CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Sáu, 15 tháng 10, 2021

MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN TRONG BÀI VIẾT “MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI VÀ CON ĐƯỜNG ĐI LÊN CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở VIỆT NAM” CỦA TỔNG BÍ THƯ NGUYỄN PHÚ TRỌNG

 

Bài viết: “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là bài viết hết sức quan trọng, được dư luận trong nước và các học giả quốc tế rất quan tâm, chú ý và đề cao. Bằng lý luận sắc bén và thực tiễn sinh động, Tổng Bí thư đã khẳng định đanh thép con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn, đang xây dựng là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với đòi hỏi khách quan của lịch sử và sự lựa chọn của nhân loại tiến bộ, dù trên con đường đó có không ít chông gai, thử thách. Những thành tựu to lớn mà Việt Nam đạt được trong những năm qua, đặc biệt là qua 35 năm đổi mới là minh chứng đầy thuyết phục cho sự khẳng định đó. Bài viết đã khơi dậy và lan tỏa niềm tin, niềm tự hào, tình cảm thiêng liêng đến các tầng lớp nhân dân; cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nêu cao tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Nghiên cứu bài viết, có thể rút ra một số nội dung cơ bản như sau:

Một là, kiên định mục tiêu, lý tưởng cao đẹp của chủ nghĩa xã hội; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trở thành vũ khí lý luận sắc bén, là nền tảng tư tưởng vững chắc của Đảng ta.

Trong bài viết, Tổng Bí thư cho rằng, xây dựng xã hội chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là xây dựng một kiểu xã hội mới về chất, mục tiêu của sự phát triển là vì con người, vì quảng đại quần chúng nhân dân, một xã hội phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên không chỉ ở hiện tại mà với cả tương lai. Đó là một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn của nhân loại… Những mong ước tốt đẹp này chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi.

Theo Tổng Bí thư, chúng ta kiên định mục tiêu, lý tưởng chủ nghĩa xã hội trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhưng không coi đây là lý thuyết bất biến mà phải đặt nó trong sự vận động, phát triển không ngừng trên cơ sở bồi đắp, sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn tươi mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống. Đây cũng là điều mà chúng ta phải quán triệt sâu sắc trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Các lực lượng tham gia đấu tranh, phản bác phải luôn trau dồi kiến thức chính trị, chủ động nghiên cứu, học tập, mài sắc vũ khí lý luận khoa học thì đấu tranh mới có hiệu quả cao.

Hai là, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch phải khách quan, toàn diện, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn.

Trái với những quan điểm cực đoan, phiến diện trước đây cho rằng, cái gì của chủ nghĩa tư bản (CNTB) cũng xấu xa, đối lập hoàn toàn với CNXH, còn cái gì của CNXH cũng lý tưởng, tốt đẹp, Tổng Bí thư đã phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về vai trò, vị trí, những giá trị mà CNTB đã đóng góp cho nhân loại mà chúng ta có thể kế thừa, tiếp thu một cách có chọn lọc; đồng thời, chỉ ra những hạn chế, nhược điểm, thuộc tính tiêu cực, cố hữu của CNTB mà chúng ta phải “bỏ qua”. Bài viết chỉ rõ, việc bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa để đi lên CNXH ở Việt Nam là bỏ qua những thói hư, tật xấu, những thiết chế, thể chế chính trị không phù hợp với chế độ XHCN, chứ không phải bỏ qua những thành tựu, giá trị văn minh mà nhân loại đạt được trong thời kỳ phát triển.

Từ quan điểm đó trong bài viết, mặc dù không phản bác trực diện, nhưng có thể thấy việc khẳng định, phân tích, minh chứng cụ thể, sinh động, khoa học, biện chứng, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn để luận giải về những vấn đề quan trọng, từng bị lợi dụng xuyên tạc và có nhiều ý kiến trái chiều. Vì thế, bài viết mang ý nghĩa đấu tranh tư tưởng, lý luận rất cao. Bài viết không chỉ tiếp thêm niềm tin vững chắc cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vào con đường đã chọn, mà còn trang bị vũ khí lý luận sắc bén để chúng ta tiếp tục đấu tranh, phản bác với những quan điểm sai trái, thù địch trong thời gian tới.

Ba là, nhận diện từ sớm, đấu tranh từ xa, chủ động phòng ngừa, giữ vững bên trong là chính, bảo vệ nội bộ chính là yếu tố quan trọng, góp phần vô hiệu hóa sự tác động, ảnh hưởng của các quan điểm thù địch, độc hại.

Tổng Bí thư tiếp tục chỉ ra sự chống phá, can thiệp, âm mưu “diễn biến hòa bình” tiếp tục là một trong những nguy cơ, trở lực của sự nghiệp cách mạng mà Đảng ta đã chỉ ra từ nhiều kỳ đại hội trước. Do tính chất thâm độc, hậu quả nghiêm trọng, lâu dài, phương thức, thủ đoạn khó lường, khó nhận diện của nó nên chúng ta không được phép chủ quan, mất cảnh giác, không để bị tiêm nhiễm yếu tố độc hại vào tư tưởng, tình cảm, niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân rồi mới triển khai biện pháp phòng, chống. Chúng ta phải đi trước một bước, phải có biện pháp phòng ngừa, triệt tiêu cái nguy cơ, mối đe dọa từ gốc, từ sớm, từ xa, đấu tranh bằng cả chính trị và khoa học - kỹ thuật, vừa trước mắt, vừa lâu dài, đấu tranh từ trong nước đến tận trung tâm phá hoại, sào huyệt của các thế lực thù địch ở bên ngoài.

Bốn là, đấu tranh quyết liệt, ngăn chặn có hiệu quả, đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí, biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là biện pháp cấp bách nhằm củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân, khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tình trạng tham nhũng, lãng phí, biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên mà Tổng Bí thư chỉ ra trong bài viết cũng đang là một trong bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra và đang quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn. Đây vừa là mảnh đất màu mỡ cho các quan điểm sai trái, thù địch lợi dụng chống phá, vừa tác động không nhỏ đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước khi các quan điểm sai trái, thù địch kết hợp với những sơ hở, thiếu sót, sai phạm trong nội bộ ta, nhất là tình trạng tham nhũng, xa hoa, lãng phí, biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên để công kích, tuyên truyền, phá hoại. Vì vậy, bên cạnh việc đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch thì vấn đề căn cốt, gốc rễ là chúng ta phải tiếp tục đấu tranh quyết liệt, có hiệu quả và đẩy lùi tình trạng tham nhũng, lãng phí.

Trong bài viết, Tổng Bí thư tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng, quyết định của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng. Chỉ có củng cố, xây dựng được niềm tin vững chắc, phát huy được sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc, chúng ta mới có thể thắng lợi trên các lĩnh vực của sự nghiệp cách mạng, trong đó có mặt trận chính trị, tư tưởng. Theo đó, chúng ta cần quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư: “Bên cạnh việc xác định chủ trương, đường lối đúng, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, phải phát huy mạnh mẽ vai trò sáng tạo, sự ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân. Nhân dân tiếp nhận, ủng hộ và nhiệt tình tham gia thực hiện đường lối của Đảng vì thấy đường lối đó đáp ứng đúng yêu cầu, nguyện vọng của mình. Sức mạnh của nhân dân là cội nguồn sâu xa của thắng lợi, của phát triển”(4).

Năm là, chú trọng tuyên truyền về những ưu việt của CNXH, quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới của Việt Nam, nhằm tăng cường sức đề kháng, tự thân phản bác mạnh mẽ các quan điểm sai trái, thù địch về CNXH và con đường đi lên CNXH.

Các lý thuyết, luận thuyết về chính trị - xã hội, dù hấp dẫn, dù khoa học đến đâu mà không áp dụng được vào thực tiễn, không có giá trị định hướng, lãnh đạo thực tiễn, không tạo ra giá trị xã hội thì cũng sẽ không chứng minh được lý do tồn tại và không khẳng định được tính khoa học, đúng đắn của nó. Chính vì lý do đó mà Tổng Bí thư đã phân tích và khẳng định, khi Liên Xô và các nước XHCN còn vững mạnh thì rõ ràng vấn đề đi lên CNXH không có gì phải bàn. Kể từ sau khi mô hình CNXH ở Liên Xô và nhiều nước Đông Âu sụp đổ và cách mạng thế giới lâm vào thoái trào thì đi lên CNXH trở thành vấn đề thu hút sự bàn thảo, thậm chí tranh luận gay gắt. Từ sự kiện đó, các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị hí hửng, thừa cơ xuyên tạc, chống phá. Trong nội bộ ta cũng có người bi quan, dao động, mất niềm tin vào tính đúng đắn, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, vào tương lai và con đường đi lên CNXH.

Như vậy, khi CNXH hiện thực phát triển, trở thành những mô hình, lực lượng xã hội hùng mạnh mà con người phấn đấu, mơ ước thì tính khoa học, chân lý của CNXH ngày càng được khẳng định và thừa nhận. Khi Việt Nam thành công trên con đường đi lên CNXH với những đặc trưng, mô hình tốt đẹp của mình dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự soi sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thì tính khoa học, tất yếu của con đường đó, chủ nghĩa đó cũng sẽ trở thành hiển nhiên, không có gì phải bàn cãi. Với ý nghĩa đó, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phải đồng tâm, hợp sức, đoàn kết một lòng, phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém, đưa sự nghiệp đổi mới đạt được nhiều thành tựu to lớn hơn nữa, chứng minh tính ưu việt trong phát triển; nêu cao truyền thống đoàn kết, yêu nước, tinh thần “nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ và nhân văn”.

ĐHQ-H2

0 nhận xét: