CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Tư, 2 tháng 11, 2022

PHẢN BÁC LUẬN ĐIỆU XUYÊN TẠC XUNG QUANH CHUYẾN THĂM CHÍNH THỨC VIỆT NAM CỦA TỔNG THƯ KÝ LIÊN HIỆP QUỐC

 

Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc António Guterres từ ngày 21-22/10, các thế lực thù địch, phản động đã đưa ra các luận điệu xuyên tạc. Ngày 22/10/2022, trên trang blog VOA Tiếng Việt, tán phát bài “Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc thăm Việt Nam, các tổ chức nhân quyền ra cảnh báo”; ngày 23/10/2022, trên trang blog Đài Á Châu Tự Do (RFA) tán phát bài “Các tổ chức nhân quyền kêu gọi Tổng Thư ký Liên Hiệp quốc thúc giục Việt Nam trả tự do cho bốn nhà hoạt động môi trường”, nội dung vu cáo chính quyền Việt Nam “đàn áp” tự do, dân chủ, nhân quyền; “đàn áp” những người bất đồng chính kiến; kêu gọi các tổ chức, cộng đồng quốc tế can thiệp; hạ thấp vị trí, vai trò của Đảng, Nhà nước ta; đồng thời yêu cầu “tự do” phát triển “tổ chức xã hội dân sự” để đảm bảo nhân quyền tại Việt Nam.

Trước hết phải khẳng định đây là những luận điệu xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch, nằm trong chiến lược “Diễn biến hòa bình” nhằm chống phá cách mạng Việt Nam. Dân chủ, nhân quyền là chiêu bài mà chúng vẫn dùng để lợi dụng kích động, gây rối, phá hoại, gây mất ổn định chính trị-xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhưng những gì mà Đảng và Nhà nước ta đã và đang làm là minh chứng rõ nét nhất, bác bỏ mọi luận điệu xuyên tạc, phủ nhận thành quả về dân chủ, nhân quyền ở nước ta.

Việt Nam chúng ta là một quốc gia đa dân tộc, với 54 dân tộc anh em với những đặc điểm văn hóa đa dạng bản sắc (Tày, Thái, Nùng, Ê đê, Pu Péo, Rơ-măm, Brâu…), trong đó dân tộc Kinh chiếm tỷ lệ lớn nhất, cư trú phân tán và xen kẽ nhau. Bảo vệ và thúc đẩy phát triển bình đẳng dân tộc, phát triển quyền con người là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam. Việt Nam luôn xem con người là trung tâm, là động lực của quá trình Đổi mới và công cuộc phát triển đất nước, nỗ lực vì mục tiêu nâng cao đời sống, quyền thụ hưởng của người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Các quyền và tự do cơ bản của con người được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam, được bảo vệ và thúc đẩy bởi các văn bản pháp luật cụ thể và được triển khai trong thực tiễn. Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và có nghĩa vụ tuân thủ các quy định của pháp luật. Bất cứ ai vi phạm pháp luật, vì bất cứ lý do gì, đều phải bị xét xử nghiêm minh; bảo đảm sự thụ hưởng đầy đủ các quyền và tự do của mỗi người dân trong một xã hội an toàn, trật tự và công bằng. Không ai bị bắt giữ, xét xử vì thực hiện các quyền con người một cách chính đáng. Việt Nam đã ban hành nhiều luật bảo đảm phát huy trí tuệ, quyền dân chủ (như Luật trưng cầu dân ý, các luật khác). Mới đây, tại kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XV đã góp ý cho Dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương “thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò chủ thể của nhân dân”, góp phần đẩy mạnh hiệu quả và chi tiết hóa Chỉ thị số 30-CT/TW ngày 8/2/1998 của Bộ Chính trị về xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

Ngày 11/10/2022 tại Trụ sở Liên Hợp Quốc (New York, Hoa Kỳ), Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã bầu 14 quốc gia làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, trong đó có Việt Nam. Đây là lần thứ hai Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Năm 2013, Việt Nam lần đầu tiên trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu 184/192, cao nhất trong số 14 nước thành viên mới. Việc trúng cử trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền, cơ quan có vai trò quan trọng hàng đầu trong hệ thống Liên Hợp Quốc trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực. Đây cũng là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là bước tiến mới trong nỗ lực triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến 2030. Kết quả này là thành quả từ sự chỉ đạo sát sao và tham gia trực tiếp của Lãnh đạo cấp cao, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò của các cơ quan truyền thông, báo chí trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Đây cũng là minh chứng cho thấy vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được củng cố, nâng cao.

Trong thời kỳ của sự bùng nổ thông tin trên Internet và mạng xã hội, âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, trắng trợ, với chiêu bài “vừa ăn cướp vừa la làng”, chúng không thay đổi mục tiêu chống phá, không ngừng xuyên tạc chính sách đại đoàn kết dân tộc, phát triển bình đẳng, tương trợ giữa các dân tộc, bịa đặt và kích động kỳ thị dân tộc, bịa đặt vu cáo Việt Nam “vi phạm nhân quyền” khi xử lý những đối tượng vi phạm pháp luật. Nhưng chúng đã và sẽ luôn thất bại, bởi chủ nghĩa yêu nước và tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam là một thứ văn hóa thâm sâu từ nghìn năm lịch sử, không gì có thể chia rẽ hay phá hoại được. Nhiều người dân đã ngày càng hiểu rõ hơn các thế lực xấu và các thông tin xuyên tạc, âm mưu chống phá; ngày càng nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm đối với việc bảo vệ môi trường dân chủ, thành tựu nhân quyền, không gian thông tin an toàn, lành mạnh./.

LMH-H8

0 nhận xét: