CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2021

NHẬN DIỆN CÁC CẤP ĐỘ CỦA “TỰ DIỄN BIẾN”, “TỰ CHUYỂN HÓA”

 Quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cá nhân và tổ chức được diễn ra với ba giai đoạn: Giai đoạn thứ nhất, đối tượng thể hiện sự hoang mang, dao động, hoài nghỉ về tư tưởng, chính trị; Giai đoạn thứ hai, đối tượng bắt đầu chủ động hơn trong tiếp nhận những thông tin trái chiều, thu thập tổng hợp thông tin và phát tán những thông tin này với thái độ bất mãn, chán ghét, thù địch; Giai đoạn thứ ba, đối tượng có tư tưởng, hành động cực đoan, phản động, chống đối Đảng, Nhà nước. Khi đã đến giai đoạn thứ ba, đối tượng thể hiện rõ tư tưởng chính trị phản động, bất chấp mọi nguyên tắc hoạt động của tổ chức và pháp luật của Đảng, Nhà nước. Đi liền với quá trình này biểu hiện ít nhất ở hai cấp độ:

Ở cấp độ cá nhân, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” diễn ra ở cả trong nhận thức chính trị, đạo đức, lối sống, tư tưởng, niềm tin và ý chí quyết tâm hành động với các biểu hiện cụ thể như: Suy giảm về nhận thức, về tư tưởng chính trị, ngày càng xa rời mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, xa rời lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xa rời chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, xa rời đường lối của Đảng; suy giảm niềm tin vào thắng lợi của chủ nghĩa xã hội, thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, suy giảm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt; suy giảm về phẩm chất đạo đức, lối sống, ngày càng xa rời những phẩm chất, chuẩn mực đạo đức, lối sống xã hội chủ nghĩa.

Ở cấp độ tổ chức, hiện chưa có biểu hiện rõ nét về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Thực tế, trong hệ thống chính trị nước ta hiện nay chưa tổ chức nào đưa ra quan điểm phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Song, nếu xét ở góc độ của nhóm lợi ích thì lại thấy có sự thể hiện khá rõ. Biểu hiện là sự “kết bè” để bảo vệ nhóm lợi ích của mình, hoặc có hiện tượng lợi dụng chính sách, hay sử dụng quyền lực để hình thành những chính sách bảo vệ lợi ích nhóm, cụ thể như: Hiện tượng tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp rơi vào tay một vài nhóm người, làm thất thoát tài sản nhà nước, dẫn tới thay đổi bản chất chế độ; tình trạng sở hữu chéo và nhóm lợi ích giữa các tổ chức tín dụng và các doanh nghiệp làm gia tăng xung đột lợi ích, ảnh hưởng xấu đến lợi ích quốc gia; hay những biểu hiện lợi ích nhóm trong việc ban hành chủ trương, chính sách về công tác cán bộ của một bộ phận cán bộ tham mưu, khi tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành chính sách có lên quan đến công tác cán bộ “dưới tiêu chuẩn, điều kiện cơ bản” để người thân của họ, hoặc cán bộ lãnh đạo có đủ điều kiện đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện đó; ban hành chính sách, quyết định, nhiều khi mang tính “nội bộ”, có tính chất đặc quyền, đặc lợi cho một số ít cán bộ, trái với quy định hoặc theo quy định của Nhà nước nhưng không minh bạch để trục lợi... Những biểu hiện thực trạng của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” xét ở góc độ tổ chức.

HDH-H2

 

0 nhận xét: