Bạn tôi được mời tham gia một chương trình biểu diễn nghệ thuật nhưng rồi phải bỏ về trước. Bạn nói rằng đã vô cùng khó chịu khi thấy cảnh nghệ sĩ ăn mặc phản cảm, biểu diễn uốn éo, dung tục. Nhưng rồi chính bạn lại tự hỏi: “Hay là mình đã già rồi?”.
Sự
bối rối của người bạn khiến tôi ngỡ ngàng. Rõ ràng là bạn đúng, nhưng tại sao
phải đặt câu hỏi như thế? Chẳng lẽ giữa đúng và sai khó phân biệt đến vậy? Thuần
phong mỹ tục, nét đẹp văn hóa của dân tộc là những thứ tất cả chúng ta đều được
học và thấm nhuần từ khi còn nhỏ. Phải chăng lâu nay chúng ta để những hoạt động
biểu diễn trái thuần phong mỹ tục phát triển tự do thái quá, đến mức nó ăn sâu
bám rễ vào suy nghĩ đơn giản của một bộ phận công chúng? Đến mức nhiều người còn
nghĩ rằng những cách làm, cách nghĩ, cách hoạt động, biểu diễn “không giống ai”
như vậy mới là hiện đại, cấp tiến, đúng xu hướng thời đại. Họ nhầm lẫn giữa những
suy nghĩ mở, sáng tạo với những thứ lệch chuẩn.
Câu
chuyện này càng rõ ràng hơn khi mới đây, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh ban hành
quyết định xử phạt 110 triệu đồng và đình chỉ hoạt động tổ chức biểu diễn 18
tháng đối với Công ty TNHH Một thành viên Quảng cáo Truyền thông Người hâm mộ
Việt vì "sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương
tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong mỹ tục của dân
tộc" trong chương trình biểu diễn nghệ thuật SpaceSpeakers Live
Concert-The Kosmik. Đây là động thái mạnh tay nhất đối với hoạt động biểu diễn
kể từ khi Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
xây dựng quy trình xử lý khi để người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật vi phạm
pháp luật. Nhiều ý kiến đồng tình cho rằng quyết định này của TP Hồ Chí Minh
góp phần làm lành mạnh hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Cách làm phản cảm như
chương trình SpaceSpeakers cần bị phạt nặng hơn để làm gương cho những chương
trình khác. Thế nhưng, bên cạnh đó vẫn lác đác còn những ý kiến “bênh vực”, cho
rằng biểu diễn như vậy là bình thường, hình phạt đưa ra quá nặng... Họ chỉ ra vẫn
còn nhiều lúc, nhiều nơi những hoạt động biểu diễn phản cảm tương tự, thậm chí
còn thô tục hơn lại chưa bị “sờ gáy”. Họ so sánh biểu diễn áo tắm trong các cuộc
thi hoa hậu cũng hở hang không kém và từ việc xử phạt với SpaceSpeakers chẳng lẽ
từ nay khán giả chỉ được nghe, xem những loại nhạc truyền thống... Sự tranh cãi
này giúp chúng ta một lần nữa nhìn thấy rõ hơn thực trạng nhiều người Việt vẫn
còn mơ hồ về khái niệm thuần phong mỹ tục.
Giúp
công chúng không còn mơ hồ về khái niệm này nữa là một việc làm cần thiết của
các cơ quan chức năng hiện nay. Đây cũng là cách loại bỏ những “cỏ rác”, để “mảnh
đất nghệ thuật” có cơ hội phát triển lành mạnh. Với tư cách là người định hướng
nghệ thuật cho công chúng, ngoài tuyên truyền nhiều hơn về nét đẹp văn hóa, các
nhà quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật cần đưa ra những hình phạt nhiều
hơn, mạnh tay hơn nữa với “rác nghệ thuật”. Có như vậy công chúng và ngay cả những
người làm nghệ thuật mới hiểu rõ hơn về nghệ thuật chân chính, tránh xa những
hành vi vi phạm. Tuy nhiên, để thực sự làm được công việc định hướng nghệ thuật
như vậy, bản thân những người quản lý nghệ thuật biểu diễn cần trang bị cho
mình nền tảng kiến thức vững chắc, phong phú cùng khả năng phản biện linh hoạt,
sáng suốt, kịp thời để mọi quyết định xử phạt của họ đều công bằng, triệt để,
góp phần giúp công chúng thưởng thức nghệ thuật trong bầu không khí trong lành
và làm đẹp tâm hồn, phẩm giá người Việt.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét