CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2022

KHÔNG PHẢI LÀ TRẠNG THÁI PHÒNG VỆ TƯỞNG TƯỢNG

  

Gần đây có một số ý kiến cho rằng: Chúng ta đang trong thời kỳ hòa bình xây dựng đất nước, liệu chúng ta có kẻ thù thật sự không hay chúng ta đang “tự dựng nên kẻ thù, tưởng tượng ra kẻ thù” và “tự mình rơi vào trạng thái hoang mang, hoảng sợ”. Một số người lại cho rằng: “Trong một “thế giới phẳng” hòa bình, xu thế dân chủ đang là tất yếu hiện nay, các quốc gia đều là bạn của nhau, là đối tác của nhau, chúng ta làm gì có kẻ thù mà phải phân vân, mà cần cảnh giác, không khéo lại rơi vào trạng thái phòng vệ tưởng tượng...”.

Sự thật có phải như vậy không? Khẳng định, chúng ta tuyệt đối không tưởng tượng, không ảo tưởng, không hoang mang và càng không tự ru ngủ mình về kẻ thù của chúng ta! Nhiều năm qua và nhất là hiện nay, kẻ thù đáng sợ nhất, khó chiến thắng nó nhất lại chính là những kẻ thù giấu mặt, những thứ “giặc nội xâm”. Những loại này nằm lẩn khuất trong đội ngũ, rình rập trong chính mỗi người, nếu chúng ta mất cảnh giác hoặc do dự, ngập ngừng hay dao động, thoái bộ. Nguy hiểm hơn là rất khó nhận biết chúng, vì chúng biến ảo khôn lường: Chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa thực dụng, chủ nghĩa đầu hàng… được ngụy trang, trá hình dưới muôn vàn màu sắc, trong đủ thứ cái gọi là “nhân danh”, “dân chủ hóa”, “liên kết”, “hội nhập”… Chúng ta không được nhầm lẫn về điều đó.

V.I.Lênin từng nói: “Không có kẻ thù nào, dù là hung bạo nhất, có thể chiến thắng được những người cộng sản, ngoại trừ chính họ tự tan rã, chính những lỗi lầm của họ và họ không kịp sửa chữa”. Cùng với thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch từ bên ngoài, những lầm lẫn chuyển hóa thành sai lệch từ bên trong và những “giặc nội xâm”, tất cả hợp thành kẻ thù nguy hiểm nhất tiêu diệt chúng ta hoặc làm chúng ta tự rã rời, tự băng hoại, tự sụp đổ bất cứ lúc nào. Những “giặc nội xâm”, những căn bệnh “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ấy, đang tiềm tàng và hiện hình ngay trong không ít cán bộ, đảng viên nhưng rất khó nhận diện và rất khó định lượng. Đó chính là những nguy cơ tự tan vỡ từ bên trong.

Do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là do âm mưu chống phá, chiến lược "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, trong nội bộ một số cơ quan, đơn vị, địa phương đã xuất hiện một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những người giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với các biểu hiện khác nhau như: Thờ ơ, dao động về tư tưởng chính trị, bàng quan trước vận mệnh của Đảng, của dân tộc, trước khó khăn của đất nước, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc; phai nhạt lý tưởng cách mạng, thiếu niềm tin vào Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hoài nghi về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Một số cán bộ, đảng viên, trong đó có người trước đây từng giữ cương vị, trọng trách trong các cơ quan đảng, chính quyền có những ý kiến lệch lạc, nhìn nhận phê phán lịch sử thiếu khách quan, toàn diện, đòi đa nguyên, đa đảng, công khai đả kích, phủ nhận những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, cộng tác với thế lực thù địch, phản bội lại lợi ích dân tộc. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên nói trên chính là một biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Mặc dù vậy, phải thừa nhận rằng, đây là vấn đề mới nên nhận thức của các cấp, các ngành, các địa phương, của không ít cán bộ, đảng viên hiện nay vẫn chưa thống nhất, chưa đầy đủ, thậm chí còn ảo tưởng, như đã trình bày, nên dẫn đến trong việc xử lý còn nhiều lúng túng, bất cập.

Thực tiễn cho thấy, sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng cơ bản là do không ngăn chặn kịp thời nguy cơ “tự diễn biến”, dẫn đến “tự chuyển hóa” chế độ chính trị. Chính vì tất cả lẽ đó, tại Đại hội XII và gần đây là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ rõ: “Kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; khắc phục sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một số bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên"(1). Trên tinh thần ấy, Đảng ta xác định: Phải chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta. Đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị nước ta. Vì, những biểu hiện xa rời mục tiêu xã hội chủ nghĩa, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nếu không được ngăn chặn kịp thời sẽ là nguy cơ rất khó lường, đe dọa sự tồn vong của Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Vì vậy, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, đặc biệt là các cơ quan chức năng chỉ đạo về công tác giáo dục chính trị tư tưởng, văn hóa trong quân đội cần quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc các chủ trương, đường lối và các giải pháp mà Đại hội XII của Đảng đã xác định, đó là:

Kiên trì, kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh: Để đấu tranh chống các quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch hiệu quả, trước hết phải kiên trì, kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đây là đòi hỏi khách quan, yêu cầu có tính nguyên tắc và có ý nghĩa sống còn đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Đảng và nhân dân ta. Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng đã xác định: “Kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đối mới"(2). Đồng thời, Đại hội XII của Đảng xác định tiếp tục đổi mới tư duy lý luận, thực tiễn, hoàn thiện hệ thống các quan điểm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, cung cấp những luận cứ khoa học, lý luận cho việc hoạch định, phát triển đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng: Cán bộ, chiến sĩ và các tầng lớp nhân dân có giác ngộ, hiểu biết sâu sắc Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước mới có bản lĩnh chính trị vững vàng, mới đủ điều kiện “tự bảo vệ”, góp phần ngăn chặn sự xâm nhập, lây lan của hệ tư tưởng tư sản, sự xâm lăng của “văn hóa phương Tây”. Đó là sự cần thiết để mỗi cán bộ, chiến sĩ tự tin, có dũng khí chống lại âm mưu, hành động chống phá của các thế lực thù địch; đặc biệt là phê phán, bác bỏ những quan điểm lệch lạc, sai trái, thù địch phủ nhận nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hơn nữa tính chiến đấu, tính thuyết phục, hiệu quả công tác tư tưởng; đẩy mạnh tuyên truyền, học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với từng đối tượng theo hướng cụ thể, thiết thực, hiệu quả".

Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh sự cần thiết phải đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục lý luận chính trị, học tập nghị quyết của Đảng trong tình hình mới. Thực hiện nhất quán, quyết liệt, nền nếp chế độ bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, chú trọng cán bộ ở cấp Trung ương. Tiếp tục đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị theo hướng nâng cao chất lượng, chú trọng tinh giản, hiệu quả và phù hợp với từng đối tượng đào tạo, bồi dưỡng.

Chủ động ngăn chặn và nâng cao chất lượng, hiệu quả đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch: Một trong những biện pháp quan trọng trong đấu tranh chống các quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch là chủ động nghiên cứu dự báo, sớm phát hiện âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch; kịp thời ngăn chặn việc tuyên truyền, phát tán các thông tin xấu độc, tài liệu xuyên tạc, sai trái, thù địch của chúng. Đại hội XIII của Đảng đã xác định: “Chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch".

Đẩy mạnh đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ: Sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là “mảnh đất mầu mỡ” để các thế lực thù địch đẩy mạnh “diễn biến hòa bình” chống phá nước ta trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực tư tưởng, lý luận. Các quan điểm sai trái, thù địch sẽ gây tác hại trong môi trường xã hội có sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Do vậy, đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” nói chung và chống các quan điểm sai trái, thù địch nói riêng phải gắn với việc đẩy mạnh đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Việc đấu tranh chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” là rất quan trọng, nó quyết định sự thành công hay thất bại trong phòng, chống “diễn biến hòa bình”. Vì vậy cần phải làm thật tốt 4 vấn đề đã nêu trên để công cuộc phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của chúng ta ngày càng đi vào chiều sâu và bảo đảm hiệu quả./.

PVP-H4

0 nhận xét: