“Với B-52, tất cả đã sẵn sàng quyết chiến, bằng bất cứ giá nào cũng đánh, bất cứ điều kiện nào cũng đánh”. Đây lời khẳng định trong bức thư gửi về gia đình viết ngày 16-4-1972 của Thượng úy, phi công Vũ Xuân Thiều, Trung đội trưởng Trung đội bay thuộc Đại đội 9, Trung đoàn 927, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không-Không quân.
Hiện bản gốc lá thư này
đang được lưu giữ tại Bảo tàng Phòng không-Không quân. Sau nhiều năm giữ gìn tại
gia đình, ngày 23-11-2017, ông Vũ Xuân Thăng, anh trai thứ hai của anh hùng phi
công Vũ Xuân Thiều đã trao tặng cho bảo tàng làm hiện vật trưng bày, lưu giữ để
góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau.
Giờ đây, ở tuổi gần 90,
khi được hỏi về người em trai đã anh dũng hy sinh lúc tuổi đời còn rất trẻ, Đại
tá Vũ Xuân Thăng vẫn không nén nổi xúc động. Ông kể: “Gia đình tôi quê gốc ở
Nam Định, nhưng cả nhà đã sớm rời quê hương lên sinh sống ở phố Đặng Dung (Hà Nội).
Là con trai thứ 7 trong gia đình có 10 người con, Thiều là người ít nói nhưng
quyết đoán và mạnh mẽ hơn cả. Tôi nhớ, năm Thiều lên 2 tuổi bị một mụn nhọt rất
to ở vị trí rất nguy hiểm sau lưng hành hạ. Thiều sốt liên tục mấy ngày liền,
tôi phải bế em ấp vào người cho khỏi đau nhưng tuyệt nhiên em không kêu khóc.
Tháng 6-1965, khi đang học năm thứ 3 Khoa Vô tuyến điện, Trường Đại học Bách
khoa, em trúng tuyển phi công, và được cử sang Liên Xô học tập, huấn luyện bay
chiến đấu trên MiG-17, rồi MiG-21”.
Năm 1968, sau khi hoàn
thành xuất sắc khóa học, phi công Vũ Xuân Thiều trở về nước và được biên chế về
Trung đoàn Không quân Sao Đỏ (Trung đoàn 921). Anh là một trong số ít phi công
bay đêm của Không quân nhân dân Việt Nam, được huấn luyện đánh B-52 từ rất sớm.
Vì vậy, trong lá thư gửi về gia đình, anh viết: “Bố mẹ và cả nhà yêu thương! Dạo
này con bận quá. Hầu như ít lúc nào rỗi rãi. Có lẽ ở nhà mong tin con và ngược
lại - con rất mong tin ở nhà. Hôm nay máy bay Mỹ đánh Hà Nội… Không thể nào lường
trước được mức độ ác liệt của những cuộc chiến sắp tới. Tụi nó dám dùng B-52 để
đánh Hà Nội lắm chứ. Tụi con khá vất vả nhưng chưa ăn thua gì. Chỉ vất vả hơn
so với trước thôi. Tụi con cũng đã sơ tán, có lẽ là còn sơ tán lâu… Ngồi nhìn cột
khói Đức Giang mà đau lòng. Ngồi nghe tin tụi nó đánh các thành phố mà uất ức,
và nhất là nghe tin nó đánh Hà Nội. Với B-52, tất cả đã sẵn sàng quyết chiến, bằng
bất cứ giá nào cũng đánh, bất cứ điều kiện nào cũng đánh…”.
Tranh thủ những lúc rảnh
rỗi, Vũ Xuân Thiều thường viết thư gửi về cho người thân. Trong thư anh kể chuyện
chiến đấu, chuyện sinh hoạt ở đại đội, dặn dò và động viên bố mẹ nếu có ngày
"anh không về". Ngày 21-12-1972, Vũ Xuân Thiều đang viết dở một bức
thư thì có lệnh chuyển cấp chiến đấu. Lá thư viết dở ấy có đoạn: "Bố mẹ
thân yêu! Qua hai đêm nặng nề, cái nặng nề vì phải đứng nhìn lửa đạn hết đợt
này đến đợt khác rải xuống Hà Nội, con thấy uất ức lắm vì chưa làm được gì. Con
nghĩ bây giờ không phải là lúc lo lắng cho ngôi nhà của mình, cũng không có quyền
nghĩ đến bản thân…".
Rất tiếc sau này lá thư
đến tay người nhận thì Vũ Xuân Thiều đã xếp lại đôi cánh bay. Ông Thăng tâm sự
rằng: "Bố mẹ tôi biết con trai mình đang thực hiện một nhiệm vụ nguy hiểm.
Họ hiểu sự khốc liệt của chiến tranh. Nên mỗi lần nhận được thư em, ông bà đều
lặng thinh không nói!". Còn nhớ, trung tuần tháng 12-1972, đế quốc Mỹ tiến
hành cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B-52 vào Hà Nội,
Hải Phòng và các vùng phụ cận thì Vũ Xuân Thiều nằm trong đội hình Đại đội 9
bay đêm của Trung đoàn 927. Đêm 28-12-1972, phi công Vũ Xuân Thiều trực ban chiến
đấu. Từ sân bay dã chiến ở Cẩm Thủy, Thanh Hóa, theo lệnh của Sở chỉ huy, phi
công Vũ Xuân Thiều xuất kích. Lách qua được vòng vây của các chiến đấu cơ bảo vệ
B-52 của địch, Vũ Xuân Thiều điều khiển chiếc MiG-21 của mình tiếp cận một chiếc
B-52 và khi thời cơ đến, anh xin lệnh công kích. Hai quả tên lửa đã phóng nhưng
B-52 chỉ bị thương. Vài giây sau, tín hiệu của Thiều trên màn hình ở Sở chỉ huy
biến mất, kể cả dấu hiệu của chiếc B-52.
Thêm một chiếc B-52 của
đế quốc Mỹ bị không quân Việt Nam bắn rơi, chiến công của phi công Vũ Xuân Thiều
được ghi nhận. Nhưng anh cũng mãi mãi không về. Người lính bay quả cảm ấy quyết
thực hiện ý chí tiêu diệt địch khi cùng với chiếc MiG-21 thân yêu biến thành quả
tên lửa thứ 3 lao vào kẻ thù trước mặt, như lời anh từng nói với đồng đội. Tinh
thần chiến đấu quả cảm và chiến công đặc biệt xuất sắc của liệt sĩ, phi công Vũ
Xuân Thiều đã được vinh danh xứng đáng. Ngày 20-12-1994, Nhà nước đã truy tặng
danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho anh./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét