CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Ba, 21 tháng 9, 2021

“MỘT TẤM GƯƠNG SỐNG CÒN CÓ GIÁ TRỊ HƠN 100 BÀI DIỄN VĂN TUYÊN TRUYỀN”

 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm coi trọng việc nêu gương. Cả cuộc đời giản dị, trong sáng của Người luôn là tấm gương đạo đức mẫu mực, tự giác nêu gương, nói đi đôi với làm. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, nêu gương có vai trò to lớn và là một giá trị trong chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, bởi như Người nói “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” và “… Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn Nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”

Xem bức ảnh Bác Hồ và Bác Phạm Văn Đồng làm khán giả cổ động viên bóng đá trên sân Cột Cờ năm 1957 là minh chứng cho tấm gương sáng về phong cách của các bậc tiền nhân Cộng sản Việt Nam. Giá trị này còn mãi mãi với thời gian, với tinh thần học tập, làm theo tấm gương của Bác trong cán bộ, đảng viên.

Trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: "Trong những năm tới phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ". "Kiên quyết, kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI, Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh bằng các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ để ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ".

Vậy thì cần học ở Bác những gì thiết thực nhất hiện nay?

Đó là học tư tưởng, thế giới quan và nhân sinh quan cách mạng, đạo đức cách mạng, phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo của cán bộ, đảng viên.

Học về lối sống, nếp nghĩ, cách làm của Bác trong từng cán bộ, đảng viên và người dân, làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực sự thấm sâu vào đời sống xã hội, thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, cội nguồn sức mạnh to lớn, để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy nội lực, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành mọi nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.

Học tập Bác là xây dựng bản lĩnh, kiên định, tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng cách mạng; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; gần dân, tin dân, yêu dân, học dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Qua đó, bồi đắp tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường dân tộc, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, làm cho đất nước ngày càng phát triển, dân tộc ngày càng cường thịnh, trường tồn.

Làm theo Bác là thực hiện đồng thời việc nêu gương của những người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị. Người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác để quần chúng, nhân dân noi theo; phải thể hiện được tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân; có phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, thật sự là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể, theo tinh thần Bác đã dạy: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền"...

Với đội ngũ cán bộ, đảng viên học tập càng nhiều tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng được tôi luyện bản thân để trưởng thành. Đảng ta sẽ ngày càng tăng cường được sức mạnh, sức chiến đấu và sự trong sáng, xứng đáng với vai trò, sứ mệnh lãnh đạo cách mạng và sự tin cậy, kỳ vọng của Nhân dân.

Học tập làm theo Bác có gì khó khăn đâu, quan trọng là chúng ta có quyết tâm hành động nêu gương không, đó mới là cốt lõi để học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, bởi "một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền"./.

NTH-H4

         

0 nhận xét: