CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Tư, 23 tháng 2, 2022

CẢNH GIÁC VỚI LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC, PHẢN ĐỘNG CỦA THÁI THANH

 Trong những năm qua, tình hình tôn giáo ở Việt Nam luôn ổn định, đời sống tôn giáo có những biến đổi sâu sắc cả về số lượng lẫn phạm vi hoạt động, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo luôn được tôn trọng và bảo đảm. Ấy vậy mà các thế lực thù địch vẫn luôn lợi dụng vấn đề này để công kích, xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta, điển hình như Thái Thanh. Mới đây trên trang Bureau CTM Media – Âu Châu, Thái Thanh có bài viết “5 vấn đề tôn giáo năm 2021 mà chính quyền không muốn bạn biết”. Trong bài viết, Y vu cáo rằng: “Dù bạn là tín đồ của một tôn giáo được nhà nước công nhận hay một tôn giáo mới thì bạn đều phải đối diện với rủi ro bị chính quyền trấn áp, ngăn chặn…”; “Mỗi bước đi của tổ chức tôn giáo đều phải được chính quyền gật đầu”; “Các tổ chức tôn giáo đến nay vẫn chưa được phép vận hành hệ thống trường học, bệnh viện…”. Những lời lẽ, câu từ mà Thái Thanh đưa ra trong bài viết đều là những luận điệu sặc mùi phản động, cố tình nói xấu Đảng, nói xấu chế độ tốt đẹp mà Đảng Cộng sản Việt Nam cùng nhân dân Việt Nam đang ra sức xây dựng. Bởi vì:

Một là, ở Việt Nam quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân luôn được tôn trọng và bảm đảm.

Trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm đến việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Cụ thể: Ngay sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh 234/SL khẳng định: “Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là quyền lợi của nhân dân. Chính phủ luôn tôn trọng và giúp đỡ nhân dân thực hiện, chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo”. Hiến pháp năm 1946, năm 1959, năm 1980, năm 1992 và năm 2013 đều nhất quán bảo vệ và tôn trọng quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân. Điều 24, Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, ngày 18/11/2016, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam khóa XIV đã thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo thay thế Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo. Theo đó, ngày 30/12/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo, tiếp tục tạo hành lang pháp lý quan trọng cho các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo…

Cùng với đó, Đảng ta luôn quan tâm đến vấn đề tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Gần đây nhất, trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã chỉ rõ: “Quan tâm và tạo điều kiện cho các tôn giáo sinh hoạt theo Hiến chương, Điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận theo quy định của pháp luật, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước”. Đến Đại hội XIII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Thực hiện tốt mục tiêu đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc. Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo quy định của pháp luật. Phát huy giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo vào giữ gìn và nâng cao đạo đức truyền thống xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư, góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội”.

Hai là, thượng tôn pháp luật là một thuộc tính không thể thiếu và là yếu tố cốt lõi nhất của các nhà nước pháp quyền.

Thái Thanh và đồng bọn của Y cần hiểu rằng, ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, quyền tự do nói chung và quyền tự do tôn giáo nói riêng đều phải diễn ra trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, chứ không thể có sự tự do vô chính phủ, tự do vô nguyên tắc. Và dĩ nhiên, ở Việt Nam cũng vậy.

Tại Điều 18, Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, đã nêu rõ: Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật và khi sự giới hạn đó là cần thiết để bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, sức khoẻ hoặc đạo đức xã hội, hoặc để bảo vệ các quyền và tự do cơ bản của người khác. Điều đó có nghĩa là, quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng hay bất cứ một quyền nào khác trên phương diện pháp lý đều bị giới hạn bởi khuôn khổ luật pháp và phải tuân theo các giới hạn được luật pháp quy định.

Từ những phân tích trên, một lần nữa chúng ta khẳng định rằng, ở Việt Nam hoàn toàn không có cái gọi là đàn áp tôn giáo, vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Những luận điệu xuyên tạc, vu cáo như Thái Thanh nêu trên chỉ là chiêu trò mà các thế lực thù địch, phản động lợi dụng, sử dụng nhằm thực hiện âm mưu chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam./.

                                                                                     PQH3

 

0 nhận xét: