CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Bảy, 27 tháng 1, 2018

Nhận diện những luận điệu chống phá Quy định 102-QĐ/TW của Đảng

          Ngày 15/11/2017 Bộ chính trị ban hành Quy định 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Quy định này là cụ thể hóa nhiều văn kiện về xây dựng Đảng, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) nhằm giữ vững bản chất tốt đẹp của Đảng Cộng sản Việt Nam.

          Quy định 102-QĐ/TW thay thế Quy định số 181-QĐ/TW, ngày 30/3/2013 của Bộ Chính trị khóa XI về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Quy định 102 ra đời xuất phát từ yêu cầu cấp thiết trong thực tiễn, đó là tình trạng suy thoái về “chính trị, tư tưởng, đạo đức”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” mà Hội nghị TW 4 (khóa XII) đã chỉ ra là nghiêm trọng. Như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nói: “Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc câu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”. Đồng thời, quá trình thực hiện Nghị quyết TW4, với sự quyết tâm của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống đã có những chuyển biến quan trọng. Nhiều vụ việc cán bộ, đảng viên suy thoái về đạo đức, lối sống, vi phạm Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật, tham ô, tham nhũng… đã bị xử lý kỷ luật và xử lý hình sự với các hình thức nghiêm minh. Chẳng hạn như việc kỷ luật Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá Ngô Văn Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng Đào Vũ Việt do những sai phạm trong vụ “hot girl” Trần Vũ Quỳnh Anh được đề bạt “siêu tốc” ở Sở Xây dựng; hay việc cách chức Bí thư Đà Nẵng đối với ông Nguyễn Xuân Anh, cách chức Thứ trưởng Bộ Công Thương đối với bà Hồ Thị Kim Thoa, các vi phạm nói trên được Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định là “rất nghiêm trọng”. Đặc biệt, ngày 8-12-2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng để điều tra về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”...
          Nội dung của Quy định 102 thể hiện những điểm cơ bản như sau: Ngoài các điều quy định về “Đối tượng”; “Nguyên tắc”; “Thời hiệu xử lý” và “Điều khoản thi hành”…, Quy định 102 tập trung đề cập đến những hành vi “vi phạm về chính trị; nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng” (Chương II); “Vi phạm chính sách, pháp luật của Nhà nước” (Chương III); “Vi phạm về chế độ trách nhiệm, đạo đức lối sống, tín ngưỡng và tôn giáo” (Chương IV). Chẳng hạn Điểm b, Khoản 1, Điều 7, Chương II (Vi phạm về quan điểm chính trị và chính trị nội bộ): “Phụ họa, a dua theo những quan điểm trái với quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh… thiếu trách nhiệm trong đấu tranh chống biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống...”; Điểm d, Khoản 1, Điều 7: “Không trung thực trong khai lý lịch, lịch sử bản thân và bổ sung lý lịch đảng viên”; Điểm b, Khoản 2, Điều 7: "Phản bác, phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên tắc tập trung dân chủ, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự”, “đa nguyên, đa đảng”.
          Việc ban hành Quy định 102 không chỉ căn cứ Cương lĩnh, Điều lệ của Đảng, căn cứ Hiếp pháp, pháp luật mà còn các giá trị truyền thống đạo đức của dân tộc. Đây là một quy định nội bộ Đảng nhằm giữ vững phẩm chất chính trị, đạo đức của cán bộ, đảng viên. Thế nhưng, ngay sau khi quy định được ban hành, trên không gian mạng đã có những bài viết chỉ trích, những comment - bình luận cố ý hiểu sai lệch, xuyên tạc bản chất của văn kiện này. Đây là những luận điệu chống phá của các thế lực thù địch mà chúng ta cần phải nhận thức sâu sắc.
          Thứ nhất, chúng cho rằng quy định này thể hiện sự “xung khắc nội bộ” về “xã hội dân sự”. Nghĩa là chúng cắt xén bối cảnh của câu văn. Bối cảnh của câu văn nằm trong mệnh đề “Phản bác, phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh” (điều này được quy định tại Điều 4 Hiến pháp năm 2013). Chúng cố tình tách cụm từ “xã hội dân sự” ra khỏi mệnh đề thể chế “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự”, “đa nguyên, đa đảng” (điều này được quy định tại Khoản 3, Điều 2 Hiến pháp năm 2013 quy định về nguyên tắc phân công phối hợp của cơ quan quyền lực Nhà nước.
          Như chúng ta đã biết, trên thế giới hiện nay có nhiều mô hình chế độ chính trị và nhà nước. Chẳng hạn như chế độ cộng hòa tổng thống; chế độ cộng hòa đại nghị; chế độ dân chủ nhân dân; chế độ quân chủ (do nhà vua đứng đầu); có nhiều nước dựa trên một tôn giáo (còn gọi là Quốc đạo) ở đó các giáo sĩ, tăng lữ giữ vai trò quyết định về nhiều mặt, kể cả chính trị, xã hội. Một dân tộc lựa chọn chế độ xã hội nào, mô hình nhà nước nào tùy thuộc vào sự lựa chọn của nhân dân do cơ quan quyền lực nhà nước (Quốc hội quyết định). Không có mô hình “chuẩn”, không có "khuôn mẫu" cho cộng đồng quốc tế làm theo. Cái mà những kẻ muốn áp đặt cho xã hội Việt Nam mô hình ngoại nhập, thực chất chỉ là một thủ đoạn chính trị hòng xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam mà thôi.
          Thứ hai, chúng xuyên tạc Quy định 102 thực tế là nhằm bác bỏ chế độ xã hội hiện hữu do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Lập luận của chúng là: Đảng Cộng sản Việt Nam “bám giữ” tư tưởng phủ nhận xã hội dân sự là “cổ hủ, lạc hậu, cản trở bước tiến của xã hội”… Thực tế hoàn toàn trái lại, chưa bao giờ vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế lại được khẳng định, được tôn trọng như hiện nay. Việt Nam đang là đối tác chiến lược với 15 quốc gia (trong đó có Nga, Trung Quốc, Ấn Độ); đối tác toàn diện với 12 quốc gia (trong đó có Hoa Kỳ).
          Chúng ta đều nhận thức sâu sắc rằng. Hiện nay, không có mô hình kinh tế “chuẩn” cho cộng đồng quốc tế. Về mặt lý luận, không có nền kinh tế nào không có “tính ngữ” (không có đuôi-theo cách viết của một số người về nền kinh tế Việt Nam). Nền kinh tế các nước Bắc Âu là nền “kinh tế thị trường xã hội”; nền kinh tế Anh, Mỹ là nền “kinh tế thị trường tự do”; nền kinh tế Trung Quốc (lớn thứ hai thế giới ) là “kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa”... Bởi vậy, việc họ xuyên tạc, phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam nếu không phải là một thủ đoạn chính trị thì cũng chỉ là lý lẽ của những kẻ “ếch ngồi đáy giếng” về tri thức.
          Thứ ba, thông qua việc “phản biện” Quy định 102 các thế lực thù địch nhằm tuyên truyền cho chế độ “đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”, thể chế “tam quyền phân lập” và nền “kinh tế thị trường tự do”, theo mô hình ngoại nhập. Chúng viết: Một quốc gia phát triển nhanh, mạnh và hài hòa, thì ba trụ cột: Nhà nước pháp quyền; một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh và một xã hội dân sự, trong đó bao gồm các tổ chức xã hội dân sự độc lập không chịu sự chi phối của Nhà nước. Nói tóm lại, đó là một mô hình coppy ngoại nhập 100%. Chỉ có những kẻ mang đầu óc nô lệ mới nhắm mắt ca ngợi mô hình đó một cách mù quáng. Thực tế cho thấy, ngay ở những nước phát triển nhất với mô hình này vẫn đầy rẫy bất công như tình trạng hàng triệu người vô gia cư.

          Cho dù những xuyên tạc ác ý, vu khống thâm độc đến đâu cũng không thể làm sai lệch bản chất, nguyên tắc và mục đích mà Quy định 102-QĐ/TW đặt ra. Đó là đảm bảo sự tuân thủ Hiến pháp, pháp luật, căn cứ Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, việc quy định xử lý sai phạm của đảng viên nhằm mục đích xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, vì sự tiến bộ của Đảng và tiến bộ của đất nước./.
Hoàng Quốc Huy-SQPS

0 nhận xét: