Đồng hành với hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc chống thực dân Pháp và đế
quốc Mỹ xâm lược có một đội ngũ nhà văn chiến sĩ hùng hậu. Có người từng ví đây
là một “binh chủng đặc biệt” của Quân đội ta bởi họ đã góp phần quan trọng
trong công cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm, giành độc lập tự do, hòa bình
thống nhất cho đất nước.
Năm tháng qua
đi, nhưng những giá trị, đích thực của văn học kháng chiến với hình ảnh trung
tâm là “Bộ đội Cụ Hồ” vẫn còn nguyên giá trị.
Có thể nói,
nhiều tác phẩm văn học ra đời thời kháng chiến tập trung ca ngợi, tôn vinh chủ
nghĩa anh hùng cách mạng trong công cuộc giải phóng đất nước và nhận được sự đồng
cảm hồn nhiên từ đông đảo công chúng. Tôi nghĩ, điều đó chẳng có gì bất thường
cả, cuộc chiến tranh yêu nước chống giặc ngoại xâm của nhân dân Việt Nam cần phải
có những tác phẩm như thế.
Cuộc sống vẫn
có đủ mọi trạng thái, cung bậc, nhưng tất cả phải được xếp sau tinh thần chống
giặc ngoại xâm và bè lũ tay sai bán nước; đề tài chiến đấu mặc nhiên phải được
đặt lên hàng đầu như là yêu cầu, đòi hỏi, mục đích, hành trình của văn học.
Vì thế, những
thi phẩm như: Bầm ơi, Việt Bắc, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Bài ca xuân 68,
Toàn thắng về ta của Tố Hữu; Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm; Thăm lúa của Trần
Hữu Thung; Tây tiến của Quang Dũng; Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ, Nhớ của
Hồng Nguyên; Đèo Cả của Hữu Loan; Tình sông núi, Nhớ máu của Trần Mai Ninh; Tổ
quốc bao giờ đẹp thế này chăng? của Chế Lan Viên; Ngã ba Đồng Lộc của Huy Cận;
Lửa đèn, Nhớ, Tiểu đội xe không kính, Gửi em cô thanh niên xung phong của Phạm
Tiến Duật; Khoảng trời hố bom của Lâm Thị Mỹ Dạ; Lá đỏ của Nguyễn Đình Thi; Lý
ngựa ô ở hai vùng đất của Phạm Ngọc Cảnh; Sức bền của đất của Hữu Thỉnh; Đất nước
(trích trong trường ca Mặt đường khát vọng) của Nguyễn Khoa Điềm; Nấm mộ và cây
trầm của Nguyễn Đức Mậu; Cây xấu hổ của Anh Ngọc... được đề cao.
Trong văn
xuôi thì những tác phẩm này đã được ngợi ca và nhắc tới nhiều lần như: Thư nhà
của Hồ Phương; Xung kích của Nguyễn Đình Thi; Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc;
Hòn đất của Anh Đức; Người mẹ cầm súng của Nguyễn Thi; Dấu chân người lính của
Nguyễn Minh Châu; Vùng trời của Hữu Mai...
Sáng tác hay
phê bình và cả xu hướng thưởng thức, bình phẩm của người đọc đã được định hướng
rõ ràng, ít ai đi chệch khỏi quỹ đạo đánh giặc cứu nước. Rõ nhất là giai đoạn
chống Mỹ, cuộc sống và văn chương đều được thấm đẫm tinh thần “Xẻ dọc Trường
Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Thơ Tố Hữu).
Sau năm 1975,
văn học về chiến tranh và người lính có sự chuyển biến sâu sắc về nội dung và
hình thức. Do có độ lùi về thời gian và những thoáng mở trong không gian sáng tạo
từ xã hội, các tác phẩm viết về chiến tranh và người lính đã tiếp cận sát đúng
hơn hiện thực, đa dạng, đa chiều và đương nhiên cũng chứa đựng nhiều tầng lớp,
cung bậc của cuộc chiến với máu, mồ hôi, nước mắt mà dân tộc ta đã trải qua.
Bao nhiêu chiến thắng, kỳ tích là bấy nhiêu mất mát đau thương. Gắn với hình tượng
người lính không chỉ có tráng ca mà còn rất nhiều bi ca.
Có một nhà
văn đã đúc rút rất chính xác, chiến tranh không phải trò đùa. Cứ nhìn lớp lớp
bia mộ liệt sĩ trải dài từ Bắc vào Nam, từ rừng xuống biển ta sẽ thấm thía điều
đó. Cứ nhìn những hậu quả chiến tranh trong cuộc sống hiện tại, chúng ta sẽ
hình dung đầy đủ hơn sự khốc liệt của các cuộc chiến. Những gì người lính đã
làm nên và chịu đựng trong các cuộc chiến tranh giải phóng đất nước rất cần được
tri ân và lưu giữ trong các tác phẩm văn học nghệ thuật.
Cần tiếp tục
viết về họ, viết cho họ, viết vì họ đầy đủ, sâu sắc hơn với sự trung thực của
người cầm bút, không tô hồng, không bôi đen. Viết đúng như nó đã xảy ra dưới
ánh sáng của tinh thần nhân văn cao đẹp mà loài người luôn tôn vinh. Viết về
chiến tranh và người lính bằng lòng yêu hòa bình vô bờ bến cũng là để hướng tới
sự hòa hợp dân tộc và những giá trị nền tảng của văn hóa nhân loại. Tôi nghĩ,
viết về chiến tranh là viết về con người trong bão giông lịch sử, trong đó, người
lính là nhân vật rất đáng quan tâm.
Trong sự nghiệp
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, nhìn chung, người lính vẫn phải chịu đựng
nhiều gian khó, hiểm nguy. Nơi đầu sóng ngọn gió, nơi heo hút rừng xa, khi đất
nước thanh bình hay lúc bão giông, biến động, người lính luôn có mặt ở tuyến đầu.
Ngay chuyện đời
thường, phần đông người lính vẫn phải đằng đẵng xa gia đình, người thân. Người
lính thời bình đâu phải không có những góc khuất, những bi kịch khó nói. Và, họ
đã chấp nhận những điều đó để làm tròn nghĩa vụ, trách nhiệm của mình. Chiến
tranh hay hòa bình, với người lính, Tổ quốc vẫn là trên hết. Thế nhưng, như
chưa có nhiều tác phẩm hay về người lính thời hậu chiến.
Không biết có nhà văn nào cảm thấy day dứt
trước hiện trạng ấy không, hay vẫn mãi đuổi theo những đề tài ăn khách mà quên
đi đối tượng người chiến sĩ. Nhiều lần, tôi đặt câu hỏi, đề tài người lính liệu
còn mặn mà với bao nhiêu người cầm bút? Liệu còn mấy nhà văn tâm huyết với họ
trong khi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc luôn song hành với nhiệm vụ dựng xây đất nước.
Và tôi dám chắc
rằng, những tác phẩm hay về người lính vẫn được bạn đọc gần xa nhiệt tình đón
nhận. Công chúng, trong đó có lực lượng vũ trang hằng mong có những tiểu thuyết,
truyện ngắn, bút ký, trường ca, thơ ấn tượng về biển đảo, biên cương, về người
lính thời bình trên các lĩnh vực.
Bốn mươi ba
năm mang áo lính, đã có hai lần ra Trường Sa, nhiều lần đến biên giới và có mặt
ở không ít đơn vị Quân đội, tôi thấu hiểu ước mong ấy của các cán bộ, chiến sĩ.
Đừng nghĩ rằng chỉ cho người lính ăn no, mặc ấm, ở đẹp là đủ. Người lính vẫn
mong được đọc những tác phẩm viết đúng, viết hay về họ chứ không phải là những
thứ cưỡi ngựa xem hoa, chung chung, nhạt nhẽo.
Được thế, các
nhà văn ngoài tài năng còn cần có tâm huyết để tự nguyện đồng hành với người
lính, thâm nhập sâu vào đời sống của họ. Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam
có lẽ cũng nên quan tâm hơn đến những tác phẩm xuất sắc về người lính hôm qua
và hôm nay. Bởi họ, những người lính của Tổ quốc rất xứng đáng được đón nhận điều
đó./.
BVL-BS
0 nhận xét:
Đăng nhận xét