CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Sáu, 5 tháng 11, 2021

CHỦ TRƯƠNG VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU ĐỂ XÂY DỰNG KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC THEO QUAN ĐIỂM ĐẠI HỘI XIII CỦA ĐẢNG

 

Đại đoàn kết toàn dân tộc là nội dung quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là quan điểm nhất quán Đảng Cộng sản Việt Nam, là quy luật và bài học kinh nghiệm lịch sử của cách mạng ­nước ta. Nhờ phát huy tốt sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đạt được những thắng lợi to lớn, vẻ vang trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, đấu tranh đánh đuổi ngoại xâm, thống nhất đất nước. Bài học về xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục được Đảng ta vận dụng nhuần nhuyễn trong lãnh đạo xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trải qua 35 năm đổi mới, đất nước ta đã vươn mình phát triển về mọi mặt, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; thế và lực của đất nước được tăng cường, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.

Đại hội XIII của Đảng diễn ra đúng vào thời điểm lịch sử đặc biệt quan trọng, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc được chứng minh một cách mạnh mẽ khi chúng ta đã và đang kiểm soát tốt đại dịch Covid-19, kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển trong bối cảnh cả thế giới đối mặt với nguy cơ suy thoái, khủng hoảng. Bạn bè quốc tế dành cho Việt Nam nhiều sự ngưỡng mộ, niềm tin của nhân dân với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa ngày càng được củng cố. Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực luôn có những biến động đầy phức tạp, công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta vừa đứng trước những thời cơ, vận hội mới, vừa phải đối mặt với không ít khó khăn, thử thách. Các tầng lớp nhân dân đều kỳ vọng vào những quyết sách chiến lược đúng đắn của Đại hội XIII để giúp cho đất nước có thể biến thách thức thành cơ hội, biến cơ hội nhỏ thành vận hội lớn, đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới mạnh mẽ hơn, bền vững hơn. Đáp ứng niềm tin và sự kỳ vọng ấy của nhân dân, Đại hội XIII đã đề ra nhiều quan điểm, chủ trương lớn đặc biệt quan trọng, trong đó có đề ra các chủ trương và giải pháp chủ yếu để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là nội dung được văn kiện Đại hội XIII của Đảng đặc biệt tập trung nhấn mạnh. Các chủ trương, giải pháp được xác định toàn diện song có trọng tâm, trọng điểm, vừa giải quyết những vấn đề được mắt, vừa bao quát những mục tiêu chiến lược, lâu dài, bao gồm:

Một là, thực hiện tốt chính sách xã hội, tạo điều kiện cho mọi giai cấp, tầng lớp xã hội phát triển vững mạnh.

Khối đại đoàn kết toàn dân tộc chỉ thực sự vững mạnh khi mỗi thành tố cấu thành nên nó cũng không ngừng được củng cố, phát triển ngày càng lớn mạnh. Đảng chủ trương phát triển giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Xây dựng đội ngũ trí thức ngày càng lớn mạnh, có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới. Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng và chất lượng, có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hoá, đạo đức tiến bộ và trình độ quản trị, kinh doanh giỏi. Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội; xây dựng môi trường, điều kiện học tập, lao động, giải trí, rèn luyện để phát triển lành mạnh, toàn diện, hài hoà cả về trí tuệ, thể chất và giá trị thẩm mỹ cho thế hệ trẻ.

Hai là, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa gắn với phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Ở nước ta, đại đoàn kết toàn dân tộc phải được xây dựng trên nền tảng dân chủ, bảo đảm và phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân đối với mọi hoạt động của đời sống xã hội. Dân chủ là điều kiện, tiền đề của đại đoàn kết. Do đó, để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng ta đặc biệt quan tâm đến vấn đề phát huy dân chủ. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định, trong nhiệm kỳ Đại hội XIII, để xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, một trong những chủ trương, giải pháp quan trọng nhất là “Thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của nhân dân; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân, tăng cường đồng thuận xã hội; tiếp tục đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội”[1].

Cùng với phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, việc tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí cũng được Đảng ta xác định là cơ sở để tạo sự đồng thuận xã hội, sự đồng thuận giữa nhà nước và nhân dân, qua đó tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định sẽ đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, triệt để hơn, hiệu quả hơn, đồng thời gắn phòng, chống tham nhũng, lãng phí với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng, củng cố hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ba là, phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

 Trước hết, việc xây dựng và phát huy vai trò của khối đại đoàn kết toàn dân tộc phải luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây là điều kiện tiên quyết bảo đảm cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc luôn giữ được định hướng chính trị. Sự lãnh đạo của Đảng là “ngọn cờ quy tụ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc phấn đấu vì một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Để phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Đại hội XIII xác định cần phải “chú trọng đặc biệt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; thường xuyên củng cố, tăng cường đoàn kết trong Đảng và hệ thống chính trị; thực hiện nghiêm các nguyên tắc trong công tác xây dựng Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ”[2]. Sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng là điều kiện tiên quyết để Đảng thực sự xứng đáng là hạt nhân đoàn kết của toàn xã hội.

Vai trò quản lý của Nhà nước đối với việc xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là đặc biệt quan trọng. Đảng ta chỉ rõ: “Đảng và Nhà nước ban hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân. Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[3]. Do đó, cần thường xuyên quan tâm xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ và vì sự phát triển của đất nước.

Đối với Mặt trận Tổ quốc, Đảng ta khẳng định: “Tăng cường vai trò nòng cốt chính trị, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp, vận động nhân dân đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thực hành dân chủ, xây dựng đồng thuận xã hội”[4].

Để phát huy tốt vai trò của hệ thống chính trị trong xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng ta chỉ rõ trước hết cần phải phát huy tin thần trách nhiệm vì nhân dân phục vụ của mọi cán bộ, Đảng viên, công chức trong bộ máy Nhà nước, đồng thời đặc biệt chú trọng “phát huy tính tích cực chính trị - xã hội, trí tuệ, quyền và trách nhiệm của nhân dân tham gia xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội”[5]. Sự vững mạnh của hệ thống chính trị là cơ sở để củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, song chính sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc cũng là nền tảng để hệ thống chính trị không ngừng được hoàn thiện, hoạt động ngày càng hiệu lực, hiệu quả.

Bốn là, giải quyết tốt các mối quan hệ, xóa bỏ mọi mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử, thu hẹp những khác biệt giữa các bộ phận xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đây vừa là quan điểm chỉ đạo, vừa là chủ trương và giải pháp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở Việt Nam hiện nay. Đối với một đất nước đa dân tộc, đa tôn giáo, nhiều giai tầng xã hội, đồng thời lại có bối cảnh lịch sử đặc thù như Việt Nam, việc xác lập nhận thức và hành động đúng đắn trong việc giải quyết mối quan hệ giữa các bộ phận xã hội khác nhau giữ vai trò đặc biệt quan trọng. Ở nước ta hiện nay, các mối quan hệ cần tập trung giải quyết để củng cố sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là mối quan hệ dân tộc, tôn giáo, mối quan hệ với người Việt Nam ở nước ngoài. Đại hội XIII của Đảng đã để hiện rõ sự quan tâm đến các vấn đề này. Trong quan hệ dân tộc, Đảng xác định luôn bảo đảm các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển.

Cùng với việc tăng cường quan tâm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, giảm thiểu dần khoảng cách phát triển giữa các dân tộc, Đảng ta cũng xác định rõ phải kiên quyết “chống kỳ thị dân tộc, dân tộc cực đoan, dân tộc hẹp hòi; nghiêm trị mọi âm mưu, hành động chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc[6]. Trong quan hệ tôn giáo, cùng với việc tiếp tục thực hiện nhất quán quan điểm tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, Đảng ta cũng chỉ rõ phải “vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời đẹp đạo, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”[7]. Đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Đảng ta khẳng định đây là một bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Không chỉ quan tâm hỗ trợ để người Việt Nam ở nước ngoài có điều kiện phát triển kinh tế và đời sống, hội nhập xã hội ở nước sở tại thông qua việc nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân, quản lý lao động, du học sinh, Đại hội XIII còn chỉ rõ phải “tạo điều kiện để đồng bào giữ gìn tiếng Việt, bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Làm tốt công tác thông tin tình hình trong nước, giúp đồng bào hướng về Tổ quốc, nhận thức và hành động phù hợp với lợi ích quốc gia - dân tộc, có đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[8]. Việc giải quyết tốt các mối quan hệ này không chỉ trực tiếp góp phần củng cố sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, mà còn là cơ sở để đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở nước ta.

Có thể nói, Đại hội XIII của Đảng đã đề ra những quan điểm, chủ trương toàn diện về xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Văn kiện Đại hội đã thực sự đưa quan điểm của Đảng về vấn đề đặc biệt quan trọng này lên một tầm phát triển mới, ngày càng hoàn thiện hơn. Đây chính là cơ sở để khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở nước ta không ngừng được củng cố, trở thành cội nguồn sức mạnh để đất nước ta vươn lên phát triển mạnh mẽ, hoàn thành những mục tiêu mà Đảng ta đã xác định trên con đường phát triển tiếp theo của cách mạng nước ta./.

PVĐ-H4

 



[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 118.

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 95.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 173.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 172.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 173.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 170 - 171.

[7] Sđd, Tập I,  tr. 171.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 171.

0 nhận xét: