CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Sáu, 7 tháng 10, 2022

CHIÊU TRÒ MỊ DÂN VỀ XÃ HỘI DÂN SỰ CỦA VOA

 

 Ngày 3/10/2022, trên trang VOA Tiếng Việt có bài viết với tựa đề “Nhóm cố vấn EU lo ngại không gian xã hội dân sự bị thu hẹp ở Việt Nam”. Điều đáng lưu ý là bài viết tập trung đề cập đến góc độ khuyến khích “xã hội dân sự” nhưng với hình thức mị dân, núp bóng “xã hội dân sự” để trá hình dưới danh nghĩa bảo vệ “dân chủ”, “nhân quyền”, nhằm hướng lái vào phê phán vai trò lãnh đạo của Đảng, cho rằng: chế độ độc đảng là “độc tài toàn trị”, là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng, sai lầm…

Ban đầu khi mới đọc nội dung bài viết nghe có vẻ hay nhưng về thực chất là sự cố tình đánh tráo khái niệm để lừa mị những người nhẹ dạ, mơ hồ, dao động. Cụ thể VOA đã viết: Ủy ban Cố vấn trong nước của Liên minh châu Âu (EU DAG) cho Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) vừa lên tiếng lo ngại về việc không gian xã hội dân sự ngày càng bị thu hẹp tại Việt Nam sau những vụ bắt giữ và bỏ tù các nhà hoạt động môi trường gần đây tại quốc gia Đông Nam Á.

Ở đây những cái tên mà VOA gọi là nhà hoạt động môi trường đồng thời là những lãnh đạo các tổ chức xã hội dân sự ở đây chẳng ai khác vẫn là Ngụy Thị Khanh, Mai Phan Lợi, Đặng Đình Bách và Bạch Hùng Dương. Đây là những người đã vi phạm pháp luật Việt Nam và bị xử lý theo pháp luật Việt Nam với đầy đủ căn cứ rõ ràng ấy vậy mà thật buồn cười thay VOA vẫn rêu rao rằng: Họ đều bị cáo buộc tội “trốn thuế,” một tội danh mà các tổ chức nhân quyền cho rằng chính quyền Việt Nam dùng để bắt bớ các nhà hoạt động xã hội và môi trường trong một xu thế đáng lo ngại tại quốc gia do Đảng Cộng sản cầm quyền.

Để lấy dẫn chứng cho lập luận của mình VOA đã trích dẫn một tuyên bố của EU DAG nói rằng có những “lo ngại đáng kể đã được nêu lên trong cuộc họp về sự thu hẹp không gian cho xã hội dân sự ở Việt Nam” và rằng nhóm “vẫn quan ngại sâu sắc về các vụ bắt giữ, bỏ tù và kết án một số nhà bảo vệ quyền môi trường nổi tiếng ở Việt Nam.”

Cùng với đó trong bài viết của mình VOA cũng không quên gán ghép một cách rời rạc vấn đề dân chủ, nhân quyền, xã hội dân sự với việc Việt Nam ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). VOA lại lập luận cho rằng: ba nhà lãnh đạo dân sự (Ngụy Thị Khanh, Mai Phan Lợi, Đặng Đình Bách) bị bắt giữ là do họ đã thúc đẩy sự tham gia của xã hội dân sự trong việc giám sát EVFTA; Sự quấy rối những người bảo vệ nhân quyền, các nhà lãnh đạo xã hội dân sự và các nhà báo dựa trên việc sử dụng tùy tiện cách diễn đạt quá rộng của Bộ luật Hình sự và Luật Thuế;  EU DAG kêu gọi tôn trọng các quyền của các tổ chức xã hội dân sự trong việc xem xét và giám sát việc thực hiện EVFTA, cho rằng hiệp định thương mại “chỉ có thể được thực hiện đúng như cam kết nếu xã hội dân sự có thể giám sát minh bạch và xem xét kỹ lưỡng việc thực hiện.” Nhân quyền được xem là một yếu tố thiết yếu của Hiệp định Đối tác và Hợp tác (PCA) giữa liên minh châu Âu và Việt Nam và do đó bao trùm toàn bộ EVFTA.

Trước tiên mỗi chúng ta vẫn cần phải hiểu đúng về “Xã hội dân sự” là gì thì vấn đề này đã được đề cập rất nhiều trong các bài viết trên không gian mạng, tác giả xin được không đề cập đến. Nhưng ở đây chúng ta Không thể phủ nhận xã hội dân sự là một bước tiến của loài người trong tổ chức cộng đồng, bên cạnh sự tiến bộ của các thiết chế nhà nước ngày càng hợp lý. Xã hội dân sự được cộng đồng quốc tế rất quan tâm, coi đó là một nhân tố của xã hội hiện đại, một tiêu chí đánh giá trình độ phát triển của chế độ xã hội ở một quốc gia. Nhiều văn kiện của các tổ chức quốc tế và khu vực đã có các quy định về quyền con người, về xã hội dân sự, tổ chức “xã hội dân sự”. Nhiều tổ chức “xã hội dân sự” đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; bảo đảm thực thi dân chủ, nhân quyền; góp phần tích cực vào thúc đẩy dân chủ hóa và xây dựng nhà nước pháp quyền, phát triển các lĩnh vực giáo dục, y tế…

Ở Việt Nam pháp luật Việt Nam đã quy định các điều kiện cụ thể để thành lập, hoạt động của tổ chức xã hội dân sự. Bên cạnh các tổ chức chính trị, đoàn thể quần chúng, nhiều hội, tổ chức phi chính phủ đã và đang được thành lập theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, hoạt động công khai, hợp pháp, mang lại những lợi ích đáng kể cho xã hội và cộng đồng. Còn các hội, tổ chức quần chúng tự phát thành lập, không có tư cách pháp nhân, mang tính hình thức, chạy theo lợi nhuận kinh tế đơn thuần, hoạt động tùy tiện, kém hiệu quả, không phát huy được vai trò đại diện cho lợi ích của hội viên; cá biệt còn một số tổ chức có nhiều hoạt động vi phạm pháp luật, gây phương hại đến an ninh quốc gia, buộc các cơ quan chức năng phải chấn chỉnh, xử lý. Lợi dụng điều này, các thế lực thù địch đã xuyên tạc, vu cáo Nhà nước ta vi phạm dân chủ, nhân quyền. Đó là sự đơm đặt vô căn cứ, mang nặng tính thù địch như vừa rồi của VOA.

Mỗi bạn đọc hãy luôn tỉnh táo trước những luận điệu xuyên tạc về vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền nhằm gây chia rẽ đoàn kết dân tộc dẫn đến giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, không để bị chúng dụ dỗ, mua chuộc hay kích động, lôi kéo./.

LHV-KHTN

0 nhận xét: