đó chưa ai tìm được câu trả lời, đã
được Người giải đáp sáng tỏ, đầy sức thuyết phục.
Trong 30 năm
bôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã đi qua 3 đại dương, 4 châu lục và 29
quốc gia trên thế giới và tìm thấy con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam theo
con đường cách mạng vô sản. Thành quả vĩ đại của cuộc hành trình đó đã trả lời
được câu hỏi lớn nhất đối với dân tộc Việt Nam, với Cách mạng Việt Nam đầy sức
thuyết phục, mà trước đó chưa ai tìm được câu trả lời chính xác.
Ngày 28-1-1941, Nguyễn Ái Quốc trở về nước để
trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng. Người chỉ ra rằng, trong điều kiện
cụ thể của Việt Nam, con đường duy nhất phải theo là con đường cách mạng dân tộc
dân chủ do Đảng tiên phong của giai cấp công nhân lãnh đạo đánh đổ đế quốc, thực
dân, giành độc lập dân tộc, sau đó tiến lên thực hiện cách mạng xã hội chủ
nghĩa. Độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội là sự vận dụng sáng tạo học
thuyết Mác - Lênin, thể hiện tính quy luật của sự phát triển lịch sử của xã hội
Việt Nam, trở thành quan điểm xuyên suốt trong toàn bộ tư tưởng và sự nghiệp
cách mạng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Đó chính là “Đường cách mệnh” cho
dân tộc ta mà Người đã chọn. Thực tế lịch sử đã chứng minh sự lựa chọn đó là sự
lựa chọn lịch sử, sự lựa chọn duy nhất đúng, không thể có sự lựa chọn thứ hai.
Dưới ánh sáng của
tư tưởng Hồ Chí Minh, lớp lớp thế hệ người Việt Nam đã vững bước trên con đường
mà Người đã chọn. Đó là con đường của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, con
đường mang tầm nhìn vượt thời gian đưa đất nước và dân tộc ta vượt qua biết bao
khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, giành độc lập dân
tộc, thống nhất đất nước, thực hiện công cuộc đổi mới, tiến hành công nghiệp
hóa, hiện đại hóa, thoát khỏi nước kém phát triển, từng bước tiến lên “sánh vai
với các cường quốc năm châu”, thực hiện dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng,
văn minh.
Kỷ niệm 110 năm
Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911-5/6/2021), chúng ta luôn ghi nhớ
đây là cột mốc quý, mốc son vàng của lịch sử dân tộc, có ý nghĩa trong trái tim
của mỗi người dân Việt Nam. Nhớ về Người, mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp
nhân dân Việt Nam nói chung và cán bộ, học viên, nhân viên, chiến sĩ Trường Sỹ
quan Lục quân 1 nói riêng quyết tâm phấn đấu đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ
đã chọn; ra sức đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách
Hồ Chí Minh bằng những việc làm cụ thể, thiết thực trong công việc và đời sống
hằng ngày, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ,
công bằng, văn minh”.
NXT-H1
0 nhận xét:
Đăng nhận xét