CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Hai, 18 tháng 10, 2021

PHẢI CHĂNG NGÀY NAY TRÍ THỨC ĐÃ THAY THẾ CÔNG NHÂN THỰC HIỆN SỨ MỆNH LỊCH SỬ?

 

Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân là phạm trù trung tâm của chủ nghĩa xã hội khoa học. Trong cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận phức tạp hiện nay, các thế lực thù địch, chống cộng cùng với các phần tử cơ hội, xét lại mưu toan xuyên tạc, phủ nhận chủ nghĩa xã hội khoa học, ngay từ phạm trù trung tâm của nó là sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Vì vậy, nhận thức đúng đắn về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng đối với mỗi đảng cộng sản cũng như toàn bộ phong trào cộng sản, công nhân quốc tế hiện nay.

Dưới ảnh hưởng sâu rộng của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại, nền kinh tế tri thức và xu hướng toàn cầu hóa, đời sống xã hội loài người đã có những thay đổi về căn bản, trong lực lượng lao động vai trò của nhiều bộ phận đã có sự biến đổi, bên cạnh giai cấp công nhân, bộ phận trí thức giữ vai trò ngày càng quan trọng và không thể thiếu, góp phần thúc đẩy xã hội tiến lên. Lợi dụng thực tế đó, các thế lực thù địch không chỉ ra sức tung hô trí thức, mà còn hạ thấp hoặc phủ nhận vai trò căn bản của giai cấp công nhân. Chúng cho rằng hiện nay giai cấp công nhân đã mất đi sứ mệnh lịch sử, sứ mệnh đó đã đươc bàn giao lại cho tầng lớp trí thức; giai cấp công nhân đang tan ra, teo đi, từng bước trung lưu hóa… Thực chất các luận điệu nêu trên tập trung phủ nhận vai trò, sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, sâu xa hơn phủ nhận lực lượng trung tâm của chủ nghĩa xã hội, nòng cốt của lý luận Mác - Lênin.

Từ góc độ khoa học lý luận và thực tiễn, chúng ta dễ dàng có thể nhận thấy mấy vấn đề cơ bản như sau:

Thứ nhất, trong xã hội hiện đại, giai cấp công nhân vẫn là lực lượng hùng hậu, có số lượng đông đảo và quyết định toàn bộ nền sản xuất xã hội. Nếu như trước đây, Mác - Ăngghen - Lênin đã thấu rõ sự gắn kết của giai cấp công nhân với nền đại công nghiệp cơ khí. Thì hiện nay, mặc dù máy móc được đưa vào đại trà, số lượng công nhân thủ công có giảm sút, nhưng vai trò, vị trí của ngời công nhân không hề bị thay đổi, họ vẫn là người trực tiếp hoặc gián tiếp điều hành, vận hành các phương tiện máy móc, để sản xuất ra của cải vật chất cung cấp cho xã hội. Không có người công nhân vận hành và sử dụng thành thạo máy móc, sẽ không thể tạo ra được sản phẩm chứ chưa kể đến việc nâng cao năng suất, tạo ra nhiều của cải hơn nữa cho giới chủ tư bản. Chính bản thân giai cấp tư sản cũng nhận thức được vị trí đặc biệt của người công nhân, nên đã có những chính sách ưu đãi đối với bộ phận cơ bản này như tăng lương, đào tạo lại, bảo đảm các chính sách phúc lợi cơ bản, cất nhắc một số người có khả năng vào vị trí điều hành dây chuyền… từng bước đã tạo ra một hiện tượng mà như các giả tư sản đã tung hô là giai cấp công nhân đang được “trung lưu hóa”.

Thứ hai, đời sống vật chất và tinh thần của giai cấp công nhân tuy có được nâng lên nhiều mặt, họ đã được quan tâm và hưởng nhiều quyền lợi hơn trước đây. Nhưng về cơ bản, công nhân vẫn là người lao động làm thuê cho giới chủ tư bản, những quyền lợi mà họ được hưởng chỉ là một phần nhỏ bé được trích từ chính kết quả mồ hôi và nước mắt mà họ làm việc cực nhọc và căng thẳng trong các nhà máy, xí nghiệp của ông chủ tư bản. Nên mâu thuẫn lợi ích cơ bản giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư bản vẫn luôn luôn tồn tại. Các cuộc biểu tình, bãi công diễn ra ở hàng loạt các quốc gia tư bản phát triển như Mỹ, Anh, Phát… và ngày càng có xu hướng tăng lên, là minh chứng rõ ràng cho mâu thuẫn cơ bản tiềm ẩn trong xã hội tư bản, mà giai cấp tư sản dù có cố gắng điều chỉnh và thích nghi cũng không xóa bỏ triệt để được. Giai cấp công nhân vẫn mang trong mình đầy đủ những đặc điểm của một giai cấp tiên tiến, cách mạng, dưới ảnh hưởng của cách mạng khoa học công nghệ hiện đại, đã đặt ra những yêu cầu ngày càng cao với giai cấp công nhân, đồng thời cũng tạo ra những điều kiện căn bản họ tự nâng cao chất lượng của mình để đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất xã hội trong giai đoạn mới.

Thứ ba, trong xã hội hiện đại, trí thức có vai trò hết sức quan trọng, là kiến trúc sư của những phát minh, phát kiến thay đổi diện mạo đời sống con người. Tuy nhiên, lý luận và thực tế đều cho thấy, trí thức chỉ đơn thuần là một tầng lớp xã hội không thuần nhất, thiếu ổn định, được tập hợp từ nhiều giai tầng khác nhau trong xã hội, nên có lợi ích cơ bản không đồng nhất, trong giai cấp công nhân hiện đại cũng tồn tại một bộ phận công nhân có trình độ chuyên môn cao hơn hẳn bộ phận còn lại. Bên cạnh đó, trí thức luôn gắn bó chặt chẽ với giai cấp thống trị đương thời, được đào tạo sử dụng và có quyền lợi gắn bó chặt chẽ với giai cấp thống trị. Trí thức không có hệ tư tưởng riêng biệt, không đại diện cho một phương thức sản xuất nào cố định. Trong lịch sử các cuộc cách mạng do trí thức lãnh đạo đều chưa thành công, hoặc thể hiện rõ tính nửa vời, thiếu kiên định. Vì vậy, họ không thể trở thành giai cấp giữ vị trí trung tâm xây dựng xã hội mới được. Hiện nay, cuộc cách mạng khoa học - công nghệ đã nâng cao vai trò của trí thức trong xã hội, nhưng không làm thay đổi bản chất, kết cấu địa vị kinh tế - xã hội của tầng lớp đặc biệt này. Do đó, những luận điệu tuyên truyền cho cái gọi là sự chuyển giao sứ mệnh lịch sử từ công nhân sang trí thức, chỉ là giấc mộng ảo tưởng của các học giả tư sản và các lực lượng chống cộng, phần tử cơ hội và xét lại mà thôi.

TMN-H4

0 nhận xét: