Đồng chí Lê Hồng Phong tên thật
là Lê Huy Doãn, sinh năm 1902 tại xã Thông Lạng (nay là xã Hưng Thông), huyện
Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê có truyền thống
yêu nước, với nhiều sĩ phu nổi tiếng, tận mắt chứng kiến cảnh đất nước lầm
than, nhân dân lao động bị áp bức, bóc lột, người thanh niên giàu nhiệt huyết,
bản lĩnh, kiên cường Lê Hồng Phong đã tiếp bước truyền thống của lớp lớp cha
anh sớm dấn thân vào con đường cứu nước, cứu dân.
Đồng chí Lê Hồng Phong thuộc lớp
chiến sĩ cộng sản thời dựng Đảng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng
sản Đông Dương những năm 1935-1936 và là người Việt Nam duy nhất được bầu làm Uỷ
viên Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản trong nhiệm kỳ Đại hội Quốc tế Cộng sản lần
thứ VII. Tên tuổi và sự nghiệp cách mạng của Đồng chí gắn liền với một giai đoạn
đầy khó khăn và thử thách của lịch sử Đảng và lịch sử dân tộc - những năm 20 đến
đầu những năm 40 của thế kỷ XX. Trong mọi hoàn cảnh, dù ở trên cương vị người
lãnh đạo cao nhất của Đảng hay trong những năm tháng sống gian khổ trong nhà tù
đế quốc, đồng chí Lê Hồng Phong luôn luôn thể hiện phẩm chất cách mạng tiên
phong, tinh thần chiến đấu không mệt mỏi, tấm gương người cộng sản kiên cường.
Đồng chí Lê Hồng Phong bị thực
dân Pháp bắt tại Sài Gòn ngày 22/6/1939. Biết Đồng chí là cán bộ lãnh đạo cao cấp
của Đảng, bọn mật thám Pháp dùng mọi thủ đoạn tra tấn, dụ dỗ hòng khai thác các
cơ sở cách mạng, nhưng chúng vẫn không lay chuyển được ý chí kiên cường của Đồng
chí. Không tìm ra chứng cứ pháp lý để buộc tội đồng chí Lê Hồng Phong, ngày
30/6/1939, Tòa tiểu hình Sài Gòn đã kết án Đồng chí 6 tháng tù giam và 3 năm quản
thúc ở Nghệ An. Mặc dù bị quản thúc gắt gao, theo dõi chặt chẽ, Đồng chí vẫn
không nản chí thường xuyên bí mật liên hệ với tổ chức, với Đảng và dành thời
gian viết bài, bí mật gửi cho các tờ báo của Đảng như tờ Dân Chúng, Đông Phương
tạp chí... thể hiện tinh thần chiến đấu ngoan cường của người cách mạng kiên
trung.
Tuy đã theo dõi chặt chẽ những
hoạt động của Lê Hồng Phong hòng âm mưu tách Đồng chí ra khỏi tổ chức, cắt đứt
mối liên lạc với phong trào cách mạng, với Trung ương Đảng, song chính quyền thực
dân vẫn lo ngại về sự tự do của người cộng sản Lê Hồng Phong. Thực dân Pháp tìm
mọi cách buộc tội Đồng chí phải “chịu trách nhiệm tinh thần” cho cuộc khởi
nghĩa Nam Kỳ, kết án 5 năm tù giam và 10 năm quản thúc. Cuối năm 1940, đồng chí
Lê Hồng Phong bị đày ra Côn Đảo. Trong những ngày bị biệt giam, kẻ thù luôn tìm
cách hành hạ, tra tấn, đánh đập dã man đồng chí Lê Hồng Phong nhưng không làm
nhụt tinh thần, ý chí của người lãnh đạo cộng sản. Những trận đòn thù tàn ác,
dã man và liên tục làm đồng chí Lê Hồng Phong dần dần kiệt sức. Đồng chí đã
vĩnh biệt anh em, đồng chí của mình vào trưa ngày 6/9/1942.
Kỷ niệm 120 năm ngày sinh
(1902-2022), 80 năm ngày mất (6/9/1942-6/9/2022) của đồng chí Lê Hồng Phong là
dịp để chúng ta thành kính và tri ân công lao, đóng góp to lớn của Đồng chí đối
với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên
truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên,
Nhân dân; qua đó củng cố và bồi đắp niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước,
chế độ xã hội chủ nghĩa. Ở tuổi 40, trước lúc hy sinh, lời dặn dò của Lê Hồng
Phong với những người bạn tù, những đồng chí và với Đảng còn sống mãi với các
thế hệ cách mạng, tiếp tục thôi thúc chúng ta trên con đường xây dựng đất nước
Việt Nam giàu đẹp, xứng đáng với sự hy sinh của Đồng chí và các thế hệ cha anh
đi trước: "Xin chào tất cả các đồng chí. Nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng,
tới giờ phút cuối cùng, Lê Hồng Phong vẫn một lòng tin tưởng vào thắng lợi vẻ
vang của cách mạng..."./.
NMH-H1
0 nhận xét:
Đăng nhận xét