Trong
quan niệm của người Việt Nam, gia đình luôn là tổ ấm, nơi con người nhận được sự
yêu thương, chăm sóc cả về vật chất và tinh thần, nơi nuôi dưỡng và hình thành
nhân cách.
Truyền
thống tốt đẹp của gia đình Việt được đúc kết trong nhiều câu ca dao, tục ngữ,
khuyên nhủ mọi người chăm lo đến tổ ấm gia đình, như: “Thuận vợ, thuận chồng,
tát Biển Đông cũng cạn”, “Anh em như thể tay chân”... Cũng từ giá trị truyền thống
tốt đẹp đó, bao đời nay, gia đình Việt vẫn được hình thành và phát triển, gắn kết
một cách bền chặt bằng những chuẩn mực giá trị tốt đẹp như: Kính trên nhường dưới,
hòa thuận, thủy chung, nghĩa tình, yêu thương đùm bọc lẫn nhau...
Giữ
vai trò quan trọng là thế, nhưng trong nhịp sống hiện đại, hệ giá trị của gia
đình Việt Nam đang có những biến đổi nhất định, một số giá trị đã và đang bị
thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và
Du lịch, ở nước ta, trong những năm gần đây, mỗi năm có tới hơn 50.000 trẻ em
phải bỏ học giữa chừng để tự mưu sinh vì cha mẹ ly hôn; tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam
có xu hướng tăng, khoảng 60.000 vụ/năm, tương đương 0,75 vụ/1.000 dân. Tỷ lệ ly
hôn so với kết hôn là 25%, có nghĩa là trong 4 đôi đăng ký kết hôn thì 1 đôi ly
hôn.
Một
trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là một số giá trị truyền thống
tốt đẹp của gia đình Việt đang bị mai một và biến đổi. Quan hệ vợ chồng thiếu
đi sự sẻ chia, cảm thông, thấu hiểu... dẫn đến mất đi sự thủy chung; mối quan hệ
giữa cha mẹ, ông bà và con cháu có biểu hiện thiếu gần gũi, gắn kết và cũng có
không ít nghịch cảnh con cháu thiếu trách nhiệm, thậm chí bất hiếu, bất nghĩa với
cha mẹ, ông bà; mối quan hệ anh em cũng nảy sinh những bất hòa, mâu thuẫn...
Trước
yêu cầu của thực tiễn, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số
06-CT/TW ngày 24-6-2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây
dựng gia đình trong tình hình mới, trong đó xác định: Gia đình là tế bào của xã
hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng
và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp,
chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc. Gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát
triển bền vững của đất nước. Vì thế, việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính
sách, pháp luật về gia đình theo hướng lấy hoạt động của gia đình làm trọng
tâm, bảo đảm sự gắn kết xã hội và gia đình, xây dựng hệ giá trị gia đình Việt
Nam là rất quan trọng.
Để
giải quyết tốt các mối quan hệ trong gia đình, bên cạnh việc xây dựng và hoàn
thiện về cơ chế, chính sách, cần phát huy cao độ vai trò giáo dục con cái trong
gia đình, từ cách thức dạy dỗ của cha mẹ, ông bà; ông bà, cha mẹ phải thực sự
là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực trước con trẻ; phối hợp nhuần nhuyễn giữa gia
đình, nhà trường và xã hội trong định hướng giá trị và xây dựng phẩm chất đạo đức,
lối sống cho thế hệ tương lai. Đồng thời, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa
của thế giới để xây dựng gia đình Việt Nam hiện đại, nhưng vẫn giữ được các giá
trị văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc...
Để
gia đình thực sự là “tổ ấm”, rất cần sự nỗ lực của từng thành viên trong gia
đình, cùng nhau thương yêu, gắn bó, giúp đỡ cùng tiến bộ, tạo ra môi trường sống
lành mạnh, ngăn chặn tệ nạn xã hội. Có như thế, mỗi gia đình mới thật sự là tế
bào lành mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
trong bối cảnh mới./.
VTLT-NNTV
0 nhận xét:
Đăng nhận xét