CHÀO MỪNG ĐẾN VỚI BLOG GIỮ TRỌN LỜI THỀ

Thứ Hai, 27 tháng 3, 2023

SỰ VẬN DỤNG SÁNG TẠO CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM TRONG XÂY DỰNG QUÂN ĐỘI HIỆN NAY

 

Quan điểm xây dựng quân đội về chính trị của Lênin không chỉ là hệ tư tưởng mà còn là ánh sáng soi đường cho quá trình xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Xuất phát từ tư tưởng đó, ngay từ rất sớm, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của yếu tố chính trị, tinh thần trong xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân. Năm 1944, trong Chỉ thị thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh vai trò của yếu tố chính trị: chính trị trọng hơn quân sự. Tiếp đó, Người khẳng định: “Nhiệm vụ quân sự phải phục tùng nhiệm vụ chính trị. Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại. Cùng với thời gian, quan điểm xây dựng quân đội về chính trị của Lênin được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo trong toàn bộ quá trình xây dựng quân đội.

Theo Lênin, vấn đề cơ bản, cốt yếu nhất trong xây dựng quân đội về chính trị là xây dựng bản chất giai cấp công nhân của quân đội. Bản chất đó gắn bó chặt chẽ với tính nhân dân, tính dân tộc, được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam. Thực chất của quá trình xây dựng quân đội về chính trị là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội, bảo đảm quân đội luôn trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, với lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc. Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội là nguyên tắc cơ bản nhất trong xây dựng quân đội cách mạng; là nhân tố quyết định sự trưởng thành và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam.  

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, Quân đội ta vẫn là công cụ bạo lực sắc bén của Đảng và Nhà nước. Quyền lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam thuộc về một Đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam, quyền đó phải luôn được giữ vững và tăng cường, có như vậy mới bảo đảm cho quân đội chiến thắng và trưởng thành. Bởi vậy, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng tổ chức đảng từ trong các tổ chức vũ trang cách mạng đầu tiên đến Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay.  

Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu là đặc trưng nổi bật, là vấn đề gắn với bản chất của Quân đội nhân dân Việt Nam. Do vậy, coi trọng xây dựng quân đội về chính trị theo quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh còn bao hàm cả vấn đề xây dựng và củng cố mối quan hệ mật thiết giữa quân đội với nhân dân. Quân đội phải giữ nghiêm kỷ luật khi quan hệ với nhân dân, đồng thời phải biết dựa chắc vào dân thì mới hoàn thành nhiệm vụ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Bất kỳ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích đều phải bám lấy dân, rời dân ra nhất định thất bại. Quân đội mà xây dựng được trận địa lòng dân thì bất kỳ việc gì khó cũng làm được và nhất định thắng lợi”. Chính nhờ điều này mà trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành, quân đội ta đã thu hút rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân tự nguyện đóng góp sức người, sức của để xây dựng quân đội.

Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vẫn là một nhiệm vụ chiến lược với nội dung rộng lớn hơn. Đó là bảo vệ vững chắc Tổ quốc, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh tư tưởng văn hóa... duy trì trật tự kỷ cương, an toàn xã hội; giữ vững ổn định chính trị của đất nước, ngăn ngừa, đẩy lùi và làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, không để bị động, bất ngờ.  

Yêu cầu đó đặt ra nhiệm vụ xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện, lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở. Xây dựng quân đội về chính trị trong tình hình hiện nay có nhiều thuận lợi, nhưng cũng đứng trước nhiều vấn đề mới, đó là sự chống phá của các thế lực thù địch về chính trị, tư tưởng; sự biến đổi kinh tế, xã hội và sự chênh lệch về trình độ phát triển, mức sống, phân hóa giàu - nghèo; những tiêu cực trên lĩnh vực kinh tế, xã hội, tư tưởng, văn hóa, đạo đức, lối sống; những khó khăn về đời sống, việc làm ở hậu phương quân đội... Tình hình đó đòi hỏi chúng ta phải vận dụng một cách triệt để, sáng tạo quan điểm xây dựng quân đội về chính trị của Lênin và kế thừa những bài học kinh nghiệm xây dựng quân đội trong các giai đoạn lịch sử trước đây, với những nội dung cụ thể:

Thứ nhất, xây dựng quân đội về chính trị trước hết là xây dựng nền tảng tư tưởng của quân đội ta, đó là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đảng, Nhân dân và Quân đội ta cần kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, coi đó là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, là ngọn cờ thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.

Thứ hai, xây dựng quân đội về chính trị là xây dựng lý tưởng, mục tiêu chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Đó cũng là lý tưởng, mục tiêu của Đảng. Có được lý tưởng, mục tiêu đúng đắn và quyết tâm chiến đấu vì lý tưởng, mục tiêu đó, quân đội ta sẽ xứng đáng là lực lượng chính trị, trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.

Thứ ba, xây dựng quân đội về chính trị là kiên định nguyên tắc Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội nhân dân Việt Nam. Đảng lãnh đạo quân đội thông qua Cương lĩnh chính trị, đường lối, quan điểm, tư tưởng quân sự, đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân và quân đội nhân dân; thông qua công tác tư tưởng, tổ chức, chính sách, cán bộ, với các nguyên tắc và phương thức thích hợp. Sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với quân đội thông qua Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và hệ thống tổ chức Đảng các cấp trong quân đội từ Quân ủy Trung ương đến chi bộ.

Thứ tư, xây dựng quân đội về chính trị còn là xây dựng mối quan hệ tốt đẹp trong quân đội và giữa quân đội với các thành tố trong hệ thống chính trị, với nhân dân, với bạn bè quốc tế. Xây dựng quân đội về chính trị là một nhiệm vụ rất hệ trọng với nhiều nội dung, nhưng yêu cầu cơ bản nhất là bảo đảm quân đội tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với Nhân dân. Đạt được yêu cầu này, Quân đội ta sẽ giữ vững được bản chất cách mạng, làm cơ sở vững mạnh về chính trị và vững mạnh toàn diện, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Tóm lại, quan điểm xây dựng quân đội về chính trị của V.I.Lênin là một trong những đóng góp xuất sắc vào kho tàng lý luận về xây dựng quân đội. Những nguyên tắc, tư tưởng, luận điểm của V.I.Lênin không chỉ phù hợp trong xây dựng Hồng quân Liên Xô trước kia mà vẫn vẹn nguyên giá trị đối với xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Vận dụng những quan điểm của V.I.Lênin, Đảng ta đã thành công trong việc xây dựng quân đội về chính trị. Trong bất luận hoàn cảnh nào, Đảng cũng coi trọng đến yếu tố chính trị, tinh thần của mọi cán bộ chiến sĩ, coi trọng công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Thực tế lịch sử đã chứng minh, xây dựng quân đội về chính trị là một trong những nguyên tắc hàng đầu để giữ vững bản chất giai cấp, bản chất cách mạng của quân đội, làm cho quân đội luôn tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

=TXD-H2=

0 nhận xét: