CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2024

KLL - SỰ PHÁT TRIỂN NHẬN THỨC CỦA ĐẢNG TA VỀ NỀN KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM

 


Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế đặc thù trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, chưa có tiền lệ trong nền kinh tế thế giới. Vì vậy, việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là quá trình vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để có mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện Việt Nam và hội nhập quốc tế. Đó cũng là quá trình thể hiện sự phát triển nhận thức của đảng ta về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, khái niệm nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được đảng ta xác định: “phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Mục đích của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nhằm phát triển lực lượng sản xuất để từng bước xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng, nhận thức về mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa dần được sáng tỏ, được phát triển cả về lý luận và thực tiễn. Đặc biệt là quan điểm về tính định hướng xã hội chủ nghĩa trong nền kinh tế thị trường ở nước ta là: “Thực hiện mục tiêu “dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh”; Giải phóng mạnh mẽ và không ngừng phát triển sức sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, khuyến khích mọi người vươn lên làm giàu chính đáng, giúp đỡ người khác thoát nghèo và từng bước khá giả hơn”, đó là kim chỉ nam cho sự phát triển mô hình có tính đặc thù mà trong lịch sử chưa có tiền lệ.

Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, nội hàm, mục tiêu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được làm rõ, đó : “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đây là một hình thái kinh tế thị trường vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội”.

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, khái niệm về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được Đảng ta dần hoàn thiện cả về cả nội hàm, mục tiêu và cách thức thực hiện: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của nền kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Đại hội XII của Đảng đã có bước phát triển mới rõ nét, khẳng định trong giai đoạn hiện nay, cần thống nhất nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam: “Có quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế; các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật; thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực phát triển, là động lực chủ yếu để giải phóng sức sản xuất; các nguồn lực Nhà nước được phân bổ theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phù hợp với cơ chế thị trường. Nhà nước đóng vai trò định hướng, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh; sử dụng các công cụ, chính sách và các nguồn lực của Nhà nước để định hướng và điều tiết nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và bảo vệ môi trường; thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội trong từng bước, từng chính sách phát triển. Phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội”.

Đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa tiếp tục được làm rõ hơn, cụ thể: “Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của nước ta trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật thị trường, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”.

Đảng xác định mục tiêu xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là: “Giải phóng mạnh mẽ và không ngừng phát triển sức sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân; đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, khuyến khích mọi người vươn lên làm giàu chính đáng, giúp đỡ người khác thoát nghèo và từng bước khá giả hơn” .

Về mục tiêu cụ thể, Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “Phấn đấu đến năm 2030, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế”.

Trong Báo cáo chính trị Đại hội XIII của Đảng cũng yêu cầu “ hoàn thiện toàn diện, đồng bộ thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, nhưng với nội dung và mục đích mới. Nếu ở Đại hội XII, việc hoàn thiện thể chế nhằm “nâng cao hiệu lực” quản lý kinh tế và quản lý Nhà nước về kinh tế, thì Đại hội XIII nhấn mạnh mục đích “tạo môi trường thuận lợi để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực”. Đây là một cách tiếp cận vấn đề rất thực tế, một phương hướng hợp lý, tích cực nhằm phát triển kinh tế - xã hội đất nước nhanh, bền vững./.

HDH-H2

 

0 nhận xét: