Thời gian qua,
diễn biến tình hình dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía
Nam rất phức tạp. Quán triệt các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Chính phủ về
việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19, cùng với
các đơn vị đứng chân tại địa bàn, Bộ Quốc phòng đã huy động hàng nghìn cán bộ,
chiến sĩ từ các cơ quan, đơn vị phía Bắc tăng cường cho Thành phố Hồ Chí Minh
và các tỉnh phía Nam. Sự có mặt kịp thời của cán bộ, chiến sĩ Quân đội đã góp
phần quan trọng cùng các lực lượng chức năng, cấp ủy, chính quyền và nhân dân
các địa phương giải quyết nhiều vấn đề, từng bước đẩy lùi đại dịch tại từng địa
bàn.
Với quan điểm
“Chống dịch như chống giặc”, Những ngày qua, hình ảnh các chiến sỹ bộ đội có mặt
trên các tuyến phố để tham gia đảm bảo công tác phòng chống dịch; không quản
khó khăn, vất vả đi mua thực phẩm, mang đến phát cho từng hộ dân; tận tình mang
từng bình đựng tro cốt người xấu số vì dịch bệnh đến tận tay thân nhân của họ…
đã một lần nữa tô đẹp thêm hình ảnh “Bộ đội cụ Hồ” trong thời bình. Những người
lính thời bình luôn sẵn sàng đồng hành và có mặt để hỗ trợ người dân trong những
hoàn cảnh khó khăn nhất. Cùng với lực lượng y bác sỹ, công an nhân dân, lực lượng
quân đội… đang gồng mình nỗ lực để giúp các địa phương đẩy lùi dịch bệnh và để
đảm bảo cho người dân “không ai bị đói, bị rét”, “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Thế nhưng, trên
không gian mạng, nhiều người vẫn cố tình bôi nhọ những hình ảnh đẹp ấy và nực
cười hơn còn cho rằng việc quay phim, chụp ảnh những người lính cầm từng bao gạo
đến nhà dân chỉ để làm “màu”. Trên RFA (Đài Á Châu Tự Do), trong bài viết: “Chống
dịch như chống giặc: Kẽm gai, quân đội, công an, pháo đài … sẽ còn thêm gì nữa?”
khi bàn về việc bộ đội đi chợ, đảm trách cung cấp lương thực, thực phẩm cho
dân, có kẻ cho rằng: “Quân đội đi chợ cho dân, dân sợ mất hồn!”. Tác giả bài viết
này lý giải: “Bộ đội, công an vốn được huấn luyện, đào tạo để nhằm phục vụ cho
sức mạnh trấn áp đối phương chứ nào phải để làm chuyện chi li nhỏ mọn là chợ
búa…”. Khi xem những hình ảnh bộ đội đi chợ giúp dân, mang từng bao gạo, hộp mỳ
tôm, chai dầu ăn, chai nước mắm.... đến trao tận tay từng nhà dân, có kẻ lại
nói rằng quân đội “làm màu”, “đánh bóng”, “mỵ dân”... Thậm chí, chỉ ngay sau
khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có Chỉ thị tăng cường các lực lượng
tham gia phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh,
thành phía Nam, ngay lập tức trên các trang mạng xã hội đã xuất hiện những bài
viết xuyên tạc cho rằng: Quân đội là phải canh gác bảo vệ biên giới; rằng đối
diện với công an, quân đội là dân chứ có phải là giặc đâu mà cầm súng giương
nòng lên; rằng cho quân đội vào là để trấn áp dân ra đường”(!?)… Tất cả những
giọng điệu, chiêu trò ấy không nhằm mục đích nào khác là bóp méo, xuyên tạc chủ
trương, giải pháp phòng, chống dịch của Đảng và Chính phủ ta; hạ thấp uy tín của
Quân đội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Quân đội, chia rẽ tình đoàn kết
giữa Quân đội với nhân dân.
Quân đội Nhân
dân Việt Nam từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu, hy sinh, vì vậy tình
quân dân được ví như cá với nước. Có lẽ vì vậy mà quân đội không những chỉ làm nhiệm
vụ chính yếu của mình là huấn luyện, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc mà còn thường
xuyên giúp đỡ Nhân dân khi đối mặt với thiên tai, thảm họa. Hình ảnh quân đội gặt
lúa giúp dân trong bão lũ, sơ tán người dân đến các điểm an toàn trong mưa bão,
tìm kiếm người dân gặp nạn, mất tích là những hình ảnh quen thuộc ở Việt Nam.
Và, việc quân đội tham gia phòng chống dịch COVID-19 ở TPHCM và các tỉnh, thành
lần này cũng chính là sự tiếp nối của tinh thần gắn bó mật thiết giữa quân và
dân. Việc bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm của toàn dân, đương nhiên quân đội là lực
lượng nòng cốt.
Trước diễn biến
phức tạp của dịch bệnh, các đơn vị cũng đã chủ động chuẩn bị, triển khai khu
cách ly tập trung, góp phần giảm gánh nặng và hỗ trợ các địa phương trong
phòng, chống dịch bệnh. Nhiều đơn vị đã dồn dịch, nhường doanh trại và tiến
hành phục vụ ăn, ở tận tình, chu đáo nhất có thể cho người dân tham gia cách
ly, để lại ấn tượng sâu đậm về hình ảnh tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”. Khi số ca mắc
F0 tăng cao, Bộ Quốc phòng đã kịp thời điều động hàng vạn y, bác sĩ, kỹ thuật
viên, học viên của Học viện Quân y, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Viện Y học
dự phòng Quân đội, Viện Y học hàng không và các bệnh viện Quân y như 108,
354, 105, 110… và hàng trăm tấn trang thiết bị y tế, thuốc men chi viện cho
Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.
Cùng với đó,
cán bộ, chiến sĩ toàn quân đã tích cực hưởng ứng phong trào hiến máu tình nguyện
với gần 1.000 đơn vị máu, để kịp thời cứu chữa bệnh nhân; huy động 149.975 lượt
cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ tham gia giúp dân thu hoạch nông sản, điều trị
người bệnh, lấy mẫu xét nghiệm, tiêm phòng vắc-xin… Riêng tại Thành phố Hồ Chí
Minh và các tỉnh phía Nam, các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng đã kịp thời huy động
và ủng hộ 40 tấn lương khô, 10.000 thùng mỳ ăn liền, 50.000 quả trứng, 150
thùng cá hộp, 3.000 hộp thịt và nhiều trang thiết bị y tế có giá trị... Chỉ đạo
lực lượng vũ trang đóng quân trên các địa bàn sử dụng 31.794 lượt phương tiện vận
chuyển 75.000 tấn lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm và rau, củ quả cho các đối
tượng gặp khó khăn do dịch bệnh; phối hợp; hỗ trợ đưa hơn 02 triệu người lao động,
học sinh, sinh viên về quê theo nguyện vọng.
Các đơn vị và
các doanh nghiệp quân đội đã hỗ trợ Quỹ vắc-xin trên 1.200 tỷ đồng. Đặc biệt
là, các mô hình “Gian hàng 0 đồng”, “Phiên chợ nghĩa tình”, “Cây ATM gạo, khẩu
trang”, “Hũ gạo tình thương”, “Tủ cơm, cháo miễn phí”, “Tủ đồ dùng thiện nguyện”…
của lực lượng vũ trang Quân khu 5, 7, 9 giúp giải quyết khó khăn của người dân;
phản ánh sinh động bản chất, truyền thống quý báu của Quân đội ta. Những việc
làm đó một lần nữa chứng tỏ chức năng của đội quân chiến đấu, đội quân công
tác, đội quân lao động sản xuất; khẳng định Quân đội của dân, do dân, vì dân;
Quân đội trong lòng dân.
Hoàn toàn không
phải như các luận điệu xuyên tạc nêu trên, quyết định đưa lực lượng quân đội để
cùng phối hợp với các địa phương tham gia chống dịch ở TPHCM và các tỉnh, thành
nhằm nâng cao hơn nữa giãn cách xã hội, khống chế dịch bệnh, ngăn ngừa những yếu
tố bất ổn về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội là vô cùng đúng đắn và cần
thiết. Quân đội Nhân dân Việt Nam vẫn tham gia giúp dân phòng chống dịch, song
chắc chắn việc nắm chắc tay súng để bảo vệ Tổ quốc nơi biên cương, hải đảo vẫn
không bị buông lỏng và xem nhẹ.
T.H.H - LGH
0 nhận xét:
Đăng nhận xét