Mấy ngày gần
đây, vấn đề đang nổi lên ở các trang mạng xã hội hay kể cả một số trang báo mạng
đó là xung quanh việc tiêm vaccine Trung Quốc. Người ta đặt ra rất nhiều câu hỏi
như: vaccine Trung Quốc có hiệu quả tuyệt đối hay không? Tiêm vaccine
Trung Quốc có tuyệt đối an toàn không? Có đạt hiệu quả như các loại
vaccine khác không? Thậm chí các phần tử phản động, chống phá tập trung chĩa
mũi nhọn cho rằng báo chí Việt Nam đang trực tiếp hay gián tiếp cổ xúy cho
vaccine Trung Quốc; rồi là bằng mọi giá Đảng, Nhà nước muốn ép dân Sài Gòn
phải tiêm vắc xin Tàu... Một số kẻ có tư tưởng cực đoan kêu gọi bài Trung,
thoát Hán. Đối với cá nhân tôi có một số suy nghĩ như thế này:
Hiện nay, nói
về số lượng quốc gia sở hữu vaccine trên thế giới, Trung Quốc đứng
đầu với 6/21 loại vaccine được công bố; đồng thời, là nơi thử nghiệm
lâm sàng cho 19 loại vaccine khác nhau. Hai loại vaccine Trung Quốc được
biết đến nhiều nhất chính là BBIBP-CorV hay còn gọi là VeroCell
Sinopharm (Bắc Kinh) và CoronaVac với tên gọi khác là Sinovac.
Tập đoàn Dược
phẩm Quốc gia Trung Quốc - Sinopharm còn phát triển một loại vaccine khác
cũng được biết đến dưới tên Verocell Sinopharm (Vũ Hán) thông qua công ty
con của Tập đoàn Sinh học Quốc gia Trung Quốc (CNBG). Việt Nam hiện đã phê
duyệt VeroCell Sinopharm (Bắc Kinh) – thứ được sử dụng rộng rãi ở 58
quốc gia khác và đa phần Đông Nam Á chứ không phải VeroCell Sinopharm
(Vũ Hán) như nhiều anh chị đang cố tình đánh tráo khái niệm mấy
ngày hôm nay.
Câu hỏi đang
được quan tâm nhất lúc này là vaccine Trung Quốc có hiệu quả tuyệt
đối hay không? Câu trả lời là KHÔNG. Nhưng đáng tiếc, câu trả lời này
cũng đúng với hiện trạng thực tế cho tất cả các loại vaccine khác.
Đơn giản, chưa có bằng chứng khoa học chỉ ra bất cứ loại vaccine nào
có khả năng bảo vệ 100% khi được tiêm đầy đủ đặc biệt với tình
trạng gia tăng các biến chủng mới hiện nay.
Vậy, tiêm
vaccine Trung Quốc có tuyệt đối an toàn không? Câu trả lời cũng là KHÔNG,
và cũng như câu trên, nó phản ánh hiện trạng tất cả các vaccine hiện
nay dù là Moderna hay Pfizer thì chúng mình vẫn phải chấp nhận một
tỉ lệ biến chứng nhất định dù rất nhỏ sau khi tiêm. Những trường
hợp xác định tử vong hoặc nghi ngờ tử vong sau khi tiêm vaccine xảy ra
hầu hết ở mọi quốc gia với tất cả các loại vaccine nhưng tỷ lệ này
vẫn thấp hơn rất nhiều so với việc không tiêm vaccine và tử vong do
nhiễm virus.
Vaccine Trung
Quốc mà cụ thể là VeroCell Sinopharm (Bắc Kinh) có đạt hiệu quả như
các loại vaccine khác không? Câu trả lời là CÓ. Một loại vaccine từ
khi được nghiên cứu đến khi được công nhận cần trải qua những qua giai
đoạn thử nghiệm lâm sàng cụ thể và phải được công bố đầy đủ dữ
liệu thử nghiệm để đánh giá trước khi được WHO và các quốc gia muốn
sử dụng phê chuẩn. Không một quốc gia nào lại đi phê chuẩn một loại
vaccine trước khi có đầy đủ thông tin để đánh giá về loại vaccine đó
vì cái phải trả đôi khi không chỉ nằm ở mặt y tế mà còn ở vấn đề
kinh tế, bất ổn chính trị.
Chúng mình
đừng tự đánh lừa bản thân và những người khác bằng thiên kiến từ
một số bài báo về chất lượng vaccine Trung Quốc khi vài quốc gia cho
thấy dữ liệu sau khi tiêm chủng không đạt hiệu quả kỳ vọng. Với
những biến chủng mới hiện nay, từ Anh đến Israel và một loạt các
quốc gia khác có tỷ lệ tiêm chủng cao mà không dùng vaccine của Trung
Quốc đều lần lượt phải đánh giá lại tính hiệu quả của các loại
vaccine.
Hãy dừng
việc gọi những người ủng hộ vaccine Trung Quốc là Hán nô để thấy
rằng Các tiểu Vương Quốc Ả Rập thống nhất (UAE) với Dubai hoa lệ có
hơn 52,000 triệu phú trên thế giới đã là nơi thử nghiệm và tiêm
VeroCell Sinopharm (Bắc Kinh) từ giai đoạn đầu. Thậm chí đến thời điểm
6 giờ trước khi bài viết này được đăng, UAE đã phê chuẩn vaccine
Sinopharm cho trẻ em từ 3 đến 17 tuổi. Nói thật, Hán nô mà giàu được
như thế thì kẻ trung niên này dám chắc nhiều anh chị dân chủ nhân
quyền lại không mau mau đầu quân sang Trung Nam Hải cho nó nhanh gia tăng
tài sản.
Các bạn ạ, cho
đến khi Covid-19 được đưa vào loại bệnh nằm trong danh mục phải sử dụng vắc
xin bắt buộc thì tiêm vaccine là quyết định của mỗi cá nhân nhưng đất
nước có đẩy lùi dịch bệnh hay không còn phụ thuộc vào miễn dịch
cộng đồng của tập thể. Phân biệt các loại vaccine chỉ làm cho dịch
bệnh trở nên nghiêm trọng và khó kiểm soát trong lúc tất cả chúng ta
cần SỰ-ỔN-ĐỊNH. Campuchia là một điển hình cho tính hiệu quả của
vaccine Trung Quốc khi trong 19 triệu liều họ nhận được bao gồm 6,2 triệu
liều Sinopharm và 11,5 triệu liều Sinovac; hiện nay số ca nhiễm mới một
ngày chỉ dưới 1000 ca và có dấu hiệu giảm dần.
Sử dụng
vaccine của một thằng hàng xóm hung hăng phương Bắc hay nói cách khác
là một kẻ địch suốt hàng nghìn năm chưa bao giờ là điều dễ dàng,
ít nhất về mặt tâm lý. Tuy nhiên, để chống Trung Quốc cần phải có chiến
lược hơn là một vài dòng tút trăn trở trên Facebook và tầm nhìn phải
vượt quá lọ vaccine 0,5 ml. Việt Nam có sử dụng 5 triệu liều Sinopharm
được doanh nghiệp Vạn Thịnh Phát tặng hay không thì sau khi đại dịch
qua đi, chúng ta vẫn sẽ tiếp tục phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc
cả hai chiều nhập khẩu lẫn xuất khẩu nếu không đổi mới công nghệ và
đa dạng chuỗi giá trị.
Các anh chị
bài Trung thoát Hán cực đoan lưu ý, làm gì cũng phải có phương pháp
rõ ràng, hãy tắt các bộ phim Hoa ngữ, ngừng húp bún gói Lý Tử
Thất lại để ngồi dịch thử tên mình sang từ thuần Việt xem có còn
đẹp hay không?
Hãy nhớ, loại
vaccine tốt nhất là loại vaccine được tiêm sớm./.
NĐV-H2
0 nhận xét:
Đăng nhận xét