Đại hội XIII của
Đảng là sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, đất nước và dân tộc ta, có ý
nghĩa đặc biệt quan trọng trong quá trình tiếp tục khẳng định và đẩy mạnh toàn
diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước. Đại hội có
nhiệm vụ tổng kết thực hiện Nghị quyết Đại hội XII gắn với việc đánh giá 35 năm
tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 10 năm thực
hiện Cương lĩnh (bổ sung và phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế
- xã hội 10 năm 2011 - 2020; đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế -
xã hội 5 năm 2021 - 2025 (kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống
nhất đất nước); xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm
thành lập Đảng) và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm
thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam). Chính vì vậy, thành công của Đại hội XIII là dấu mốc quan trọng
trong quá trình phát triển của Đảng, đất nước và dân tộc ta, có ý nghĩa định hướng
và tầm nhìn chiến lược phát triển đất nước trong thời kỳ mới, được toàn Đảng,
toàn dân, toàn quân háo hức chờ mong, tin tưởng và đặt nhiều kỳ vọng vào những
quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ, sáng suốt của Đại hội.
Kế thừa, phát
triển, nâng lên tầm cao mới quan điểm, tư tưởng của các kỳ đại hội trước; đồng
thời tổng kết sâu sắc quá trình lãnh đạo đất nước, Đại hội XIII biểu thị sự thống
nhất ý chí và quyết tâm mạnh mẽ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong thời
kỳ mới, thực hiện bằng được mục tiêu phát triển tổng quát đã xác định trong Báo
cáo chính trị: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu
của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện,
củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa;
khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và
sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn
diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ vững chắc
Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI,
nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Có thể thấy, lần
đầu tiên việc “củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã
hội chủ nghĩa”, và “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh
phúc” được Đảng đưa vào mục tiêu phát triển tổng quát, tầm nhìn đến năm 2045 của
Báo cáo chính trị. Đây là sự phát triển nhận thức tư duy lý luận kết hợp với tổng
kết thực tiễn sâu sắc quá trình lãnh đạo đất nước đổi mới của Đảng; đồng thời
thể hiện sâu sắc sự thống nhất “ý Đảng, lòng Dân”, là sự cụ thể hóa, khơi dậy
nguồn lực, phát huy động lực để hiện thực hóa mục tiêu “dân giàu, nước mạnh,
dân chủ, công bằng, văn minh” mà Đảng đã đề ra từ các đại hội trước./.
PVT-H8
0 nhận xét:
Đăng nhận xét