CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2018

VẠCH TRẦN NHỮNG LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC CỦA CÁC THẾ LỰC THÙ ĐỊCH VỀ VAI TRÒ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG

Trong khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực, chủ động xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) thì các thế lực thù địch, phản động lại triệt để lợi dụng không gian mạng để xuyên tạc, bóp méo, phủ nhận vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, gieo rắc sự hoài nghi hòng làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Vì vậy, nhận diện, đấu tranh vạch trần thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch là yêu cầu cấp thiết, nhằm khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xã hội, niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Mới đây, trên một số trang mạng xã hội xuất hiện không ít những bài viết của các thế lực thù địch, phản động, cũng như của một số người có tư tưởng cực đoan, bất mãn với chế độ ta, với dụng ý làm nhiễu loạn thông tin, gieo rắc sự hoài nghi, gây hoang mang về tư tưởng, làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng. Họ nhạo báng Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) chẳng qua chỉ là “bình mới, rượu cũ”, là thứ lý luận “lú lẫn” phản ánh sự “bế tắc về lý luận” nên không thể thực hiện được trong thực tế; khái niệm “tự diễn biến” là “mơ hồ, hoang tưởng về ngôn từ”. Họ còn viện dẫn một vài vụ việc tiêu cực, tham nhũng liên quan đến cán bộ, đảng viên có chức, có quyền đã bị xử lý, rồi vội vàng quy kết rằng, “bản chất của Đảng là tham nhũng”, “tham nhũng thuộc về bản chất của chế độ, không thể cải tạo, cần phải làm một cuộc cách mạng thay đổi nó về bản chất; tức là phải hủy bỏ cái chế độ sinh ra nó, chế độ độc tài đơn đảng”...(!)
Cần khẳng định ngay rằng, đó là những lời lẽ hết sức nhảm nhí, hàm hồ và vô cùng thâm độc của các thế lực thù địch. Họ đã cố tình đánh tráo khái niệm giữa việc Đảng ta chủ động, thường xuyên tự xây dựng, tự chỉnh đốn, coi đó là quy luật tồn tại và phát triển của Đảng, coi phê bình và tự phê bình như đánh răng, rửa mặt hằng ngày với việc bị động trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Thái độ “nhìn thẳng vào sự thật”, chủ động “phòng bệnh hơn chữa bệnh” hoàn toàn khác và không phải “tình hình đã rất nguy”, “bệnh đã nặng hết thuốc chữa” như họ rêu rao, bịa đặt. Mục đích của chúng là “hướng, lái” nhận thức xã hội về cuộc đấu tranh chống tham nhũng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của Đảng ta sang mục tiêu phủ nhận vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật”, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã kiểm điểm rất sâu tình hình và những thành quả đạt được trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng; đồng thời, cũng đã nghiêm túc chỉ ra những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng; đưa ra được khái niệm “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và đã làm rõ những biểu hiện lệch lạc, sai trái, tiêu cực có thể tự nảy nở, phát sinh từ bên trong tư tưởng và hành động, suy nghĩ và việc làm, thái độ và hành vi của mỗi cán bộ, đảng viên, nguy cơ làm mọt ruỗng bản chất chế độ từ bên trong. Đồng thời, Nghị quyết đã xác định hệ thống giải pháp nhằm đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, mà trọng tâm là ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Một điều hết sức đặc biệt ở Nghị quyết này, đó là lần đầu tiên 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã được Trung ương Đảng “vạch mặt, chỉ tên” rất cụ thể, hiện hữu.
Qua đó cho thấy, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) không những đã thể hiện thái độ thẳng thắn, tinh thần dũng cảm của một đảng cách mạng, dám nói thẳng, nói thật, nói hết những hạn chế, khuyết điểm mà còn chứng tỏ quyết tâm chính trị rất cao, sự nỗ lực rất lớn và tư tưởng nhất quán của Đảng về tầm quan trọng đặc biệt của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đồng thời, thể hiện tầm tư duy và thái độ kiên quyết, kiên trì thực hiện của Đảng trước yêu cầu về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu trong tình hình mới, nhằm củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, làm cho Đảng trong sạch vững mạnh, xứng đáng là lực lượng tiên phong lãnh đạo Nhà nước và xã hội, chứ hoàn toàn không phải là sự “lú lẫn”, “bế tắc về lý luận” như các thế lực thù địch đang ra sức xuyên tạc, nhạo báng.
Chúng ta đều biết rằng, vai trò lãnh đạo của Đảng không phải tự nhiên mà có và càng không phải cứ tự nhận mà được. Về cơ sở pháp lý, Hiến pháp năm 2013 và nhiều bản hiến pháp trước đó của nước ta đều xác định rõ: “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Về mặt thực tiễn, lịch sử cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng hơn 87 năm qua đã minh chứng hùng hồn và khẳng định rõ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với đất nước là sự lựa chọn sáng suốt của lịch sử, là ý nguyện của toàn dân và là sứ mệnh lịch sử mà dân tộc, giai cấp công nhân, nhân dân trao cho Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã giải quyết được sự bế tắc về lý luận cũng như đường lối cứu nước trong những năm 20 của Thế kỷ XX. Trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, các phong trào yêu nước Việt Nam đã phát triển rất mạnh mẽ, sôi nổi nhưng đều thất bại; nhiều nhà yêu nước muốn tìm đường cứu nước, cứu dân tộc khỏi ách nô lệ, lầm than của thực dân, đế quốc nhưng đều không thành. Với sự kết hợp giữa Chủ nghĩa Mác - Lênin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi xuất hiện trên vũ đài chính trị, đã tỏ rõ là một Đảng cách mạng chân chính, có khả năng quy tụ, tranh thủ được sức mạnh to lớn của toàn dân tộc, sớm trở thành đội tiên phong của giai cấp và của dân tộc trong cuộc đấu tranh chống đế quốc, phong kiến, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Khi mới 15 tuổi, với 5.000 đảng viên, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân làm nên Cách mạng tháng Tám năm 1945, giải phóng dân tộc thoát khỏi gông xiềng nô lệ, đưa đất nước ta từ một đất nước thuộc địa nửa phong kiến thành một nước độc lập, nhân dân ta từ một người nô lệ lên địa vị của người tự do, người làm chủ.
Ngay sau khi đất nước ta giành được độc lập, các thế lực thực dân, đế quốc quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân ta anh dũng chiến đấu, giành thắng lợi vĩ đại trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược trong suốt 30 năm, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội (CNXH).
Trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa (XHCN), Đảng đã lãnh đạo quân và dân ta đánh thắng hai cuộc chiến tranh xâm lược ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng; đồng thời, thực hiện tốt nhiệm vụ quốc tế vô sản - giúp nhân dân Cămpuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt, xây dựng lại đất nước Ăngco ngày càng phồn thịnh.
Trong bối cảnh hệ thống XHCN trên thế giới tạm thời lâm vào khủng hoảng, thoái trào, Đảng ta đã khởi xướng và lãnh đạo nhân dân tiến hành công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng XHCN. Sau hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, “đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN”[1]. Chính trị ổn định, độc lập chủ quyền quốc gia được giữ vững; uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được củng cố và nâng cao. Đó là sự thật không chỉ người Việt Nam yêu nước thừa nhận, mà còn được thế giới ngợi ca và đánh giá cao.
Đương nhiên, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, bên cạnh những thành công, không tránh khỏi những sai lầm vấp váp. Chính trong những thời điểm khó khăn do mắc phải sai lầm, khuyết điểm, Đảng đã kịp thời thực hiện các biện pháp hữu hiệu để lấy lại niềm tin ở nhân dân, tiếp tục được nhân dân giúp đỡ đưa cách mạng vượt qua những thử thách tưởng chừng không thể qua nổi. Cụ thể là, những biểu hiện “tả khuynh”, nôn nóng ở một số tổ chức đảng trong những năm 1930-1931; những biểu hiện “hữu khuynh” của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong thực hiện nhiệm vụ cách mạng những năm 1936-1939; những biểu hiện giáo điều, dập khuôn của Đảng trong thực hiện cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức những năm 1954-1956; đặc biệt là biểu hiện chủ quan duy ý chí, muốn đưa đất nước tiến nhanh lên CNXH trong những năm 1975-1985 đã được khắc phục có hiệu quả.
Trong công cuộc đổi mới, nhất là trong những năm gần đây, do tác động của các nhân tố khách quan và chủ quan làm cho nội bộ Đảng còn tồn tại không ít hạn chế, khuyết điểm. Tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với phạm vi rộng, tính chất phức tạp, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân. Cùng với đó, “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn”[2], là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta. Các thế lực thù địch đã và đang triệt để lợi dụng vấn đề này để tiến hành các hoạt động xuyên tạc, chống phá. Trước sự thẳng thắn và nghiêm túc thừa nhận khuyết điểm của Đảng, nhất là gần đây, một số vụ việc tiêu cực lớn có liên quan đến cán bộ, đảng viên có chức, có quyền trong bộ máy của Đảng, Nhà nước, được Đảng chỉ đạo xử lý nghiêm khắc, thì các thế lực thù địch lại ra sức tuyên truyền, xuyên tạc rằng, các phe cánh trong Đảng đang “thanh trừng”, “hạ bệ” lẫn nhau để thâu tóm quyền lực. Đây thực sự là ngón đòn thâm độc, nguy hiểm mà các thế lực thù địch tung ra nhằm gây nên sự hoang mang, hoài nghi trong nhân dân, tạo ra sự bất ổn về tư tưởng xã hội. Không những thế, các thế lực thù địch (trong đó có Lê Dủ Chân3) còn đồng nhất những hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền với bản chất cách mạng của Đảng và quy kết một cách hàm hồ rằng: nguồn gốc của tham nhũng ở Việt Nam là do sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và muốn bài trừ tham nhũng chỉ có một con đường duy nhất là đứng lên lật đổ Đảng Cộng sản(!).
Việc Lê Dủ Chân cho rằng nguồn gốc tham nhũng ở Việt Nam là do sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là lập luận hoàn toàn sai lầm về nhận thức và sai trái về chính trị; đồng thời, thể hiện rõ sự ấu trĩ về tư duy và hết sức phi lý, phi thực tiễn. Bởi lẽ, về bản chất, tham nhũng là sự tha hóa quyền lực để thực hiện lợi ích cá nhân hoặc của một nhóm người làm phương hại đến lợi ích cá nhân khác, của tập thể và xã hội; tham nhũng chỉ xảy ra và gắn với cá nhân có quyền lực, nhưng đã bị tha hóa. Với ta, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, quyền lực của tổ chức đảng được phân công, phân nhiệm, giao cho các tập thể, cá nhân đảm trách. Như vậy, nguồn gốc của tham nhũng hoàn toàn không phải do sự lãnh đạo của Đảng. Chỉ có cán bộ, đảng viên có chức, có quyền, nhưng thiếu tu dưỡng, rèn luyện, sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội thực dụng, thoái hóa, biến chất, thiếu sự kiểm tra, giám sát, kiểm soát của tổ chức mới có thể tham nhũng mà thôi. Và chưa bao giờ Đảng Cộng sản Việt Nam phủ nhận tệ nạn tham nhũng và những hệ lụy của nó ở Việt Nam. Đó chẳng qua chỉ là những lời ngụy biện, lấy “hiện tượng” để đánh đồng với “bản chất” rồi quy chụp một cách hồ đồ của Lê Dủ Chân nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Việc Đảng ta kiên quyết đưa ra xét xử những vụ án tham nhũng lớn trong những năm vừa qua cho thấy, Đảng không dung túng, bao che, “không có vùng cấm trong việc chống tham nhũng”; luôn đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, không phân biệt đối xử - bất kể cán bộ vi phạm là ai, đã nghỉ hưu hay đương chức đều bị xử lý nghiêm minh. Điều đó càng khẳng định rõ quyết tâm cao và sự cầu thị của Đảng để làm trong sạch bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, không ngừng nâng cao sức chiến đấu, phẩm chất, trí tuệ, năng lực lãnh đạo, ngang tầm với trọng trách được giao, chứ không phải là “cái cớ để Đảng thanh trừng nội bộ, thâu tóm quyền lực” như Lê Dủ Chân nói bậy, nói càn và lại càng không phải là sự “tự tô vẽ của Đảng để lấy lòng nhân dân” như tác giả Mẫn Nhi đã cố tình xuyên tạc (thể hiện trong bài viết “Bạo lực cách mạng là đổi mới lần 2 của Đảng?”).
Từ những phân tích, luận giải trên đây, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để bác bỏ những thông tin, ý kiến, lời lẽ xuyên tạc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); đồng thời khẳng định, Đảng Cộng sản Việt Nam là một Đảng “đạo đức, trí tuệ, văn minh”, người tổ chức, lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Càng trong những hoàn cảnh khó khăn, bước ngoặt lịch sử thì bản lĩnh, trí tuệ, ý chí của Đảng càng tỏa sáng; đường lối, chủ trương của Đảng càng thể hiện sự đúng đắn, khoa học, bám sát thực tiễn đất nước và đòi hỏi bức thiết của nhân dân. Cho dù các thế lực thù địch, các “nhà hoạt động xã hội”, hoặc kẻ nhân danh “người yêu nước” có dùng âm mưu, thủ đoạn thâm độc đến đâu cũng không thể che đậy được dã tâm đen tối của họ - đòi phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng.

Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội là hoàn toàn chính đáng, hợp pháp và hợp lòng dân. Nhân dân Việt Nam vẫn mãi sắt son, một lòng tin yêu Đảng. Bởi lẽ, người dân luôn thấu hiểu sâu sắc rằng, những thiếu sót, bất cập trong lãnh đạo là không thể tránh khỏi; nhưng đòi hỏi Đảng phải thấy, phải kiên quyết khắc phục sửa chữa đúng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”.
Lê Đình Trung -SPQS

0 nhận xét: