Hiện nay, các
thế lực thù địch đang ráo riết, đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa
bình”, tấn công trên mặt trận tư tưởng, văn hóa hòng làm suy giảm niềm tin, gây
hỗn loạn về lý luận và tư tưởng. Một trong những vấn đề chúng tập trung chống
phá là tách rời mối quan hệ biện chứng giữa tư tưởng Hồ Chí Minh và chủ nghĩa
Mác - Lênin, từ đó tiến tới phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Chủ nghĩa Mác -
Lênin ra đời vào những năm 40 của thế kỷ XIX, phát triển đã gần 172 năm với bao
thăng trầm của lịch sử nhưng vẫn mang trong lòng nó những giá trị bền vững
không thể bác bỏ là: Phát triển; Chủ nghĩa nhân đạo triệt để; Phương pháp biện
chứng duy vật và quan niệm duy vật về lịch sử; Học thuyết giá trị thặng dư,
hình thái kinh tế - xã hội, CNXH. Chính vì vậy, chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn là thế
giới quan, phương pháp luận khoa học cho chúng ta nhận thức và giải quyết những
vấn đề thực tiễn của thế giới đương đại; xây dựng CNXH và thực hiện sự nghiệp đổi
mới thành công.
Chủ nghĩa Mác -
Lênin là kết quả đỉnh cao của tư duy khoa học, là sản phẩm của hoạt động sản xuất
và đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động, là tinh
hoa văn hóa nhân loại. Nói tới chủ nghĩa Mác - Lênin, trước hết là nói tới thế
giới quan duy vật biện chứng và phương pháp luận biện chứng duy vật cùng hệ tư
tưởng khoa học của giai cấp công nhân cách mạng với đội tiên phong là Đảng Cộng
sản trong cuộc đấu tranh xóa bỏ mọi áp bức, bóc lột, tiến tới xây dựng chủ
nghĩa cộng sản. Chính những yếu tố nói trên đã tạo thành bản chất khoa học,
cách mạng và nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Với bản chất
khoa học, cách mạng và nhân văn, chủ nghĩa Mác - Lênin là ngọn cờ dẫn đường cho
phong trào cộng sản và công nhân quốc tế phát triển mạnh mẽ, đưa đến thắng lợi
của các cuộc cách mạng vô sản trên thế giới ở thế kỷ XX. Chủ nghĩa xã hội hiện
thực ra đời và tồn tại đã tỏ rõ tính ưu việt của mình, đồng thời thể hiện sức sống
trong lòng nhân loại tiến bộ, yêu chuộng hòa bình, tự do. Chủ nghĩa Mác - Lênin
vẫn sẽ tiếp tục soi rọi con đường chủ nghĩa xã hội, con đường đưa nhân loại đến
cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Trong giai đoạn
hiện nay, trước những biến động to lớn của tình hình quốc tế, chủ nghĩa xã hội
khoa học đang đứng trước nhiều thách thức to lớn với yêu cầu cấp bách là đổi mới
để phát triển. Vì vậy, thêm một lần nữa, làm sáng tỏ và sâu sắc bản chất khoa học,
cách mạng và nhân văn của chủ nghĩa Mác - Lênin có tầm quan trọng đặc biệt đối
với tương lai của chủ nghĩa xã hội, nhất là đối với sự nghiệp đổi mới theo định
hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Kẻ thù tư tưởng
của chủ nghĩa Mác - Lênin dè bỉu rằng chủ nghĩa Mác - Lênin không phải là một học
thuyết khoa học mà là một giáo điều giống như kinh thánh mà những người cộng sản
phải học thuộc lòng vận dụng ở mọi nơi. Chính vì vậy, chủ nghĩa Mác - Lênin
không thể phát triển, sẽ đi vào ngõ cụt. Điều này hoàn toàn không có căn cứ.
Chúng ta đều biết, ngay khi C.Mác và Ph.Ăngghen còn sống, các kẻ thù tư tưởng của
các ông cũng đã nói như vậy. Ngay từ năm 1887, trong một bức thư gửi một nữ sĩ
người Mỹ bà Phlo-ren-xơ Ken-li-vi-sne-vét-xcai-a, Ph.Ăngghen đã chỉ rõ: “Lý luận
của chúng tôi là lý luận của sự phát triển, chứ không phải là một giáo điều mà
người ta phải học thuộc lòng và lắp lại một cách máy móc”[1].
V.I.Lênin sau này cũng không ít lần nhắc nhở những người cộng sản Nga rằng:
“Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất
khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn
khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt,
nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống. Chúng tôi nghĩ rằng những
người xã hội chủ nghĩa ở Nga đặc biệt cần phải tự mình phát triển hơn nữa lý luận
của Mác, vì lý luận này chỉ đề ra những nguyên lý chỉ đạo chung, còn việc áp dụng
nguyên lý ấy thì xét riêng từng nơi, ở Anh không giống ở Pháp, ở Pháp không giống
ở Đức, ở Đức không giống ở Nga”[2]. Chính vì vậy mà
V.I.Lênin đã bổ sung nhiều luận điểm lý luận so với thời đại của C.Mác, Ph.Ăngghen.
Hồ Chí Minh rất nhiều lần căn dặn, nhắc nhở cán bộ, đảng viên học tập chủ nghĩa
Mác - Lênin là “phải học tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin, học tập lập trường,
quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng lập trường, quan
điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công
tác cách mạng của chúng ta”[3]; “Học để mà làm”[4]. Đồng thời, Hồ
Chí Minh đã bổ sung nhiều luận điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin cho phù hợp tình
hình thực tiễn Việt Nam, chẳng hạn như: cách mạng ở thuộc địa có thể nổ ra trước
cách mạng ở chính quốc; đảng cộng sản không chỉ đại biểu cho lợi ích của giai cấp
công nhân, giai cấp nông dân và nhân dân lao động mà còn đại biểu cho lợi ích của
cả dân tộc; thực hiện liên minh công - nông - trí ở Việt Nam,v.v.. Những đảng cộng
sản chân chính đã vận dụng, bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin
phù hợp điều kiện thực tiễn của mỗi nước. Điều đó chứng tỏ phát triển là một
giá trị bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin. Chính vì vậy mà chủ nghĩa Mác -
Lênin vẫn tồn tại và phát triển. Nhờ phát triển mà chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn tồn
tại, chính sự tồn tại lại đòi hỏi chủ nghĩa Mác - Lênin phải được phát triển.
Cùng với phát
triển thì chủ nghĩa Mác - Lênin là chủ nghĩa nhân đạo triệt để nhất. Bởi lẽ, sự
ra đời và tồn tại của chủ nghĩa Mác - Lênin cũng do nhu cầu giải phóng con người
và cũng nhằm mục đích giải phóng con người. Ngoài mục tiêu giải phóng con người
khỏi mọi hình thức người nô dịch người, người áp bức người, người đàn áp người,
chủ nghĩa Mác - Lênin không có mục tiêu nào khác. Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng
sản, C.Mác và Ph.Ăngghen đã chỉ rõ: “sẽ xuất hiện một liên hiệp, trong đó sự
phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả
mọi người”[5].
Phương
pháp biện chứng duy vật và quan niệm duy vật về lịch sử cũng là một giá trị bền
vững của chủ nghĩa Mác - Lênin. Bởi lẽ, nhân loại đã tìm ra rất nhiều phương
pháp nghiên cứu mới nhưng chưa có phương pháp nào thay thế được phương pháp biện
chứng duy vật mà chỉ có làm giàu thêm cho phương pháp biện chứng duy vật mà
thôi. Còn với quan niệm duy vật về lịch sử thì đúng như Ph.Ănghen đã khẳng định,
giống như Đác-uyn đã phát hiện ra quy luật của thế giới hữu cơ, C.Mác đã phát
hiện ra quy luật phát triển của xã hội loài người[6].
Còn V.I.Lênin thì khẳng định: “Chủ nghĩa duy vật lịch sử của C.Mác là thành tựu
vĩ đại nhất của tư tưởng khoa học”[7]. Chủ nghĩa duy vật
lịch sử của C.Mác về bản chất cũng là chủ nghĩa duy vật biện chứng, nhưng đó là
chủ nghĩa duy vật biện chứng về xã hội. Trong xã hội thì các quy luật chỉ có thể
nảy sinh, tồn tại, vận động thông qua hoạt động thực tiễn có ý thức của con người.
Do vậy, bằng và thông qua hoạt động thực tiễn, con người có thể tác động làm
cho quy luật nhanh hoặc chậm diễn ra hơn. Đó chính là tính xu hướng thể hiện đặc
thù của quy luật xã hội và quan niệm duy vật về lịch sử bao quát được đặc thù
này. Cũng vì vậy mà quan niệm duy vật về lịch sử mang giá trị bền vững.
Trong thời đại
Cách mạng Công nghiệp 4.0, internet vạn vật, dữ liệu lớn (Big data), các nhà sản
xuất đã sử dụng nhiều robot, dây chuyền tự động hóa nhằm giảm giá thành sản xuất,
tăng năng suất lao động. Lợi dụng tình hình này nhiều ý kiến cho rằng, học thuyết
giá trị thặng dư của C.Mác cũng như học thuyết về vai trò sứ mệnh lịch sử toàn thế
giới của giai cấp công nhân của chủ nghĩa Mác - Lênin không còn đúng nữa. Tuy
nhiên, chúng ta đều rõ nếu không có người công nhân chế tạo, lập trình, sử dụng,
bảo dưỡng, sửa chữa robot, dây chuyền tự động hóa thì robot, dây chuyền tự động
hóa chỉ là đống sắt vụn vô tri, vô giác. Trong mối quan hệ giữa người lao động
và máy móc (trong đó có robot, dây chuyền tự động) thì người lao động mà ở đây
là người công nhân vẫn đóng vai trò quyết định. Đúng là giai cấp công nhân có sự
biến đổi về mặt cơ cấu như công nhân “cổ xanh”, công nhân “cổ cồn”, công nhân
“cổ vàng” nhưng họ đều là công nhân, đều là người lao động và thiếu họ thì nền
sản xuất hiện đại không thể tồn tại. Do vậy, cái mà tạo ra giá trị thặng dư vẫn
là sức lao động sống của người công nhân. Điều này vẫn giữ nguyên giá trị từ những
cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn như trên đã nêu. Hơn nữa, xét về mặt kinh tế,
người công nhân hiện đại vẫn là người sản xuất chính ra của cải vật chất của xã
hội hiện đại. Xét về mặt chính trị, tư tưởng thì chỉ có giai cấp công nhân hiện
đại mới là người có thể đoàn kết với nông dân, những người lao động khác và dẫn
dắt họ xây dựng được xã hội mà ở đó có công bằng, tự do, bác ái, mọi người có
cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Xét về mặt văn hóa, đạo đức, chỉ có giai cấp công
nhân hiện đại mới xây dựng được các giá trị văn hóa, đạo đức mới như công bằng,
chân, thiện, mỹ, bình đẳng, tôn trọng,v.v.. Do vậy, giai cấp công nhân hiện đại
vẫn đóng vai trò sứ mệnh lịch sử toàn thế giới lật đổ chế độ tư bản chủ nghĩa
bóc lột, áp bức, nô dịch con người. Đúng như C.Mác nói: “trong cuộc cách mạng ấy,
những người vô sản chẳng mất gì hết, ngoài những xiềng xích trói buộc họ sẽ
giành được cả thế giới”[8].
Lịch sử vận động,
phát triển của nhân loại đã chứng minh, sự phát triển của lịch sử xã hội loài
người không theo kiểu duy nhất “kinh tế quyết định”; không theo kiểu “phương
Tây là trung tâm”; cũng không theo kiểu “làn sóng thứ ba”. Mặc dù, sự phát triển
của các quốc gia, dân tộc là hết sức đa dạng, phong phú nhưng vẫn theo quy luật
thay thế các hình thái kinh tế - xã hội từ thấp lên cao một cách lịch sử - tự
nhiên. Bởi lẽ, những nguyên nhân dẫn tới những sự thay thế này là do những mâu
thuẫn bên trong lòng của mỗi hình thái kinh tế - xã hội quy định. Đó là mâu thuẫn
giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất; giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc
thượng tầng,... Những mâu thuẫn này được giải quyết sẽ tạo cho sự ra đời của
hình thái kinh tế - xã hội mới. Quá trình này diễn ra không phụ thuộc vào ý
chí, mong muốn của con người. Do vậy, đúng như C.Mác và Ph.Ăngghen đã nhận định:
“Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu
như nhau”[9]. Cả về mặt lý luận,
cả về mặt thực tiễn đều chứng tỏ học thuyết hình thái kinh tế - xã hội của
C.Mác vẫn giữ nguyên giá trị.
Mặc dù CNXH hiện
thực ở Liên Xô (cũ) và Đông Âu sụp đổ, nhưng như vậy không có nghĩa là lý luận
của chủ nghĩa Mác - Lênin về CNXH sụp đổ. Không thể đồng nhất sự sụp đổ của
CNXH hiện thực ở Liên Xô (cũ) và Đông Âu với sự sụp đổ của chủ nghĩa Mác -
Lênin về CNXH. Đây là sự sụp đổ của một mô hình CNXH giáo điều, cứng nhắc, bảo
thủ, không đổi mới; sự sụp đổ của nhận thức sai lầm, giáo điều về CNXH. Hơn nữa,
sự tồn tại, đổi mới, mở cửa, phát triển của CNXH ở Cu Ba, Lào, Việt Nam, v.v..
cũng chứng tỏ CNXH với tư cách là một lý tưởng, một chế độ chính trị, một phong
trào hiện thực vẫn tồn tại và phát triển. Do vậy, có thể khẳng định lý luận của
chủ nghĩa Mác - Lênin về CNXH vẫn là một giá trị bền vững.
Thực tế đã và
đang khẳng định rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin từ khi ra đời đến nay đã thể hiện
rõ bản chất khoa học và cách mạng, giá trị và sức sống bền vững của nó. Nhiều
chính khách, nhà khoa học ở cả trong và ngoài nước có nh÷ng bài nói, bài viết,
công trình nghiên cứu khoa học khẳng định chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn giữ nguyên
ý nghĩa và tầm quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Một số học giả tư sản đã thừa
nhận, tinh thần của C. Mác vẫn tỏa sáng và dù muốn hay không người ta vẫn phải
dựa vào C. Mác mới có thể phân tích đúng chủ nghĩa tư bản đương đại.
Đảng ta và Chủ
tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá một cách khách quan, chính xác, đầy đủ và sâu sắc
vai trò của chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong quá trình cách mạng Việt Nam. Vào năm
1927, Hồ Chí Minh đã viết: “…Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng
chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lê-nin”[10]. Theo Người, chủ
nghĩa Mác - Lê-nin không những là kim chỉ nam mà còn là “mặt trời soi sáng” con
đường chúng ta đi đến thắng lợi cuối cùng, đi tới chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa
cộng sản. Trả lời phỏng vấn nhà báo Pháp Sác-lơ Phuốc-ni-ô ngày 15-7-1969, Hồ
Chí Minh khẳng định: “Chúng tôi giành được thắng lợi là do nhiều nhân tố, nhưng
cần phải nhấn mạnh rằng… chúng tôi giành được những thắng lợi đó trước hết là
nhờ cái vũ khí không gì thay thế được là chủ nghĩa Mác - Lênin”[11].
Nghiên cứu lịch
sử hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta thấy rõ con đường Hồ Chí Minh đến
với chủ nghĩa Mác - Lê-nin và Người đã nghiên cứu, học tập chủ nghĩa Mác -
Lê-nin một cách cơ bản, hệ thống. Ngày 12-7-1946, trả lời trong cuộc họp báo tại
biệt thự Roa-yan Mông-xô, Hồ Chí Minh đã nói: “Tất cả mọi người đều có quyền
nghiên cứu một chủ nghĩa. Riêng tôi, tôi đã nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác”[12]. Hồ Chí Minh
không bao giờ “tách mình” ra khỏi C. Mác, Ph. Ăng-ghen và V.I. Lê-nin để đưa ra
các quan điểm riêng mà như Người nói là “cố gắng vận dụng” tư tưởng của các nhà
kinh điển đó, “nhưng vận dụng một cách sáng tạo phù hợp với thực tiễn Việt
Nam”.
Trong bài “Con
đường dẫn tôi đến chủ nghĩa Lênin”, Hồ Chí Minh đã nói rằng: trước khi đến với
chủ nghĩa Lênin, “tôi ủng hộ Cách mạng Tháng Mười chỉ là theo cảm tính tự
nhiên”, tham gia Đảng Xã hội Pháp vì họ ủng hộ cuộc đấu tranh của các dân tộc bị
áp bức, còn “Đảng là gì, công đoàn là gì, chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản
là gì thì tôi không hiểu”. Nhưng “từng bước một, trong cuộc đấu tranh vừa
nghiên cứu lý luận Mác - Lênin, vừa làm công tác thực tế, dần dần tôi hiểu rằng
chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị
áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.
Hồ Chí Minh
không chỉ tự học mà đã học tập chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong nhà trường cách mạng.
Vào khoảng cuối năm 1924, Hồ Chí Minh đã vào học lớp ngắn hạn của Trường Đại học
Phương Đông ở Mát-xcơ-va. Trong thời gian học, khi biết tin V.I. Lê-nin mất, Người
đã cùng học sinh của trường đi viếng và Người đã viết bài “V.I. Lênin và các
dân tộc thuộc địa”. Từ tháng 10-1934 đến cuối tháng 9-1938 (với bí danh Lin), Hồ
Chí Minh đã học ở Trường Quốc tế Lê-nin, là nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu
các vấn đề dân tộc và thuộc địa. Người đã chuẩn bị tài liệu để viết luận án về
đề tài tự chọn “Cách mạng ruộng đất ở Đông Nam châu Á”./.
NTP-H2
[1] C. Mác - Ph. Ăngghen: Toàn tập, t.36, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr.796.
[2] V. I. Lênin: Toàn
tập, t.4, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1974, tr.232.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn
tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.497.
[4] Hồ Chí Minh: Toàn
tập, t.9, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.292.
[5] C. Mác - Ph. Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.628.
[6] C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, t.19, Nxb Chính trị
quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.499.
[7] V.I.Lênin: Toàn tập, t.23, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva,
tr.53.
[8] C. Mác - Ph. Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị
quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.646.
[9] C. Mác - Ph. Ăngghen: Toàn tập, t.4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.613.
[10] Hồ Chí Minh: Toàn
tập, t.5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.97.
[11] Hồ Chí Minh: Toàn
tập, t.7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.145.
[12] Hồ Chí Minh: Toàn
tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.105.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét