Đoàn kết dân tộc là một giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam. Trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước, người Việt Nam luôn đoàn kết với nhau tạo nên sức mạnh cộng đồng để chống thiên tai, địch họa.
Nguyễn Trãi,
một nhà tư tưởng lớn của dân tộc Việt Nam, rất coi trọng sức mạnh đoàn
kết của nhân dân. Theo Ông: Sức dân như nước, đẩy thuyền cũng là dân mà lật
thuyền cũng là dân. Trong lịch sử, người Việt Nam đã làm nên những chiến thắng
Đông Đô, Bạch Đằng, Đống Đa, đã thực hiện thắng lợi cuộc Tổng khởi nghĩa tháng
Tám năm 1945, giành lại độc lập dân tộc và xây dựng chính quyền của nhân dân,
do nhân dân và vì nhân dân... Những thắng lợi ấy, đương nhiên, bắt nguồn từ
nhiều nguyên nhân; trong đó, trước hết phải kể đến truyền thống và sức mạnh
đoàn kết của dân tộc.
Truyền thống
đoàn kết của dân tộc được Hồ Chí Minh nâng lên một tầm cao mới. Nét độc đáo,
sáng tạo của Hồ Chí Minh ở chỗ, Người thấy rõ điểm chung, tương đồng giữa những
giai tầng khác nhau trong xã hội, thấy tất cả mọi người, dù có khác nhau về địa
vị, tín ngưỡng tôn giáo... song “ai cũng có ít hay nhiều lòng ái quốc”. Chính
những điểm chung đó đã kết nối mọi người thành một khối thống nhất, đấu tranh
vì lợi ích chung của dân tộc, vì lý tưởng xã hội chủ nghĩa.
Trong quá trình
tiến hành đồng thời hai cuộc cách mạng: Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc
và cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam, truyền thống đại đoàn kết dân tộc
tiếp tục được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ. Từ sau giải phóng miền Nam và thống
nhất đất nước (30.4.1975), cả dân tộc Việt Nam cùng bắt tay vào công cuộc xây
dựng chủ nghĩa xã hội, nhằm biến lý tưởng xã hội chủ nghĩa từng bước trở thành
hiện thực.
Xây dựng chủ
nghĩa xã hội là một cuộc cách mạng đầy khó khăn, gian khổ, bởi chủ nghĩa xã hội
là một xã hội hoàn toàn mới, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử dân tộc. Mặt
khác, Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội từ xuất phát điểm hết sức thấp kém về
mặt kinh tế, lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề... khiến cho tiến trình xây
dựng xã hội mới của Việt Nam càng nhiều khó khăn, thử thách hơn. Một lần nữa,
truyền thống và sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam được thực tiễn kiểm
chứng. Vượt lên trên những khó khăn to lớn về đời sống kinh tế - xã hội, nhân
dân Việt Nam vẫn đặt trọn niềm tin vào lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đoàn kết xung
quanh Đảng Cộng sản Việt Nam thành một khối thống nhất và nỗ lực thực hiện công
cuộc đổi mới toàn diện đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sau 35 năm đổi mới,
Việt Nam vươn lên trở thành một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế
cao và ổn định nhất của khu vực. Chính sự “đồng lòng, chung sức” của Đảng
Cộng sản Việt Nam và quần chúng nhân dân lao động đã tạo nên sức mạnh tổng hợp
giúp dân tộc vượt qua khó khăn, thử thách để phát triển.
Trong quá
trình lãnh đạo, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn kiên trì nguyên tắc đại đoàn kết
toàn dân tộc, coi đó là phương thức tạo nên sức mạnh tổng hợp của đoàn kết giai
cấp, đoàn kết dân tộc và hoà hợp xã hội theo mục tiêu và lý tưởng xã hội chủ
nghĩa; quy tụ mọi nguồn lực cho sự phát triển bền vững của xã hội. Nhằm khơi
dậy và phát huy nguồn lực tổng hợp cho công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp
hoá, hiện đại hoá đất nước trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc
tế, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục khẳng định: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh
thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân
tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”[1]. Đồng thời, “Thực
hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ
và vai trò chủ thể của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết
toàn dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng
thuận xã hội”[2]. Với quan điểm đoàn
kết rộng mở đó, Đảng ta vừa thu hút toàn thể nhân dân tham gia vào công cuộc
xây dựng xã hội, vừa tạo cho mọi người cơ hội thể hiện, đóng góp và phát huy
trách nhiệm của mình đối với đất nước. Quan điểm này không chỉ thể hiện sự kế
thừa, phát huy truyền thống đoàn kết, thân ái thấm đượm tinh thần nhân văn, bao
dung của dân tộc, mà còn phản ánh sự sáng tạo của Đảng trong việc khơi dậy
trách nhiệm, nghĩa vụ của người dân đối với tương lai của đất nước
Gắn đoàn kết
dân tộc với đoàn kết quốc tế là một nguyên tắc của Đảng Cộng sản Việt Nam trong
tiến trình hiện thực hoá lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Trong lịch sử, dân tộc Việt
Nam luôn giữ gìn và phát triển mối quan hệ thân thiện, hữu hảo với các nước
láng giềng. Hiện nay, quan hệ giữa các nước trên thế giới theo xu thế hòa
bình, hợp tác, liên kết cùng phát triển là chủ yếu, Việt Nam càng tôn trọng
và đề cao sự đoàn kết quốc tế hơn bao giờ hết. Nguyên tắc này đã giúp cho Việt
Nam không đối lập với các dân tộc khác, không sa vào chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi,
đồng thời, tận dụng được tối đa sức mạnh thời đại và sự hợp tác quốc tế cho
công cuộc bảo vệ, kiến thiết đất nước, đóng góp vào tiến trình xây dựng một thế
giới hoà bình và phát triển bền vững.
Như vậy, để
thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá
đất nước nhằm biến lý tưởng xã hội chủ nghĩa thành hiện thực cuộc sống, Đảng
Cộng sản, Nhà nước và nhân dân Việt Nam không ngừng củng cố và phát huy sức
mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc; đồng thời, thường xuyên chăm lo và tăng
cường mối quan hệ hợp tác, đoàn kết quốc tế trên tinh thần tôn trọng lợi ích
của các dân tộc khác nhằm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại vì sự
phát triển bền vững trong hoàn cảnh lịch sử mới. Chính sự đoàn kết cộng
đồng thành một khối vững chắc đã tạo nên sức mạnh để dân tộc Việt Nam vượt qua
mọi khó khăn, thử thách, tạo nên những chiến công lừng lẫy năm châu, chấn
động địa cầu, làm cho “Đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, tiềm lực,
vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[3]./.
ĐHQ-H2
[1] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội
đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG sự thật, tập 1, trang 110
[2] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội
đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG sự thật, tập 1, trang 118
[3] Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội
đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb CTQG sự thật, tập 1, trang 25.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét