CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Chủ Nhật, 30 tháng 7, 2023

THẢM HỌA CHẤT ĐỘC MÀU DA CAM CÒN ĐAU ĐỚN MÃI VỀ SAU 10/8/1961 - 10/8/2023

 

          Cuộc kháng chiến chống Mỹ đối với dân tộc Việt Nam là cuộc kháng chiến cam go nhất, ác liệt nhất, để lại những nỗi đau nặng nề mà mãi đến tận bây giờ vẫn chưa thể nào hàn gắn được. Ðế quốc Mỹ đã huy động vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam một khối lượng bom đạn, vật chất kỹ thuật chưa từng có trên một địa bàn tương đối hẹp; đã đưa lượng số quân Mỹ vào miền Nam, một quân số kỷ lục cho một cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới.

          Nghiêm trọng hơn hết, Mỹ còn sử dụng đến chất độc hóa học để tham gia cuộc chiến tại Việt Nam. Cuộc chiến tranh hóa học do Mỹ tiến hành ở Việt Nam là cuộc chiến tranh có quy mô lớn nhất, dài ngày nhất, gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sử loài người.

          Vào đầu thập niên 60 của thế kỉ XX, cách mạng Việt Nam đã có những bước phát triển mới về cả chất và lượng, khiến nguy cơ phá sản của chủ nghĩa thực dân mới của Mỹ ở miền Nam Việt Nam đang đến gần. Không nằm yên chờ chết, Mỹ buộc phải lên phương án đối phó bằng thủ đoạn phát động “chiến tranh đặc biệt”. Tổng thống Hoa Kỳ lúc bấy giờ là Kennedy đã bổ nhiệm Robert S. McNamara làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

          Ngày 12/4/1961, cố vấn đối ngoại của Tổng thống Kennedy, Walt W. Rostow đã đệ trình lên Tổng thống Mỹ một giác thư đề nghị tiến hành 9 hành động, trong đó có vấn đề gửi lực lượng không quân C-123 đến miền Nam Việt Nam để phun rải các chất độc hóa học vì mục đích chiến tranh, đồng thời gửi một nhóm cố vấn quân sự MAAG (Military Assistance Advisor Group) do trung tướng Lionel C. McGarr làm trưởng nhóm đến miền Nam Việt Nam thăm dò khả năng sử dụng “kỹ thuật” phát quang. Kết quả Gần 25% tổng diện tích miền Nam Việt Nam, bao gồm hầu hết các hệ sinh thái từ vùng thấp ven biển đến vùng đồi núi cao thuộc 5 vùng sinh thái: Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ đều bị ảnh hưởng, trong đó, Đông Nam Bộ là vùng bị ảnh hưởng nặng nề nhất (56% diện tích tự nhiên bị phun rải).

          Khoảng 86% lượng chất độc đã được phun rải lên các vùng rừng rậm; 14% còn lại được dùng để phá hủy ruộng vườn, hoa màu, chủ yếu là đồng lúa và nương rẫy ở các vùng đồi núi. Diện tích rừng ngập mặn bị ảnh hưởng chất độc hóa học là 150.000 ha, điển hình là khu rừng ngập mặn ở Cà Mau.

          Với một lượng khổng lồ chất độc hóa học phun rải lặp đi lặp lại nhiều lần trong một thời gian dài, môi trường bị ô nhiễm nặng nề, các hệ sinh thái bị đảo lộn, nhiều loài thực vật và động vật bị tiêu diệt. Do rừng bị tàn phá nặng nề nên chức năng bảo vệ môi trường của rừng phòng hộ đầu nguồn của 28 lưu vực sông cũng bị phá vỡ, gây nhiều thiệt hại rất lớn đến nền kinh tế.

          Việc sử dụng chất da cam/dioxin ở chiến trường trong suốt 10 năm không chỉ huỷ hoại môi trường, các hệ sinh thái mà còn để lại hệ lụy đau lòng đến sức khỏe con người Việt Nam trong suốt 60 năm qua.

          Các nhà khoa học trên thế giới đã khẳng định, chỉ phần tỷ gram dioxin có thể lập tức gây chết người, cần 85 gram/dioxin (bằng một thìa súp) có thể giết chết 8 triệu người dân của một thành phố và các Viện sỹ Hàn lâm Khoa học, viện Hàn lâm Y học Hoa Kỳ đã thừa nhận nhiều loại bệnh liên quan tới chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam. Thảm họa da cam với biết bao thảm cảnh không sao kể xiết.

          Vô số nạn nhân phải chết vì độc, hàng trăm nghìn người đang vật lộn với bệnh tật hiểm nghèo, chất độc da cam/dioxin có thể gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên tất cả các bộ máy sinh lý của cơ thể, gây ung thư da, gan, tuyến giáp, đái tháo đường, nội tiết, thần kinh...; gây đột biến gen và nhiễm sắc thể, từ đó gây nên các dị tật bẩm sinh, các tai biến sinh sản. Các bệnh phổ biến ở con, cháu là nạn nhân chất độc da cam thường là liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù, câm, điếc... nó đã làm cho nhiều cặp vợ chồng không được làm cha, làm mẹ và ngược lại có hàng triệu cặp vợ chồng sinh từ 2 - 6, 7 người con đều bị dị dạng, tật nguyền, vô thức hoặc chết dần, chết mòn. Đáng nói là chất độc da cam có thể di truyền qua nhiều thế hệ và ở Việt Nam di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ 4.

          Trước những thiệt hại đó bằng những chủ trương đúng đắn, những chính sách của Nhà nước đối với nạn nhân chất độc da cam đã thật sự đi vào cuộc sống và xã hội, hàng triệu nạn nhân chất độc da cam đã được chăm lo giúp đỡ. Phong trào “Hành động vì nạn nhân chất độc da cam” do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động được đông đảo các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước quan tâm, hưởng ứng. Cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đã giành được thắng lợi quan trọng về xã hội và nhân văn; thu hút sự quan tâm của dư luận trong nước, dư luận quốc tế và dư luận Mỹ; tăng thêm sức mạnh của phong trào mang tính quốc tế đấu tranh chống chiến tranh hóa học, đòi Mỹ bồi thường thiệt hại cho nhân dân Việt Nam.

          Hàng năm, Nhà nước đã dành khoản ngân sách hơn 10.000 tỷ đồng để trợ cấp hàng tháng, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng cho nạn nhân, hỗ trợ những vùng đặc biệt khó khăn do bị ảnh hưởng nặng nề của chất độc da cam. Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến vấn đề da cam; xác định công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam đối với môi trường và sức khỏe con người là vấn đề vừa cấp bách vừa lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội.

          Cùng với quá trình khắc phục hậu quả, làm dịu nỗi đau cho con người, Đảng và Nhà nước ta còn chủ trương phát huy nội lực, tự lực tự cường và tinh thần sáng tạo dám nghĩ dám làm để từng bước khắc phục hậu quả của thảm họa này đối với thiên nhiên, môi trường. Chúng ta cũng đã tích cực đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân, kêu gọi sự hợp tác quốc tế để khắc phục thảm họa và qua đó cảnh tỉnh nhân loại hãy cảnh giác với những tham vọng dùng chiến tranh hóa học để hủy diệt môi trường sống, hủy diệt con người.

          Tròn 62 năm quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học gây ra thảm họa da cam ở Việt Nam. Mặc dù chiến tranh đã lùi xa, song hậu quả của chất độc hóa học đối với môi trường và con người vẫn chưa đi vào dĩ vãng. Thấm nhuần đạo lý, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc, ngày 10/8 - Ngày vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam được xem như là điểm hẹn của những nghĩa cử cao đẹp vì đạo nghĩa, để toàn thể nhân dân Việt Nam cùng chung tay xoa dịu nỗi đau với những số phận bất hạnh, những số phận đã và đang phải chịu dày vò vì chất độc da cam do chiến tranh để lại.

          ĐVT - BC

0 nhận xét: