Đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản
Việt Nam là một trong những mục tiêu quan trọng mà các thế lực thù địch nhắm tới
để chống phá. Những luận điệu bóp méo, xuyên tạc của các thế lực thù địch đối với
đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ của Đảng và Nhà nước ta có thể
kể đến như sau:
Một là, các thế lực thù địch, phản động
thường dùng thủ đoạn xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ
của Đảng và Nhà nước Việt Nam là đã “lạc hậu, lỗi thời”, “không còn phù hợp”,
nhất là trong tình hình hiện nay. Các thế lực thù địch lập luận rằng, thế giới
hiện nay đang là thời đại toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, các quốc
gia, dân tộc có mối quan hệ ràng buộc và phụ thuộc lẫn nhau. Vì thế theo họ, nếu
vẫn theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ là “bảo thủ”, “tự mình cô lập
mình”, là “tự tách ra khỏi dòng chảy” của thế giới bên ngoài, chính sách đối
ngoại đó đã thực sự “lạc hậu, lỗi thời”, “không còn phù hợp”, và đã trở thành
“lực cản” đối với sự phát triển đất nước.
Hai là, bóp méo sự thật, xuyên tạc rằng,
Đảng và Nhà nước Việt Nam trên thực tế đã từ bỏ chính sách đối ngoại độc lập, tự
chủ và đang ngấm ngầm “theo chân” nước này để chống nước kia. Họ xuyên tạc
chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, cân bằng quan hệ với các nước lớn của Việt
Nam, cho rằng đó là “đường lối trung dung”, là “đi dây” trong quan hệ với các
nước lớn, như thế là “tự cô lập” mình, “tước đi cơ hội hợp tác với các nước lớn
để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Ba là, xuyên tạc mối quan hệ giữa Việt
Nam với các nước, nhất là mối quan hệ của Việt Nam với Mỹ và với Trung Quốc.
Các thế lực thù địch và một số phần tử cơ hội trắng trợn xuyên tạc rằng, Việt
Nam đang phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc, Việt Nam đang điều chỉnh quan hệ đối
ngoại nhằm “tìm kiếm đối tác chiến lược”, ”thiết lập liên minh mới” để đối
phó với nước đang gây áp lực bất lợi cho mình. Họ “kiến nghị” Đảng và Nhà nước
Việt Nam phải từ bỏ chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ; rằng muốn bảo vệ được
độc lập, chủ quyền thì phải dựa vào một cường quốc, “chỉ có liên minh quân sự với
một cường quốc thì Việt Nam mới giữ được chủ quyền biển, đảo”.
Trên thực tế, chúng ta thấy được tính
đúng đắn, sáng tạo và hết sức khoa học trong đường lối đối ngoại của Đảng Cộng
sản Việt Nam. Đối ngoại và ngoại giao trong lịch sử đã góp công sức rất lớn vào
công cuộc đấu tranh giành độc lập và bảo vệ, xây dựng Tổ quốc. Ngày nay, vai
trò ấy ngày càng trở nên quan trọng hơn. Và những thành tích đạt được trên các
lĩnh vực quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội trong nước đã trở thành những con
số biết nói, là minh chứng sống động cho tính đúng đắn, sáng tạo trong đường lối
đối ngoại của Đảng ta.
Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu
tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch chống phá đường lối đối ngoại
của Đảng, cần thực hiện tốt một số
giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất,nâng cao nhận thức của toàn Đảng,
toàn dân, toàn quân về công tác ngoại giao của Đảng
Đây là giải pháp có ý nghĩa quan trọng
hàng đầu, đặc biệt là trong đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo
vệ chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trước hết, cần nhận thức đúng
về mục tiêu, yêu cầu bảo vệ Tổ quốc; vị trí, vai trò của quốc phòng, an ninh
trong tình hình mới; nhiệm vụ, nội dung của công tác đối ngoại, nhận diện chính
xác những nhóm đối tượng đang ra sức chống phá nền tảng tư tưởng và đường lối đối
ngoại của Đảng hiện nay.
Thứ hai,tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo,
phát huy vai trò quản lý, điều hành của chính quyền, vai trò tham mưu của cơ
quan các cấp đối với công tác đấu tranh, phản bác những luận điệu sai trái, thù
địch.
Các cấp ủy cần tập trung xây dựng tổ chức
đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; nâng cao
năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, xác định mục đích, nội dung, hình thức,
phương pháp đấu tranh tư tưởng đúng đắn, hiệu quả. Đồng thời, có chính sách động
viên, khích lệ phù hợp, bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phù
hợp để phục vụ nhiệm vụ đấu tranh.
Thứ ba,nâng cao chất lượng giáo dục
chính trị, tư tưởng, tăng cường “sức đề kháng” cho cán bộ, đảng viên, lực lượng
vũ trang và nhân dân.
Cần chú trọng đổi mới mạnh mẽ công tác
giáo dục lý luận chính trị, học tập nghị quyết của Đảng. Thực hiện nền nếp việc
bồi dưỡng lý luận, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ
lãnh đạo, quản lý các cấp, đặc biệt là cấp Trung ương; nâng cao chất lượng giáo
dục chính trị trong hệ thống các cơ sở giáo dục - đào tạo; đổi mới chương
trình, nội dung giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, làm tốt
công tác đào tạo, bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu đổi mới
căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo.
Thứ tư,phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng
chức năng, đa dạng hóa các hình thức đấu tranh phản bác những quan điểm sai
trái, thù địch.
Xây dựng và thực hiện tốt cơ chế, quy
chế phối hợp giữa các ban, bộ, ngành của Trung ương, cấp ủy, chính quyền, đoàn
thể địa phương để phát hiện kịp thời, đấu tranh với âm mưu, thủ đoạn chống phá
của các thế lực thù địch. Duy trì, thực hiện tốt chế độ giao ban phản ánh tình
hình, trao đổi thông tin, giữa các cơ quan ngoại giao với các bộ, ban ngành và
địa phương, thống nhất biện pháp phối hợp đấu tranh; không để các thế lực thù địch
lợi dụng những yếu kém, bất cập trong lãnh đạo, quản lý, điều hành của Đảng và
Nhà nước để tạo cớ xuyên tạc, bôi nhọ, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng
Hồ Chí Minh và đường lối đối ngoại, ngoại giao của Đảng./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét