Phong cách làm việc (PCLV) của
người cán bộ là tổng hợp những phương pháp, biện pháp, cách thức tiêu biểu, đặc
thù mà người cán bộ sử dụng để thực thi nhiệm vụ của mình. PCLV thể hiện rõ
trình độ, phẩm chất, đạo đức của người cán bộ trong từng điều kiện hoạt động cụ
thể. Nó được biểu hiện ra bằng cử chỉ, hành vi, thái độ, trong cách ứng xử hàng
ngày, cách giải quyết công việc, nhưng lại phản ánh các phẩm chất bên trong,
tâm hồn, tư tưởng, thế giới nội tâm của người cán bộ. Vì thế, PCLV còn là biểu
hiện của phẩm chất và năng lực của cán bộ.
Cán bộ chính trị cấp phân đội là
những đảng viên, cán bộ được Đảng, Nhà nước và quân đội lựa chọn, đào tạo, bồi
dưỡng để đảm nhiệm nhiệm vụ công tác đảng, công tác chính trị trong các đơn vị
phân đội của quân đội. Do chức năng, nhiệm vụ của cán bộ chính trị cấp phân đội
nên PCLV của họ là của cán bộ lãnh đạo, của người tiến hành công tác đảng, công
tác chính trị trong quân đội. Phương pháp, tác phong làm việc phải thể hiện đầy
đủ và kết hợp chặt chẽ tính cách mạng (tính đảng) với tính khoa học và đặt
trong sự vận động phát triển không ngừng của cách mạng.
PCLV của người cán bộ chính trị cấp
phân đội đã được hình thành, trau dồi, rèn luyện suốt mấy chục năm qua đã góp
phần quan trọng vào việc nâng cao hiệu lực công tác đảng, công tác chính trị,
trong hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và chiến đấu của các đơn vị và quân đội.
Ngày nay, sự nghiệp cách mạng của
Đảng, sự nghiệp xây dựng quân đội nhân dân và trong công cuộc xây dựng và chỉnh
đốn Đảng đang đặt ra yêu cầu khách quan đổi mới PCLV của người cán bộ chính trị
nói chung, cán bộ chính trị cấp phân đội nói riêng. Nội dung đổi mới PCLV là kế
thừa, củng cố và phát huy những tác phong, phương pháp công tác tốt đẹp, đã có,
bổ sung và hoàn thiện cho phù hợp với yêu cầu lãnh đạo của Đảng đối với quân
đội trong thời kỳ mới; kiên quyết khắc phục, loại bỏ những thói quen, tác phong
xấu, trái với phong cách, phương pháp của Đảng.
Thực tế hiện nay ở nhiều đơn vị,
cần khắc phục “bệnh” chung chung, đại khái, phải đề cao tính cụ thể, thiết
thực, nói và làm thống nhất; khắc phục lối làm việc chiếu lệ, không hiệu quả,
cần sâu sát và lắng nghe ý kiến của quần chúng; chống quan liêu hành chính,
quân phiệt, phải phối kết hợp nhịp nhàng các mặt công tác giữa các ngành các
cấp của quân đội với tổ chức đảng, chính quyền, các đoàn thể quần chúng ở địa
phương nơi đơn vị đóng quân. PCLV của người cán bộ chính trị cấp phân đội cần
phải nhạy bén, phát hiện cái mới, ủng hộ cái mới, khắc phục sự bảo thủ trì trệ,
thiếu kiên quyết, triệt để... Từ những yêu cầu đó, quán triệt, học tập tư
tưởng, đạo đức, tác phong, PCLV của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể suy nghĩ tới
một số vấn đề trong đổi mới PCLV của người cán bộ chính trị cấp phân đội hiện
nay.
Một là, làm việc phải có điều tra,
nghiên cứu rõ ràng cẩn thận và làm đến nơi đến chốn, không chủ quan, nóng vội.
Trong làm việc, trong lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải xây dựng tác
phong khoa học, “cách làm việc khoa học”. PCLV của người cán bộ chính trị là
phong cách lãnh đạo. Muốn lãnh đạo đúng, theo Bác: “Phải quyết định mọi vấn đề
một cách cho đúng”1. Muốn quyết định đúng, trước tiên phải “điều tra nghiên cứu
rõ ràng”. Điều tra, nghiên cứu là để cán bộ nắm chắc thực chất tình hình, nắm
người, nắm việc, giúp ra các quyết định được đúng đắn, chính xác. Đây là đặc
trưng biểu hiện làm việc có tính đảng, tính khoa học và ý thức tổ chức cao
trong PCLV của người cán bộ chính trị cấp phân đội.
Thực tế ở đơn vị nhiều cán bộ chính
trị cấp phân đội do biết điều tra, nghiên cứu, nắm chắc đối tượng nên đã tiến
hành công tác tư tưởng một cách có hiệu quả, biết sử dụng nhiều hình thức, biện
pháp sinh động, biết đề cao tính chủ động và tính thuyết phục nên đã kịp thời
khắc phục được những tư tưởng không đúng và đã góp phần giữ vững, phát huy bản
chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”. Tuy nhiên, trình độ năng lực, phong cách
lãnh đạo, PCLV của một số cán bộ chính trị cấp phân đội còn nhiều mặt yếu: lúng
túng cả về nội dung, phương pháp tiến hành công tác đảng, công tác chính trị;
tiến hành công tác tư tưởng một cách chủ quan, giản đơn, một chiều, không
nghiên cứu cụ thể, không nắm chắc thực chất công tác tư tưởng và diễn biến tư
tưởng của bộ đội nên khi có sự việc tiêu cực xảy ra, thường bị động lúng túng,
nặng về xử lý kỷ luật, đôi khi dẫn đến biện pháp thô bạo, làm phức tạp thêm
tình hình. Một số khác, tuy có thâm niên công tác lâu năm, có tích luỹ được
kinh nghiệm tiến hành công tác đảng, công tác chính trị song thường đi theo lối
mòn, kinh nghiệm, ít năng động đổi mới. Đó là những biểu hiện của tư duy cũ, lề
lối cũ, nặng về cảm tính chủ quan, lối suy nghĩ và hành động giản đơn, là phong
cách quan liêu, không tuân thủ quy trình làm việc.
Hai là, làm việc phải có mục đích
rõ ràng, tập trung, có chương trình, kế hoạch sát hợp. Đây là điều kiện của
PCLV khoa học, có mục đích, có trình tự và biện pháp cụ thể thiết thực để đạt
mục đích đã định, biết tính toán thời gian, sắp đặt công việc, tổ chức sử dụng
lực lượng hợp lý. Dự kiến được những thuận lợi, khó khăn, có phương án lãnh
đạo, giáo dục, uốn nắn kịp thời để chủ động hoàn thành đúng kế hoạch.
Phong cách đó thể hiện trong thực
hiện chức trách của mình, nhiều cán bộ chính trị ở phân đội đã xây dựng nề nếp
làm việc có khoa học, phối hợp nhịp nhàng các mặt hoạt động công tác đảng, công
tác chính trị. Vì thế, tránh được tình trạng “luộm thuộm, không có kế hoạch,
gặp việc nào, làm việc ấy, thành thử việc nào cũng là việc chính, lộn xộn,
không có ngăn nắp”2. Tuy nhiên, so với yêu cầu, phong cách này vẫn là khâu yếu
của đội ngũ cán bộ chính trị ở phân đội cơ sở, mà biểu hiện rõ nét là kế hoạch
chung chung, hình thức, thiếu biện pháp cụ thể, thiết thực. Nhiều kế hoạch chưa
bám sát nhiệm vụ chính trị của đơn vị, chưa hướng được vào các hoạt động chính của
công tác tư tưởng và công tác tổ chức, chưa bám sát nhiệm vụ trung tâm của đơn
vị ở từng thời kỳ quan trọng. Sở dĩ có tình trạng đó là do người lập kế hoạch
chưa quán triệt đầy đủ chỉ thị, nghị quyết của đảng uỷ, chi bộ, chỉ thị, mệnh
lệnh của cấp trên; chưa biết kết hợp chặt chẽ “chính sách chung với chỉ đạo
riêng, để phá tan cách lãnh đạo lờ mờ, quan liêu, chủ quan, bàn giấy”3. Ở một
số đơn vị cơ sở, kế hoạch công tác đảng, công tác chính trị hàng tháng chỉ là
tập hợp giản đơn kế hoạch cụ thể của từng trợ lý chuyên trách, thiếu sự chỉ đạo
chặt chẽ, tập trung, không gắn chặt với nhiệm vụ của đơn vị. Sự phối hợp giữa
cơ quan chính trị với các cơ quan khác trong khi đặt kế hoạch cũng như thực
hiện kế hoạch chưa chặt chẽ. Sự quan tâm, giúp đỡ của cấp trên đối với cấp dưới
trong tổ chức thực hiện kế hoạch còn có mặt hạn chế, chưa thực hiện đúng quy
trình lãnh đạo, tổ chức thực hiện chưa bám sát đơn vị cơ sở, bám sát đại đội,
chưa bồi dưỡng, hướng dẫn tại chỗ.
Nguyên nhân của PCLV thiếu kế hoạch,
kế hoạch không sát thực tế là do quan liêu, chủ quan, tuỳ tiện, gặp đâu làm
đấy. Đó cũng là do non yếu về trình độ, năng lực và phong cách lãnh đạo của
người cán bộ chính trị cấp phân đội.
Ba là, làm việc phải có nguyên tắc,
và kỷ cương, nhất quán giữa lời nói và việc làm. Sức mạnh của tổ chức là ở việc
tuân thủ nguyên tắc tổ chức, lãnh đạo và sinh hoạt của nó. Nguyên tắc tập trung
dân chủ là nguyên tắc quan trọng nhất chỉ đạo mọi hoạt động, tổ chức, sinh hoạt
và PCLV của tổ chức đảng. Lãnh đạo tập thể là nguyên tắc lãnh đạo cao nhất của
Đảng ta. Lãnh đạo tập thể đi đôi với cá nhân phụ trách, phát huy tinh thần
trách nhiệm cá nhân.
Cán bộ chính trị cấp phân đội là
người đảm nhiệm công tác đảng, công tác chính trị, chịu trách nhiệm trực tiếp
trong việc xây dựng đảng ở đơn vị theo đúng chủ trương, nghị quyết của Đảng.
Nhiệm vụ đó đòi hỏi người cán bộ chính trị cấp phân đội càng phải đề cao phong
cách công tác thể hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng. Xây dựng
phong cách lãnh đạo, lề lối làm việc mới, khắc phục bệnh quan liêu, giấy tờ,
phô trương hình thức. Suy nghĩ, nói, viết và làm đúng đường lối chủ trương,
nghị quyết của Đảng; tránh lời nói không thống nhất với việc làm, thiếu quyết
đoán, thiếu trách nhiệm, nể nang, né tránh và độc đoán gia trưởng. Kết hợp chặt
chẽ tác phong dân chủ, quần chúng với tôn trọng quyền lãnh đạo tập trung của
Đảng, của các tổ chức Đảng. Chống tuỳ tiện, qua loa, đại khái, nói và làm sai
nghị quyết, thực hiện thiếu triệt để; kiểu hành chính mệnh lệnh, quan liêu,
cách bức, hình thức phô trương kém hiệu quả. Cần tiếp tục đổi mới phương thức
lãnh đạo, phong cách công tác của các tổ chức đảng trong quân đội.
Những năm gần đây ở một số đơn vị
phân đội cơ sở tổ chức đảng chưa phát huy được hiệu lực lãnh đaọ và sức chiến
đấu. Tình trạng đó có nhiều nguyên nhân, trong đó có sự buông lỏng về quản lý
cấp uỷ, người cán bộ lãnh đạo và người chỉ huy. Nhiều chủ trương quan trọng của
đơn vị chưa được nhất trí thực hiện trong cấp uỷ, trong cán bộ; nhiều nghị
quyết thực hiện chưa nghiêm túc nhưng không kiểm điểm rõ trách nhiệm cá nhân.
Thực tế cho thấy, nơi nào, lúc nào sinh hoạt của tổ chức cơ sở đảng nội dung tư
tưởng, chính trị thiếu cụ thể, thiết thực, thì lúc đó, nơi đó thường đi chệch,
có khi làm trái chủ trương, đường lối của Đảng; tính tiền phong gương mẫu của
đảng viên bị suy giảm, kỷ luật của Đảng bị buông lỏng, các biểu hiện tiêu cực
nảy sinh, phát triển; sự gắn kết giữa Đảng và quần chúng bị suy yếu, đơn vị
không hoàn thành nhiệm vụ; tự phê bình và phê bình, công tác kiểm tra, kỷ luật
của Đảng lỏng lẻo, thực hiện không nghiêm, không thành nền nếp. Cá biệt có cán
bộ chính trị vi phạm kỷ luật phát ngôn, hoặc nói và làm không thống nhất, đã tự
làm giảm uy tín đối với đảng viên và quần chúng, gây ảnh hưởng xấu tới duy trì
kỷ luật của Đảng và kỷ luật của quân đội. Do vậy, tăng cường sự lãnh đạo tập
thể, mở rộng sinh hoạt dân chủ đang là một đòi hỏi cấp thiết thuộc phong cách
lãnh đạo của Đảng ta. Sâu sát thực tế, gần gũi quần chúng cũng là đòi hỏi của
phong cách người cán bộ chính trị. Mọi hiện tượng quan liêu, mệnh lệnh, xa rời
quần chúng, không lắng nghe, không coi trọng ý kiến quần chúng đều làm giảm sức
mạnh của tổ chức đảng, của đơn vị. Đối với người cán bộ chính trị cấp phân đội,
phong cách đó phải thể hiện gắn liền với việc hoàn thành chức trách của mình.
Xây dựng PCLV có nguyên tắc, có kỷ cương, sâu sát quần chúng mà biểu hiện cụ
thể ở tác phong tổ chức, kỷ luật của người cán bộ lãnh đạo, cán bộ chỉ huy. Đó
cũng là biểu hiện tác phong công nghiệp của giai cấp công nhân.
Bốn là, phải tổ chức kiểm tra, kiểm
soát, rút kinh nghiệm và kết luận báo cáo. Đây là phong cách không thể thiếu
của người cán bộ lãnh đạo. Có lãnh đạo mà không có kiểm tra, kiểm soát là lãnh
đạo theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”. Chỉ có kiểm tra, kiểm soát mới chống được
bệnh quan liêu, mới biết được các nghị quyết có được thi hành đúng hay không,
mới tìm ra được khuyết điểm, mới biết được người có trách nhiệm và người thiếu
trách nhiệm. Song kiểm tra, kiểm soát “Không phải cứ ngồi trong phòng giấy mà
chờ người ta báo cáo, mà phải đi tận nơi, xuống tận chỗ”4. Thường xuyên kiểm
tra, kiểm soát, rút kinh nghiệm mỗi khi làm xong một công việc, dù thành công
hay thất bại. Việc rút kinh nghiệm, phân tích rõ ràng những nguyên nhân thành
công hoặc thất bại rồi tổng kết, kết luận tìm biện pháp để thực hiện những công
việc tiếp sau được tốt hơn.
Hiện nay ở một số đơn vị cơ sở,
công tác kiểm tra, kiểm soát không được duy trì thường xuyên nền nếp. Nội dung
kiểm tra, kiểm soát thiếu cụ thể, thiết thực, còn nặng về hình thức, không tuân
thủ trình tự các bước tiến hành kiểm tra, kiểm soát. Công tác tổng kết rút kinh
nghiệm còn thiếu kịp thời, thiếu sự chuẩn bị đầy đủ, nghiêm túc, thiên về báo
cáo thành tích một chiều. Kết luận còn chung chung, thiếu thiết thực, cụ thể.
Do đó, tính chỉ đạo, tính định hướng của các kết luận còn hạn chế.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm
soát là yêu cầu thường xuyên và cấp thiết trong PCLV của người cán bộ chính trị
cấp phân đội. Chỉ có kiểm tra, kiểm soát, cán bộ mới nắm được thực chất việc
thực thi nhiệm vụ của bộ đội. Từ đó có biện pháp chỉ đạo, uốn nắn kịp thời.
Thường xuyên sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm cũng là đòi hỏi cấp thiết hiện
nay ở các đơn vị phân đội. Qua sơ kết, tổng kết mà cán bộ, chiến sĩ thấy được
mạnh, yếu của đơn vị, những thành công và những hạn chế trong thực hiện nhiệm
vụ. Từ đó rút kinh nghiệm, đề ra biện pháp khắc phục những yếu kém, hạn chế,
nâng cao chất lượng hoạt động của đơn vị và của mỗi người.
NXT-H1
1 Hồ Chí Minh: Sửa đổi lối làm
việc, toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 285.
2 Sđd, tr. 292.
3 Sđd, tr. 292.
4 Hồ Chí Minh, Sửa đổi lối làm
việc, toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 287.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét