Khiêm tốn, giản
dị là một trong những đức tính quan trọng nhất của con người. Người khiêm tốn
là người biết mình, hiểu người, không tự cao tự đại. Khiêm tốn, giản dị còn là
sự nhã nhặn, biết sống một cách nhún nhường, luôn nêu cao tinh thần học hỏi,
không tự đề cao, khoe khoang cá nhân mình với người khác.
Ở đâu cộng đồng
con người có tính khiêm tốn, giản dị thì ở đó ít khi xảy ra xung đột, bất hòa
và không thể dung hòa những cá nhân quá đề cao bản thân, lúc nào cũng xem mình
là “cái rốn của vũ trụ”. Thay vào đó là sự xem trọng và không ngại học hỏi từ mọi
người xung quanh.
Chủ tịch Hồ
Chí Minh đã để lại cho chúng ta bao điều cần học tập, mà một trong những đức
tính, phong cách ấy là sự giản dị, khiêm tốn. Bác từng nói: “Công trạng của cá
nhân chủ yếu là nhờ tập thể mà có. Vì vậy, người có công trạng không nên tự
kiêu mà cần khiêm tốn. Khiêm tốn và rộng lượng, đó là hai đức tính mà người
cách mạng nào cũng phải có”. Đức tính giản dị, khiêm tốn của Người mãi là tấm
gương sáng cho các thế hệ sau noi theo, nhất là trong công cuộc xây dựng, chỉnh
đốn Đảng và phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” hiện nay.
Dư luận xã hội
thời gian qua xôn xao khi biết thông tin về “tiệc chia tay”, “tiệc nghỉ hưu” xa
hoa trên 2 du thuyền sang trọng trên vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), được tổ chức
vào cuối tháng 6-2022 liên quan đến ông Ninh Văn Chủ, khi đó vẫn là Giám đốc
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh (nhận quyết định nghỉ hưu ngày
29-7-2022). Với hành vi nêu trên, ông Chủ đã bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng
Ninh kỷ luật cảnh cáo…
Hay như việc
thành lập Hội Tướng lĩnh huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh) gần đây cũng nhận được
nhiều ý kiến bức xúc từ dư luận. Thông tin mới nhất từ báo chí cho thấy, qua rà
soát, hồ sơ thành lập hội trên chưa bảo đảm các quy định, vi phạm những điều đảng
viên không được làm. Vì vậy, UBND huyện Đức Thọ đã hủy bỏ quyết định việc thành
lập ban vận động, quyết định cho phép thành lập Hội Tướng lĩnh huyện Đức Thọ...
Ngoài những
việc làm có tính chất háo danh, phô trương như trên, trong đời sống hay trong
công tác, có không ít cán bộ, đảng viên hay tỏ ra ta đây quan trọng, thường
quát nạt cấp dưới, hách dịch với nhân dân, luôn cậy công, cậy quyền, cậy bằng cấp…
Có người chỉ
thích được khen mà không muốn ai góp ý, càng không muốn tiếp nhận phê bình; nếu
lỡ bị phê bình thì “dè bỉu” hoặc tìm cách đổ lỗi… Những biểu hiện đó đi ngược lại
với đạo đức, phong cách khiêm tốn, giản dị mà bao thế hệ đảng viên tiền bối đã
dày công gây dựng.
Nghị quyết
Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy
lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện
"tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” đã xác định,
phải khắc phục ngay tình trạng mắc bệnh "thành tích", háo danh, phô
trương... Đây là một trong những căn nguyên gây ra sự mất niềm tin của một bộ
phận nhân dân đối với Đảng, chế độ.
Để mỗi cán bộ,
đảng viên thấm nhuần đức tính, xây dựng phong cách khiêm tốn, giản dị, trước mắt
cần thực hiện kiên trì, kiên quyết, có hiệu quả Kết luận Hội nghị Trung ương 4
(khóa XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị gắn với thực hiện
Kết luận số 01-KL/TƯ ngày 18-5-2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ
thị số 05-CT/TƯ về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ
Chí Minh; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo
đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển
hóa" trong nội bộ.
Mỗi cấp ủy, tổ
chức Đảng phải thực hiện nghiêm các nguyên tắc, quy định của Đảng; chú trọng
xây dựng Đảng về đạo đức, đề cao trách nhiệm nêu gương, gắn bó mật thiết với
nhân dân, ý thức tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là cán
bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp...
Đối với những
đảng viên được phân công giữ chức vụ quản lý, lãnh đạo, điều hành, cần tích cực
nêu gương về đức tính khiêm tốn, giản dị để các đồng nghiệp cùng noi theo và học
tập. Đó là không bao giờ tỏ ra mình là người quan trọng, bởi trên thực tế, người
dù quan trọng đến mấy cũng có thể thay thế. Đó là phải luôn cầu thị, lắng nghe,
bởi có lắng nghe mới biết được mình hay hoặc dở chỗ nào, mới phát huy được trí
tuệ tập thể. Đó là không đặt cá nhân lên trên tập thể, dù mình là người đứng đầu
tập thể đó, bởi sức mạnh của tập thể bao giờ cũng hơn sức mạnh cá nhân và khi
cá nhân có ý áp đặt lên tập thể thì đó là biểu hiện bắt đầu sự chuyên quyền, độc
đoán.
Cùng với đó
là phải cầu thị tiếp thu khi được phê bình, góp ý, bởi không người nào có thể
luôn luôn đúng, nếu có sai thì phải mạnh dạn sửa chữa, khắc phục… Cho dù là người
đứng đầu cũng cần không ngừng học tập nâng cao kiến thức, trình độ về mọi mặt,
trong đó còn phải học từ cấp dưới, từ nhân dân với nhận thức không phải việc gì
mình cũng giỏi, cũng biết.
Hình thành đức
tính khiêm tốn, giản dị có trong mỗi người chính là xây dựng cho mình một bản
lĩnh, trí tuệ, tình yêu thương với đồng nghiệp, đồng chí, với quần chúng, bạn
bè; là sự cầu thị tiến bộ, ý chí quyết tâm vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ
được giao, xứng đáng là người “công bộc” trung thành và tận tụy của nhân dân.
Mỗi cán bộ, đảng
viên trong một tập thể đều có vai trò như “một cánh én nhỏ” để “làm nên mùa
xuân”, do đó, dù ở vị trí, cương vị nào cũng cần làm tròn bổn phận của mình với
một thái độ gương mẫu, chính trực và khiêm nhường. Mỗi đảng viên tự rèn giũa bản
thân chính là góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện
nay./.
CĐT-H4
0 nhận xét:
Đăng nhận xét