Trong bài viết
gần đây của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về
chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, cùng với việc
khẳng định mục tiêu, định hướng, nội hàm, đặc trưng cơ bản của chủ nghĩa xã hội
theo quan điểm đổi mới của Ðảng ta, đồng chí đã hơn hai lần nhấn mạnh đến “thời
kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội” và cho rằng “nhất thiết phải trải qua thời kỳ
quá độ” đó với đặc điểm nổi bật là “một sự nghiệp lâu dài, vô cùng khó khăn và
phức tạp vì nó phải tạo ra sự biến đổi sâu sắc về chất trên tất cả các lĩnh vực
của đời sống xã hội” (Báo Nhân Dân 5/2021).
Ðối chiếu với
thực tiễn đất nước những năm qua, chúng ta thật sự tâm đắc với nhận định sâu sắc
đó của Tổng Bí thư. Ðó là kết quả của tổng kết thực tiễn và của tư duy khoa học,
tỉnh táo, khách quan.
Thời kỳ quá độ
đi lên chủ nghĩa xã hội diễn ra trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội:
kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, ngoại giao… Song thấm
sâu trong tất cả các lĩnh vực đó, tác động trực tiếp và có ý nghĩa quyết định
chiều hướng vận động và phát triển của các lĩnh vực này chính là vốn con người,
nguồn nhân lực của sự phát triển. Không có cách lý giải nào khác, vì vậy, nhiệm
vụ nặng nề nhất, khó khăn, lâu dài, phức tạp nhất chính là nuôi dưỡng, xây dựng,
phát triển con người cho chủ nghĩa xã hội trong suốt thời kỳ quá độ và chắc chắn
còn phải tính toán xa hơn nữa, khi thời kỳ quá độ kết thúc, hoàn thành!
Nhận rõ nhiệm vụ
sâu xa đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh có hai luận điểm rất đặc biệt. Một mặt, Người
khẳng định rằng: Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có người xã hội chủ nghĩa,
mặt khác, Người lại cho rằng “vì sự nghiệp 100 năm thì phải “trồng” người”. Tưởng
như có gì đó mâu thuẫn, song thật ra rất biện chứng. Phải từ con người hiện thực
để bồi đắp, nuôi dưỡng dần những phẩm chất mới theo lý tưởng xã hội chủ nghĩa,
và chính những con người hiện thực đang phát triển đó sẽ xây dựng chủ nghĩa xã
hội, song không thể nôn nóng, mà cần một sự kiên trì, nhẫn nại, sáng tạo và
khoa học để có thể “trồng” nên những con người như vậy. “Sự biến đổi sâu sắc về
chất” trong thời kỳ quá độ mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập đến, trước hết
và quan trọng nhất chính là quá trình lâu dài, vô cùng khó khăn và phức tạp của
sự hình thành, phát triển của con người của chủ nghĩa xã hội. Ðó là một quá
trình suy nghĩ, đúc kết từ thực tiễn để chọn lọc, tiếp nhận, đấu tranh, sáng tạo
không mệt mỏi. Phải chăng, lâu nay, chúng ta dành nhiều tâm trí cho tìm tòi, lựa
chọn để từng bước phát triển và dần hoàn thiện đường lối, quan điểm trên các
lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội… song trong chỉ đạo thực tiễn và tổ chức thực
hiện chưa chú trọng đúng tầm, có chiến lược, chương trình dài hạn, khoa học cho
lĩnh vực cực kỳ hệ trọng này. Tôi thật sự thấm thía khi Tổng Bí thư phát biểu rằng:
“mất người là mất chế độ”.
Ðặc điểm nổi trội
nhất của thời kỳ quá độ, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng con người là sự đan
xen, cạnh tranh và cuộc đấu tranh giữa cũ và mới, tiến bộ và lạc hậu, tiên tiến
và bảo thủ, trì trệ, cách mạng và phản động, thù địch. Cách đây hơn 50 năm,
trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, đó là một “cuộc chiến đấu
khổng lồ” để “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ,
tốt tươi” (Hồ Chí Minh toàn tập - Nxb CTQG.2011, tập 15, tr. 617). Lúc này, ở
thời kỳ quá độ, đất nước đang đứng trước “cuộc chiến đấu khổng lồ” đó, đối với
cả dân tộc, cả cộng đồng và đối với từng con người, không loại trừ một ai, từ
những người lãnh đạo cấp cao đến người dân bình thường. Trong những tháng ngày
này, cả nước đang căng mình phòng, chống đại dịch Covid-19, chúng ta đã chứng
kiến sự xuất hiện những cái cực tốt, vô cùng nhân văn và cả những cái cực xấu,
ác độc đến tận cùng. Hàng vạn người đang âm thầm hy sinh, kiên cường trên tuyến
đầu chống dịch. Hàng ngàn vạn những việc làm tình nghĩa đồng bào làm chúng ta
xúc động tận đáy lòng. Ngược lại, bao người không cầm được nước mắt khi nghe tiếng
nức nở van xin tên cướp của người phụ nữ thu gom rác đêm khuya khi bị cướp đi
chiếc xe duy nhất của mình. Sự độc ác, vô lương tâm đến tận cùng của bọn cướp
đã dấy lên sự căm phẫn của cả xã hội.
Thời kỳ quá độ,
theo quy luật của chính nó, đang đặt ra rất nhiều sự lựa chọn mang tính đa chiều
trong nhận thức và tinh thần, tình cảm dẫn tới cả sự đứng vững, đúng hướng và cả
sự lúng túng, chờ thời và chệch hướng bởi vì trong thời kỳ này, hệ giá trị và
chuẩn văn hóa đang được sắp xếp lại, mở ra đa dạng hơn, từ đó đặt con người trước
thử thách của sự lựa chọn mới. Một sự phân nhánh, phân hóa không tránh khỏi. Những
người thủy chung với lý tưởng, luôn khát khao tìm tòi đổi mới, kiên định trong
sự sáng tạo và cả những người bảo thủ, thủ cựu cùng xuất hiện. Những người đuối
sức, không đi hết được chặng đường đã chọn và những kẻ chờ thời, cơ hội, vội
tách ra khỏi đội ngũ, phủ định chính mình và tự coi là đã tìm ra “chân lý mới”!
Và cuối cùng là những kẻ phản bội, lợi dụng thời cơ để chống phá. Trong bối cảnh
phức tạp đó, để “trồng người” cho chủ nghĩa xã hội, rất cần một “tầm nhìn mới,
bản lĩnh mới và sức sáng tạo mới” (Nguyễn Phú Trọng - Bài báo đã trích dẫn). Một
mặt, tôn trọng sự phát triển đa dạng, lành mạnh của sự lựa chọn, mặt khác, bằng
trí lực, tài lực và tâm huyết ra sức vun trồng, xây đắp và phát triển để tạo
nên xu hướng chính, dòng mạch chính của sự lựa chọn đó. Xu hướng đó chính là đội
ngũ ngày càng đông và mạnh những người kiên định với lý tưởng, con đường mà Bác
Hồ, Ðảng và dân tộc đã lựa chọn, đồng thời đủ bản lĩnh vượt qua mọi thử thách,
không ngừng tìm tòi, sáng tạo để hiện thực hóa lý tưởng đó, đúng như nhận định
có tầm khái quát cao của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Ðây là cả một sự nghiệp
sáng tạo vĩ đại, đầy thách thức, khó khăn, một sự nghiệp tự giác, liên tục, hướng
đích lâu dài, không thể nóng vội”.
Trong thời kỳ
quá độ này bao giờ cũng chứa đựng ba nhân tố: quá khứ đang là một nhân tố sống
trong hiện tại, hiện tại chưa định hình, đang biến đổi, biến động không ngừng
và phức tạp và tương lai đang dần hiện ra nhưng chưa thể hoàn chỉnh. Trong điều
kiện đặc thù đó, để xây dựng con người Việt Nam dân tộc - hiện đại, có năng lực
hội nhập, có khát vọng hiện thực hóa lý tưởng xã hội chủ nghĩa trên đất nước
ta, có lẽ phải đồng thời đánh giá ba nhân tố trên để định hướng cho sự phát triển
nhân cách và các giá trị căn cốt trong nhân cách con người Việt Nam.
Ðối với quá khứ,
trong quan hệ với sự hình thành và phát triển nhân cách xã hội chủ nghĩa, phải
chăng, đồng thời cần xử lý biện chứng hai tác động sau. Một là, xác định, bảo vệ
và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp, bền vững của dân tộc và con người
Việt Nam để tạo nên giá trị căn cốt trong nhân cách con người đương đại. Tuy
còn những ý kiến khác nhau, nhưng lâu nay, nhiều người đều nhấn mạnh đến các
giá trị như lòng yêu nước, sự tự tôn, tự cường dân tộc, tính cộng đồng, tình
nghĩa, trọng đạo lý và lòng nhân ái… khuynh hướng hạ thấp hay phủ định các giá
trị này là biểu hiện của sự chệch hướng, xa rời “căn cước” vốn có của dân tộc.
Hai là, để có con người Việt Nam thời đại mới, cần tỉnh táo và khách quan chỉ
ra để vượt qua những hạn chế lịch sử của con người Việt Nam do quá khứ nghìn
năm phong kiến và kinh tế tiểu nông để lại. Những năm qua, chúng ta chưa mạnh dạn
chỉ ra điều này, vì vậy đã tạo ra những ảo tưởng và hạn chế sự tự vượt lên
chính mình của con người. Rất may, Nghị quyết 33-NQ/TW về văn hóa (ngày
9/6/2014) và đặc biệt trong Báo cáo chính trị tại Ðại hội XIII của Ðảng (tháng
1/2021) đều khẳng định “Có giải pháp khắc phục những mặt hạn chế của con người
Việt Nam”. Ta có thể nhận ra những hạn chế đó của quá khứ đang “sống” dai dẳng
trong hiện tại, thí dụ như tư duy, đời sống tiểu nông, manh mún, không có nếp
quen thực thi pháp luật, chuộng danh, đố kỵ, cào bằng…
Ðối với hiện tại,
quả thật, chúng ta đang đứng trước “cuộc chiến đấu khổng lồ” như Bác Hồ đã chỉ
ra và gần đây, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh sự “đan xen, cạnh tranh
ngày càng phức tạp và quyết liệt” giữa “các nhân tố xã hội chủ nghĩa và các
nhân tố phi xã hội chủ nghĩa” và nhiệm vụ lớn nhất của Ðảng và toàn dân tộc là
“phát huy các nhân tố xã hội chủ nghĩa để các nhân tố đó ngày càng chi phối, áp
đảo và chiến thắng”. Hằng ngày, hằng giờ, cả xã hội, trong từng tập thể, cộng đồng
và từng cá nhân phải đương đầu với cuộc đấu tranh đó, tưởng như thầm lặng mà vô
cùng quyết liệt, phức tạp. Cái thiện, cái đẹp, cái tử tế, cao thượng, anh hùng
kiên cường xuất hiện, đồng thời không ít cái xấu xa, độc ác, vô sỉ, thấp hèn,
biến chất cũng mọc lên làm nhức nhối xã hội (Ðảng đã thống kê đến 27 biểu hiện
thoái hóa, “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên!). Thực tiễn
cho chúng ta niềm tin rằng, dù còn trải qua nhiều sóng gió, song xu hướng chi
phối, áp đảo sẽ là sự kết hợp, hòa quyện giữa những giá trị truyền thống tốt đẹp
với những giá trị mới trong tương lai gần: dân tộc - nhân văn - hiện đại. Phải
chăng, lúc này, cần hơn bao giờ hết, bám sát thực tiễn, định hướng sự phát triển,
tiến hành khẩn trương và khoa học “tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai
xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với
giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới” như sự khẳng
định tại Ðại hội XIII của Ðảng. Nhiệm vụ đó đã được khởi xướng từ Ðại hội X
(năm 2006), chúng ta đã bước đầu làm được một số việc, song còn dang dở. Thực
tiễn mới của thời kỳ quá độ hiện nay đòi hỏi chúng ta đồng thời triển khai nhiệm
vụ này ở cả ba khâu: nghiên cứu, xác định và triển khai. Ðiều đó tạo nên sức mạnh
hiện thực của sự định hướng xây dựng con người cho chủ nghĩa xã hội, của chủ
nghĩa xã hội ở nước ta. Có lẽ, cần có một cơ quan của Ðảng và Nhà nước tập
trung thực hiện nhiệm vụ lớn này một cách khoa học, bài bản, kiên trì, sáng tạo
để hiện thực hóa các thành quả nghiên cứu vào đời sống, vào con người. Công việc
thật là khó, song cách đây khoảng 100 năm, V.I Lê-nin đã nói về thời kỳ quá độ
(thực hiện chính sách kinh tế mới - NEP) ở đất nước Xô Viết: “Không để cho các ảo
tưởng cũng như sự nản chí chi phối” (V.I Lê-nin toàn tập - sđd. t44. tr 520)./.
CĐT-H4
0 nhận xét:
Đăng nhận xét