Các nghiên cứu gần đây chỉ ra tuổi của người
dùng mạng xã hội có liên quan chặt chẽ đến việc bị ảnh hưởng bởi tin tức giả
mạo, thông tin sai lệch. Những người lớn tuổi, thông thường, ít có kinh nghiệm với
các nội dung giật gân, rất dễ sa vào bẫy của các tiêu đề clickbait (mồi nhử để
nhấp chuột). Họ cũng có xu hướng dễ dàng tin và sa đà vào các quảng cáo, được
thiết kế để tạo cảm giác giống như những câu chuyện "thực" và hiếm
khi nhận dạng được các hình ảnh, câu chuyện bị thao túng.
Còn về các người trẻ thì sao? Thời gian gần đây
tại một trường đại học từ một mẩu tin ngắn trở thành chủ đề thảo luận được mọi
người quan tâm, đó là tìm hiểu về sức mạnh của tin tức, về cách phân tích thông
tin và phát hiện tin giả. Hóa ra, sinh viên những người còn rất trẻ - đang cảm
thấy dội ngược, và mệt mỏi vì tin tức. Sự nhiễu loạn thông tin, đặc biệt là về
đại dịch Covid-19, trong hơn hai năm qua đã làm gia tăng những lo ngại này.
Một nghiên cứu mới đây từ nhóm các tác giả
thuộc Đại học Oxford, được UNICEF công bố cho thấy, 76% thanh thiếu niên đối
mặt với tin giả từ các nguồn trực tuyến ít nhất một lần một tuần, tăng 50% so
với hai năm trước đó. Câu nói, được cho là của nhà văn Mark Twain, rằng
"một lời nói dối có thể đi vòng quanh thế giới và quay trở lại trong khi
sự thật đang buộc dây giày của nó", dường như rất đúng về vấn đề nhức nhối
hôm nay.
Trước đây, các nền tảng lớn như Facebook đã lựa
chọn cho mình một giải pháp an toàn khi đưa ra câu trả lời rằng họ chỉ đơn thuần
là một nền tảng công nghệ. Họ cũng tự định danh là kênh tổng hợp thông tin ở
phạm vi rộng nhằm kết nối người dùng, chứ không phải là công ty truyền thông,
giúp tránh được những rắc rối khi bị hiểu nhầm, bị đóng khung trong vai trò các
nhà xuất bản.
Gần đây, giới truyền thông một lần nữa trở nên
ồn ào hơn khi hay tin tỷ phú Elon Musk muốn mua mạng xã hội Twitter. Hình ảnh
chú chim xanh nhỏ đang sà vào cạnh người đàn ông giàu có, quyền lực, mở ra hứa
hẹn cho quyền tự do ngôn luận, khi vị tỷ phú này từng đưa ra nhận định rằng:
"Điều quan trọng là phải có một nền tảng toàn diện cho quyền tự do ngôn
luận".
Nhưng theo tôi, vấn đề tự do ngôn luận cần được
nhìn nhận một cách thấu đáo. Những gì chúng ta có, trải nghiệm, liên quan chủ
đề này ở quy mô rộng là các mức độ cho phép phát biểu khác nhau. Một số quốc
gia có mức độ cho phép cao hơn những quốc gia khác. Một hệ thống mở mà bất cứ
ai có thể nói bất cứ điều gì không hẳn là điều tốt. Mọi người sẽ bị tổn thương
khi không may trở thành nạn nhân của các phát ngôn thù địch.
Số liệu của datareportal.com mới đây
cho thấy, người Việt dành trung bình 7,06 giờ mỗi ngày trên Internet, cao hơn
mức trung bình 6,53 giờ của thế giới. Tổng số 4,62 tỷ người dùng mạng xã hội
hiện nay trong phạm vi toàn cầu, cao gấp 3,1 lần so với con số 1,48 tỷ mà datareportal từng
công bố 10 năm trước (2012). Một công bố từ Đại học Harvard, Mỹ chỉ ra rằng,
một thập kỷ trước, chỉ có 8% người Mỹ trên 65 tuổi sử dụng mạng xã hội. Ngày
nay, con số đó lên tới 40%.
Không phải ai cũng ý thức việc họ chỉ đang xem
một phần của câu chuyện, bề nổi của tảng băng mà ai đó đang trả tiền và buộc
bạn nên xem. Cho nên, việc đào sâu hơn để tìm ra sự thật là một kỹ năng cần
được quan tâm. Hiểu biết về phương tiện truyền thông là một yếu tố quan trọng
của năng lực công dân. Nếu ai đó, chưa thật sự thông hiểu về chuyện này thì họ
cần được trang bị kỹ năng để ứng phó.
Với mức độ ngày càng phổ biến của điện thoại
thông minh, giữa dòng chảy tin tức ào ạt, thông tin sai lệch đang ngày càng
vươn độ phủ sóng rộng rãi khắp nơi và có xu hướng ngày càng phức tạp.
Câu nói "think before you share", cân
nhắc kỹ trước khi chia sẻ, đang dần được dùng để nhắc nhau thường xuyên hơn.
Dừng lại ba giây để kiểm tra nguồn, kiểm tra tác giả, xem xét cẩn thận nội dung
bên dưới, phía sau tiêu đề... phần nào giúp hạn chế sự lây lan của tin giả.
Một tương lai hứa hẹn sáng sủa, một môi trường
an toàn trên xa lộ số là hoàn toàn có thể đạt được nếu người dùng biết tiêu thụ
thông tin theo cách thông thái./.
PTC-BC
0 nhận xét:
Đăng nhận xét