CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Chủ Nhật, 18 tháng 9, 2022

NÊU CAO CẢNH GIÁC ĐỂ TRÁNH “SẬP BẪY” NHỮNG TRANG MẠNG GIẢ MẠO

 

Tình hình tội phạm lừa đảo nói chung, lừa đảo trên không gian mạng nói riêng vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây bức xúc dư luận. Đặc biệt, trong thực hiện “diễn biến hòa bình”, các thế lực thù địch triệt để khai thác công nghệ thông tin, nhất là Internet, mạng xã hội để bóp méo, xuyên tạc làm sai lệch bản chất các vấn đề, sự kiện nhằm chống phá Việt Nam.

Các thế lực thù địch chống phá ta trên mọi phương diện, ở mọi lĩnh vực nhưng tư tưởng, văn hóa là lĩnh vực chúng đặc biệt quan tâm. Nhiều chiêu thức tinh vi, thâm độc, nguy hiểm được họ áp dụng. Một trong những chiêu thức ấy là chúng lập ra nhiều website, Fanpage Facebook, Youtube… giả danh cơ quan chức năng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và cán bộ có chức vụ cao ở một số bộ, ngành… hoặc núp dưới danh nghĩa: “Tuổi trẻ yêu nước”; “Bảo vệ nhân quyền”; “Vì biển đảo Việt Nam”; “Chống tham nhũng, tiêu cực”; “Sáng kiến pháp lý Việt Nam”; “Kết nối yêu thương”… để qua đó móc nối, tung tin bịa đặt, gieo rắc sự hoài nghi trong xã hội, nhất là trước những sự kiện, vấn đề nhạy cảm.

Để tạo dựng lòng tin, trên những website, Fanpage Facebook, Youtube… ấy thỉnh thoảng cũng có những bài viết, những thông tin đúng, nhưng đa phần là xuyên tạc sự thật, kích động chia rẽ nội bộ, gieo rắc sự hoài nghi… Nhưng cái khéo ở những bài viết trên các website này là họ không nói trực diện, hướng dư luận theo kiểu “phải trái phân minh” một cách rõ ràng mà thường lập lờ để dư luận tự phán xét, bày tỏ thái độ, quan điểm. Lối chống phá của chúng cũng rất công phu và kiên trì. Có khi cùng một bài viết, hầu hết thông tin là chính xác, họ chỉ cài vào trong đó một vài thông tin thiên lệch dễ khiến người đọc tin là thật và như vậy đã được chúng xem là thành công. Chúng thực hiện “mưa dầm thấm lâu”, nói một lần chưa tin thì nói nhiều lần ắt phải tin; bài trước lái một chút, bài sau lái một chút… nếu người đọc không tỉnh táo dễ dẫn đến những suy nghĩ lệch lạc và hành vi sai trái.

Bằng chiêu thức trên ít nhiều các thế lực thù địch đã gây cho chúng ta những khó khăn, phức tạp nhất định trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Đáng chú ý đã có một số người, trong đó phần lớn là thanh niên bị kẻ xấu câu móc, mua chuộc thông qua các trang mạng giả mạo dẫn đến lầm đường, lạc lối vi phạm pháp luật. Một số đối tượng bị khởi tố, phạt tù về tội “tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” gần đây đã cho thấy rõ điều này.

Vẫn biết rằng, sự thật và lòng tin của nhân dân ta không dễ bị tác động, lung lạc. Chúng ta không phủ nhận công tác điều tra, xử lý số đối tượng phạm tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bóc gỡ những trang website, Fanpage Facebook, Youtube và các trang mạng xã hội giả mạo, xấu, độc khác đã góp phần rất quan trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Nhưng để phòng, chống những âm mưu, thủ đoạn như đã nêu trên nếu chúng ta chỉ tập trung vào việc điều tra, làm rõ, xử lý, bóc gỡ các trang website, Fanpage Facebook, Youtube… giả mạo và những người lợi dụng các trang mạng ấy để xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta bằng các biện pháp hành chính hay kỹ thuật thì chưa đủ.

Biện pháp căn cơ, lâu dài vẫn là phải thường xuyên đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, giáo dục giúp cho người dân nắm chắc các quy định của pháp luật về quản lý không gian mạng; nâng cao cảnh giác cho người dân trước những âm mưu, thủ đoạn, chiêu thức tinh vi, thâm độc của các thế lực thù địch, phản động. Người dân cần được trang bị những kiến thức, kinh nghiệm cần thiết khi tham gia mạng xã hội và tiếp cận với các thông tin từ mạng xã hội, đặc biệt là kỹ năng nhận diện các âm mưu, thủ đoạn, phương thức chống phá trên mạng xã hội của các thế lực thù địch, phản động. Mỗi chúng ta cần thận trọng tìm hiểu các website, Fanpage Facebook, Youtube và các trang mạng xã hội khác khi truy cập; kiểm chứng kỹ khi tiếp cận với các thông tin đăng tải trên Internet và mạng xã hội… Nhận thức chính trị đúng đắn, thị hiếu lành mạnh, cẩn trọng kỹ lưỡng, tỉnh táo, sáng suốt trên không gian mạng, đó là cơ sở để người dân, nhất là thanh niên sàng lọc, tiếp nhận, xử lý thông tin một cách chuẩn xác để không mắc mưu, “sập bẫy” kẻ xấu; không bị lôi kéo, kích động tự biến mình thành “con rối” trong tay các thế lực thù địch, phản động./.

NVN-H1

 

0 nhận xét: