CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Ba, 26 tháng 1, 2021

NHẬN THỨC ĐÚNG ĐẮN VỀ QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG “CHỦ ĐỘNG BẮT TAY VỚI CÁC NƯỚC LỚN” TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

 


Thời gian qua, nhất là sau sự kiện một số cuộc gặp gỡ cấp cao giữa lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta với nước bạn diễn ra, trong đó có chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (2015) và Thủ tưởng Nguyễn Xuân Phúc (2017) cũng như chuyến thăm Việt Nam sau hội nghị APECT (2017) của Tổng thống Mỹ Donald Trump, một số kẻ cơ hội đã tung tin về quan hệ “đổi chiều” giữa Việt Nam và Mĩ; thậm chí chúng còn trắng trợn cho rằng Việt Nam đang hướng sang “nước lớn” để chống lại nước khác… Đây là những quan điểm cá nhân có tính chất sai lệch nghiêm trọng nhằm mục tiêu chống phá đường lối đối ngoại độc lập tự chủ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Chúng ta cần hiểu: Tăng cường quan hệ với các nước lớn là định hướng lớn, phương châm, tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Đảng và Nhà nước ta, được xác định rõ tại Nghị quyết Đại hội XII: “Đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, nhất là các đối tác chiến lược và các nước lớn có vai trò quan trọng đối với sự phát triển và an ninh của đất nước, đưa khuôn khổ quan hệ đã xác lập vào thực chất”. Đây là quan điểm cơ bản, nhất quán, thể hiện sự phát triển tư duy lý luận của Đảng về thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hội nhập và phát triển; đồng thời, đó cũng là phương châm chỉ đạo chiến lược để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ đối ngoại, mà trước hết là xử lý đúng đắn mối quan hệ với các nước lớn trong tình hình mới.

Điều đó khẳng định: Cần nhận thức rằng, trong quan hệ quốc tế nói chung, quan hệ với các nước lớn nói riêng, sẽ là cách thức để khẳng định vị thế, uy tín của đất nước trên trường quốc tế. Thông qua đó, chúng ta sẽ huy động được các nguồn lực về vốn, khoa học công nghệ, trình độ quản lý kinh tế thị trường, đào tạo nhân lực… Trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, Việt Nam luôn xác định: “Sẵn sàng là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Vì vậy, để thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cùng với phát huy cao độ nội lực, Việt Nam cần phải huy động ngoại lực từ bạn bè quốc tế. Với những đối tác chiến lược hiện nay của Việt Nam, họ có nhiều lợi thế về  vốn, khoa học công nghệ… Vì vậy, xuất phát từ lợi ích đan cài kinh tế, chính trị, quốc phòng an ninh… Việt Nam cần phải có những quyết sách đối ngoại phù hợp trong điều kiện xu thế thế giới có những chuyển biến theo hướng đa cực. Song, Việt Nam không bao giờ dựa vào một nước để “chống lại” một nước khác như một số quan điểm sai trái đã đưa ra.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực ngày càng diễn biến phức tạp, tiếp tục chính sách “cân bằng nước lớn” được xem là lựa chọn tất yếu trong duy trì quan hệ với các cường quốc. Song, cùng với chủ trương phát triển quan hệ ở tầm đối tác toàn diện, đối tác chiến lược toàn diện với từng nước lớn, Việt Nam không ngừng đẩy mạnh quan hệ với các nước khác và các nước đang phát triển với những cơ chế hợp tác, đối thoại, trao đổi phù hợp, tạo thế đan xen lợi ích với từng đối tác và với các nước lớn. Qua đó, tăng cường hợp tác và đấu tranh; trong đó, có thể tranh thủ quan hệ với nước lớn này để tác động quan hệ với nước lớn khác trong xử lý các tình huống phức tạp cụ thể, tránh trở thành “con bài” để các nước lớn mặc cả lợi ích trong quan hệ quốc tế. Đây là cách ứng xử rất linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm giữ vững độc lập, tự chủ và chủ quyền quốc gia để thực hiện mục tiêu đối ngoại bất biến, đó là lợi ích quốc gia - dân tộc.

Tính đến nay, quan hệ giữa Việt Nam với các nước trên thế giới được xác lập ở nhiều cấp độ khác nhau. Tầm Đối tác chiến lược toàn diện gồm Liên Bang Nga (2012), Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (2008); Đối tác chiến lược: Gồm 5 nước ASEAN và Australia, Anh, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đối tác toàn diện có 11 nước (trong đó có Mỹ). Riêng Lào, Cu Ba, Campuchia là những nước có quan hệ đặc biệt… Điều đó cho thấy sự vận dụng sáng tạo quan điểm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH.

Xét riêng quan hệ Việt – Mỹ, mục tiêu tối thượng là "Xây dựng niềm tin và tôn trọng lẫn nhau” - Điều đó được nhấn mạnh trong chuyến thăm Mỹ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (2015). Trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (2017), thay mặt Đảng, Nhà nước, Thủ tướng đã nhấn mạnh:“Chúng tôi mong muốn xây dựng quan hệ làm việc tốt với Chính quyền của Tổng thống Donald Trump không chỉ vì lợi ích của nhân dân hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ, mà còn vì cả lợi ích của Cộng đồng ASEAN, của hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và thịnh vượng chung của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới”. Mối quan hệ song phương Việt – Mỹ đã tạo ra những chuyển biến tích cực trên cả 9 trụ cột của quan hệ đối tác toàn diện, từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư đến quốc phòng - an ninh, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ, khắc phục hậu quả chiến tranh hay giao lưu nhân dân… Việt Nam mở rộng quan hệ với Mỹ một cách độc lập, tự tin, thận trọng nhưng cũng rất chủ động. Quan hệ ấy đã góp phần đem lại lòng tin giữa hai quốc gia, trong đó hai bên thống nhất không sử dụng sức mạnh quân sự để đối phó nhau.

Nhìn chung, các nước lớn có lợi thế trong quan hệ quốc tế trên tất cả các lĩnh vực, nhất là về chính trị, quân sự, tiềm lực khoa học công - nghệ và đều là các trung tâm kinh tế thế giới. Vì thế, đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các nước lớn là vấn đề cần thiết, quan trọng; một mặt, nhằm tăng cường hiểu biết, xây dựng lòng tin trong quan hệ quốc tế, góp phần duy trì môi trường hòa bình, hợp tác cùng phát triển, nâng cao vị thế, uy tín đất nước. Mặt khác, tranh thủ mọi nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm từ các nước này để xây dựng phát triển kinh tế, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước. Đồng thời, đó còn là một định hướng chiến lược, là kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình.

Từ thực tiễn đó, cần nhìn nhận quan điểm “Tăng cường quan hệ với các nước lớn” của Đảng theo hướng tích cực, không đồng nhất “nước lớn” với một chủ thể bất biến, thấy rõ mục tiêu “vì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và thịnh vượng chung của khu vực và thế giới” chứ không đơn thuần là lợi ích của riêng quốc gia Việt Nam. Cần thấy rõ hơn tính biện chứng trong nhận thức mối quan hệ giữa đối tác - đối tượng, không mơ hồ trước những chiêu bài bịa đặt, nhào nặn trên mạng Internet nhằm phá hoại mối quan hệ tốt đẹp của Việt Nam với các đối tác, bạn bè trên trường quốc tế.

NMĐ-H8

0 nhận xét: