Tóm tắt: Các thế lực thù địch đã và đang sử dụng tôn giáo như một công cụ chính trị, để hiện thực hóa cho những mưu đồ thâm hiểm của chúng. Vì vậy, bản chất tốt đẹp, vốn có của tôn giáo khi bị lợi dụng vì mục đích chính trị của kẻ thù đã phần nào làm cho lệch chuẩn theo hướng tiêu cực. Bài viết tập trung làm rõ cơ sở cho các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo và những biện pháp cơ bản phòng, chống các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng Việt Nam hiện nay.
Từ khóa: Tôn giáo, Thù địch, Chống phá, Nhận diện, Lợi
dụng
Với mục tiêu đưa Việt Nam phát triển đi chệch hướng xã
hội chủ nghĩa là một trong những âm mưu, thủ đoạn hết sức thâm độc của kẻ thù.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đó, cùng với vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”,
“dân tộc”, các thế lực thù địch đã và đang ra sức lợi dụng triệt để vấn đề “tôn
giáo”. Chúng coi đây như “mảnh đất màu mỡ” để khai thác nhằm xuyên tạc, vu khống,
kích động, phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định
chính trị, trật tự an toàn xã hội, hạ thấp uy tín, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của
Đảng, tiến tới mục tiêu cuối cùng là chuyển hóa chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt
Nam.
1. Tiếp cận một số cơ sở cho các thế lực thù địch lợi
dụng tôn giáo chống phá cách mạng Việt Nam hiện nay
Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo cùng tồn tại và phát triển.
Mặc dù nguồn gốc hình thành và đặc điểm hoạt động của mỗi loại hình tôn giáo có
sự khác nhau, nhưng tựu chung các tôn giáo ở nước ta đều có mục tiêu là hướng
thiện, sống tốt đời, đẹp đạo với tinh thần bao dung, đoàn kết, gắn bó trong đại
gia đình các dân tộc Việt Nam. Sự phát triển lành mạnh, tích cực của mỗi tôn
giáo đều góp phần tạo nên tính đa dạng, phong phú và đậm đà bản sắc văn hoá dân
tộc. Thấy rõ được vị trí, vai trò của tín ngưỡng, tôn giáo, Đảng ta đã sớm khẳng
định: “Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân. Đảng
và Nhà nước ta tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân
dân, thực hiện bình đẳng, đoàn kết lương giáo và giữa các tôn giáo. Khắc phục mọi
thái độ hẹp hòi, thành kiến, phân biệt đối xử với đồng bào có đạo, chống những
hành động vi phạm tự do tín ngưỡng; đồng thời nghiêm cấm và ngăn chặn mọi hành
vi lợi dụng tôn giáo phá hoại độc lập và đoàn kết dân tộc, chống phá chủ nghĩa
xã hội, ngăn cản tín đồ làm nghĩa vụ công dân”[1]. Ở mỗi giai đoạn lịch
sử, nhất là trong thời kỳ đổi mới, các chính sách về tôn giáo của Đảng và Nhà
nước đã cơ bản đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo quần chúng nhân dân, các
quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo luôn được tôn trọng, bảo vệ và phát triển. Hầu
hết các tôn giáo lớn trên thế giới, như: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Hồi
giáo cùng một số tôn giáo bản địa như Cao Đài, Hòa Hảo…, đang chung sống hòa
bình; nhiều nhà thờ, chùa chiền, tu viện đã được quan tâm, tạo điều kiện để tu
sửa, tôn tạo ngày càng khang trang; các cơ sở đào tạo chức sắc tôn giáo với đủ
các cấp học, như: Học viện Phật giáo, Chủng viện Thiên chúa giáo, Viện Thánh
kinh Thần học của đạo Tin lành được chính quyền các cấp tạo điều kiện hoạt động
và phát triển; đội ngũ chức sắc, chức việc cùng với đồng bào giáo dân đoàn kết,
chung sức trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, với bản chất ngoan cố, hiếu chiến, phản động
của các thế lực thù địch trong và ngoài nước. Chúng chưa bao giờ từ bỏ mục tiêu
chống phá con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Một trong những hướng tấn
công chủ yếu, nhạy cảm mà kẻ thù lợi dụng để lôi kéo, tập hợp lực lượng, tạo dựng
ngọn cờ chống phá sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ
nghĩa đó chính là tôn giáo. Cơ sở mà các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo như
“mảnh đất màu mỡ” để chống phá cách mạng nước ta được khái quát trên một số lý
do chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, do nguồn gốc hình thành tôn giáo vẫn còn tồn
tại ở nước ta và chức năng đền bù hư ảo đáp ứng được sự mong mỏi của một bộ phận
nhân dân. Trong lịch sử xã hội loài người, tôn giáo xuất hiện từ rất sớm. Nó từng
bước hoàn thiện cùng với sự biến đổi của những điều kiện kinh tế - xã hội, văn
hóa, chính trị. Tôn giáo ra đời bởi nhiều nguồn gốc khác nhau nhưng cơ bản là từ
các nguồn gốc kinh tế - xã hội, nhận thức và tâm lý. Khi trình độ con người thấp
kém, bất lực trước sức mạnh của tự nhiên, của xã hội con người đặt hy vọng vào
những lực lượng siêu nhiên. Khi những hiện tượng tự nhiên, xã hội không thể giải
thích được, con người trở lên bất lực, thay vào đó người ta giải thích bằng tôn
giáo. Ở nước ta, nguồn gốc hình thành tôn giáo vẫn còn tồn tại và được biểu hiện
dưới những hình thức khác nhau khi chúng ta thực hiện quá độ đi lên xây dựng chủ
nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp nghèo nàn, manh mún với trình độ sản xuất
còn lạc hậu; nhận thức của bộ phận nhân dân còn thấp, mang tính chất tiểu nông;
phong tục tập quán sinh hoạt còn mang đậm nét văn hóa Á Đông; phải gánh chịu hậu
quả, tàn tích nặng nề của chiến tranh; trong xã hội còn tồn tại đan xen, đấu
tranh giữa cái cũ và mới; nơi chịu sự tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu với
những hiện tượng tự nhiên khắc nghiệt như bão lụt, hạn hán, nước biển dâng,… đó
là điều kiện, cơ sở vững chắc để tôn giáo tiếp tục tồn tại và phát triển. Đến
nay, “Việt Nam có 16 tôn giáo, 43 tổ chức tôn giáo (thuộc 16 tôn giáo) được
công nhận tư cách pháp nhân. Tổng số tín đồ các tôn giáo ước khoảng 27 triệu
người, chiếm gần 30% dân số cả nước”[2].
Ở khía cạnh khác, tôn giáo “là tiếng thở dài của chúng
sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng giống như nó
là tinh thần của những trật tự không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của
nhân dân”[3]. Tôn giáo góp phần
bù đắp những hụt hẫng trong cuộc sống, sự trống vắng trong tâm hồn, xoa dịu nỗi
đau của con người. Như vậy, tôn giáo xuất hiện thực hiện chức năng đền bù hư ảo,
đây là một chức năng đặc thù của tôn giáo, tạo nên sức mạnh kỳ diệu, cuốn hút,
đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân khi họ mong muốn, khát khao được bù đắp,
vỗ về trước những hẫng hụt, khổ đau do cuộc sống mang lại. Đây là căn nguyên để
lý giải tại sao ở Việt Nam, tôn giáo lại có sức sống vô cùng mạnh mẽ. Trong xã
hội vẫn còn một bộ phận đông đảo quần chúng nhân dân thường xuyên phải đối mặt
với những vấn đề như như: bệnh tật, nghèo đói, chết chóc, thất nghiệp, kinh
doanh thua nỗ, phá sản, nợ nần, gia đình ly tán, bất mãn chế độ… đưa họ đến con
đường cùng cực, bất lực, không còn lối thoát nơi trần thế. Họ luôn mong ngóng
được che chở, động viên, an ủi, bảo vệ và tôn giáo đã là điểm tựa để đáp ứng sự
mong mỏi đó.
Thứ hai, ở mỗi
tôn giáo, đức tin trở thành là sức mạnh tuyệt đối đối với mọi tín đồ. Với mỗi
tôn giáo, đức tin luôn là sức mạnh tuyệt đối. Đức tin là hiện tượng tâm lý có
thật và chắc chắn, mang tính chủ quan, không cần lý giải một cách khoa học cho
nên nó không “tồn tại một cách hư ảo”. Đó là điều kiện để con người đến với tôn
giáo và có ở bất kỳ tín đồ tôn giáo nào, ở đó con người gửi gắm bản thân cho những
thế lực không phải con người. Đức tin mới là cơ sở chủ yếu của tôn giáo, bởi vì
chừng nào còn là một tín đồ tôn giáo thì còn đức tin. Do đó, đức tin tôn giáo tạo
ra sức mạnh kỳ diệu trong việc cảm hóa, điều chỉnh suy nghĩ và hành vi của mỗi
tín đồ. Nó dễ dàng đi vào tiềm thức của mỗi người, hướng tín đồ tự nguyện tin
và làm theo những giáo lý, giáo luật mà không cần đến các biện pháp hành chính
và công cụ bạo lực của Nhà nước. Điều đó đã lý giải vì sao tín đồ của một số
tôn giáo trên thế giới sẵn sàng tử vì đạo. Những kẻ tử vì đạo sẽ sẵn sàng hy
sinh tính mạng của mình cho một quan điểm, hay một đức tin nào đó. Trong tâm
trí họ, đức tin cao hơn mạng sống, và bằng cách hy sinh cho đức tin này, họ đã
chứng tỏ được danh dự của mình. Ở Việt Nam, đức tin tôn giáo không cực đoan như
ở một số nước Hồi giáo trên trên giới mà luôn ở thể hiện ở chừng mực nhất định,
bảo đảm cho các tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo. Họ tin vào Chúa Giêsu, Đức Phật
Thích Ca, Đức Chúa Trời… là lấy những lời răn dạy làm mẫu mực thiêng liêng cho
cuộc sống. Lợi dụng điều này, các thế lực thù địch đã lợi dụng tôn giáo như một
công cụ để mê hoặc các tín đồ trong thực hiện âm mưu chống phá cách mạng ở nước
ta.
Thứ ba, thế giới quan tôn giáo đối lập thế giới quan
duy vật mácxít. Thế giới quan của tôn giáo là thế giới quan duy tâm: “Phản ánh
hư hảo - vào trong đầu óc của con người - của những lực lượng bên ngoài chi phối
cuộc sống hàng ngày của họ; chỉ là sự phản ánh trong đó những lực lượng ở trần
thế đã mang hình thức những lực lượng siêu trần thế”[4].
Thế giới quan tôn giáo đối lập với thế giới quan duy vật của chủ nghĩa Mác -
Lênin trong việc nhận thức và cải tạo thế giới. Trong khi đó, Đảng ta luôn xác
định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng, kim chỉ
nam cho mọi hành động. Vì vậy, đây là cơ sở để các thế lực thù địch đẩy mạnh
các hoạt động chiến tranh tâm lý, phá hoại tư tưởng, gây hoang mang dư luận về
sự đối lập hệ tư tưởng giữa “hữu thần” với “vô thần”, giữa thế giới quan duy
tâm tôn giáo với thế giới quan cộng sản chủ nghĩa. Chúng cho rằng, chế độ xã hội
chủ nghĩa là vô thần, không thể dung hòa và là kẻ thù của tôn giáo; rằng pháp
luật về tôn giáo của nước ta không tương thích với pháp luật quốc tế và không
phù hợp với tự do tôn giáo. Một cách cực đoan hơn, chúng vu cáo Đảng Cộng sản
Việt Nam coi tôn giáo như “kẻ thù” của dân tộc nên tìm mọi thủ đoạn để diệt trừ
tôn giáo… Từ định kiến, quy chụp, chúng kêu gọi cộng đồng tôn giáo “đồng tâm”
chống phá Nhà nước; đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ
nghĩa ở nước ta.
Thứ tư, cuộc sống của đồng bào theo các tôn giáo ở nước
ta cơ bản còn gặp nhiều khó khăn. Đại đa số tín đồ các tôn giáo là người lao động,
chủ yếu là nông dân cư trú trên địa bàn cả nước. Bên cạnh những đồng bào tôn
giáo sinh sống ở khu vực đồng bằng, trung tâm thành phố, thị xã có điều kiện
phát triển về kinh tế, văn hóa, xã hội, vẫn còn có một bộ phận không nhỏ tín đồ
là đồng bào dân tộc thiểu số theo các tôn giáo cư trú ở các địa bàn Tây Bắc,
Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Cơ sở hạ tầng, đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của
các tín đồ tôn giáo nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, đây là nơi thường
diễn ra các “điểm nóng” về hoạt động trái phép của tôn giáo. Các tổ chức, lực
lượng phản động thường lợi dụng sự khó khăn, thiếu thốn về vật chất và trình độ
nhận thức có hạn của đồng bào tôn giáo để tìm cách dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo, tập
hợp lực lượng, tạo dựng tổ chức để hoạt động trái phép trong các xứ đạo. Các tổ
chức này được chúng nuôi dưỡng, hậu thuẫn về tài chính, kinh phí và nội dung,
chương trình hoạt động nhằm tuyên truyền, vận động giáo dân chống phá chính quyền,
gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Thứ năm, những bất cập nảy sinh trong quá trình tổ chức
thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tự do tín
ngưỡng, tôn giáo. Các thế lực thù địch trong và ngoài nước ra sức lợi dụng
chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta để đòi thành lập
các tổ chức tôn giáo trên các địa bàn Tây Bắc, Tây Nghệ An (mưu đồ lập ra đạo
Vàng Chứ để thành lập cái gọi là “Vương quốc Mông tự trị”), Tây Nguyên (thành lập
đạo Tin lành Đềga để mưu đồ lập ra cái gọi là “Nhà nước Đềga độc lập”), Tây Nam
Bộ (dựng lên “Nhà nước Khmer Krôm” với luận điệu vu khống Nhà nước ta đàn áp hệ
Phật giáo Nam tông Khmer Nam bộ) để lừa bịp dư luận, song thực chất đây chỉ là
các tổ chức phản động trá hình, đối nghịch với Nhà nước ta. Đây là thủ đoạn rất
nham hiểm, trắng trợn của các thế lực thù địch hòng phá hoại an ninh quốc gia,
đe dọa độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Mặt khác, chúng còn lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn
giáo để hoạt động chính trị, biến các tổ chức tôn giáo thành các tổ chức chính
trị, đảng chính trị để hoạt động bất hợp pháp. Chúng triệt để lợi dụng vỏ bọc
tôn giáo để phê phán, xuyên tạc, bôi nhọ hòng hạ thấp uy tín của Đảng và Nhà nước
ta. Lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, chúng đòi tôn giáo phải độc lập,
không chịu sự quản lý của Nhà nước; tâng bốc, ca ngợi “tự do tôn giáo” ở các nước
tư bản; đòi Nhà nước ta “công nhận” các tổ chức tôn giáo giả hiệu (Giáo hội Phật
giáo Việt Nam thống nhất, Tin lành Đềga, Vàng Chứ…); đòi thả các “tù nhân tôn
giáo” - những kẻ đội lốt tôn giáo để vi phạm pháp luật.
Lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để chúng hoạt động
mê tín dị đoan, được che đậy bằng các yếu tố “thần bí”, “các phép lạ siêu
nhiên” của các tà đạo (Thanh hải vô thượng sư, Vô vi pháp, Chân không, Phạ tốc…)
gây tác hại không nhỏ đến tính mạng, tài sản, sức khỏe và tinh thần của nhân
dân. Gần đây, các tà đạo Dương Văn Mình, Hà Mòn đã và đang hoạt động trái pháp
luật trên nhiều tỉnh ở Tây Bắc, Tây Nguyên, gây mất an ninh chính trị, trật tự,
an toàn xã hội trên địa bàn. Thực hiện chia rẽ giữa người có đạo và người không
theo đạo, giữa các tầng lớp nhân dân và giữa các tôn giáo với nhau, thậm chí
chúng còn dùng thủ đoạn lăng mạ, kích động tôn giáo, ngăn cản tín đồ thực hiện
nghĩa vụ công dân, gây hằn thù giữa tôn giáo với chính quyền. Lợi dụng những vụ
việc nảy sinh trong đời sống, sinh hoạt của đồng bào tôn giáo, hoạt động tôn
giáo và những bất cập, sơ hở của các cấp chính quyền trong công tác quản lý, tổ
chức thực hiện chính sách tôn giáo, nhất là những vấn đề liên quan đến giải tỏa,
đền bù đất đai, cơ sở thờ tự,… để kích động quần chúng, tín đồ đập phá tài sản,
chống người thi hành công vụ, phá rối an ninh, trật tự, cản trở giao thông tại
các địa phương. Qua đó, tổ chức ghi hình, chụp ảnh, thổi phồng, bóp méo tình
hình thực tế, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, vu cáo Nhà nước ta vi
phạm dân chủ, nhân quyền, đàn áp tôn giáo… từ đó, khoét sâu mâu thuẫn giữa các
dân tộc, thúc đẩy xung đột tôn giáo trên các địa bàn, tạo cớ cho các thế lực
thù địch từ bên ngoài can thiệp vào nước ta.
2. Biện pháp cơ bản phòng, chống các thế lực thù địch
lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng nước ta hiện nay
Một là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo
dục nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân về đường lối, chủ trương của Đảng,
Nhà nước về chính sách tôn giáo
Chỉ trên cơ sở nâng cao nhận thức, tư tưởng của cả hệ
thống chính trị, của toàn dân mà trực tiếp là đồng bào các tôn giáo về đường lối,
chủ trương của Đảng, Nhà nước về chính sách tôn giáo, thì chúng ta mới có thể
vô hiệu hoá được sự lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch. Vì thế, công
tác tuyên truyền, giáo dục phải được tiến hành thường xuyên, liên tục. Đây là
trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội từ Trung
ương đến địa phương làm cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là đồng bào tôn
giáo nhận thức sâu sắc, đúng đắn về những chủ trương, chính sách tôn giáo của Đảng,
Nhà nước ta. Thông qua đó tạo ra sức đề kháng, miễn dịch, nêu cao tinh thần cảnh
giác, chủ động phòng ngừa, tích cực đấu tranh với mọi âm mưu, thủ đoạn nguy hiểm
của các thế lực thù địch, phản động.
Để góp phần nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân
dân về đường lối, chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta cần tích cực đổi mới
cả về nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền, giáo dục sao cho phù hợp
với đặc điểm, tình hình của từng địa phương, từng loại hình tôn giáo. Nội
dung tuyên truyền, giáo dục mang tính toàn diện, tổng hợp, tập trung vào phổ biến
sâu rộng các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc,
tôn giáo; chính sách dân tộc, tôn giáo cho đồng bào tôn giáo. Phổ biến pháp luật
và giáo dục ý thức chấp hành pháp luật của Nhà nước, khơi dậy lòng tự hào, tự
tôn dân tộc, truyền thống đoàn kết giữa các tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng
và bảo vệ Tổ quốc. Hiện thực hóa các nội dung trên, cần tập trung đa dạng hóa
và nâng cao chất lượng các hình thức, phương pháp giáo dục, tuyên truyền, như:
đổi mới hình thức sinh hoạt cộng đồng, tăng cường tuyên truyền thông qua các
phương tiện thông tin đại chúng (sách, báo, tài liệu, đài phát thanh, truyền
hình, internet, các trang mạng xã hội…); lồng ghép tuyên truyền chủ trương,
chính sách khi tổ chức các lễ hội; tăng cường lực lượng chuyên trách, cán bộ, đảng
viên, bộ đội xuống những địa bàn khó khăn, phức tạp để làm tốt công tác tuyên
truyền để đồng bào hiểu rõ âm mưu thủ đoạn chia rẽ dân tộc, tôn giáo, lương
giáo của các thế lực thù địch, đề cao cảnh giác không bị chúng lừa gạt, lôi kéo,
lợi dụng. Đồng thời, vận động đồng bào thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ công
dân trong thực hiện chính sách tự do, tín ngưỡng tôn giáo.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản
lý của Nhà nước; xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết
quốc tế trong giải quyết vấn đề tôn giáo
Đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm phát
huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, tạo nên sức mạnh tổng hợp trước mọi âm mưu,
thủ đoạn lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch. Tôn giáo luôn là một trong
những nội dung hết sức quan trọng trong đường lối xây dựng, phát triển đất nước.
Đảng ta chủ trương: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc,
tín đồ sống “tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo
vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định pháp luật
và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn
hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển
đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng
tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại
đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”[5].
Cụ thể hóa chủ trương trên, các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương nhất là các cơ
quan chức năng, lực lượng chuyên trách cần tăng cường công tác quản lý nhà nước
về tôn giáo, đặc biệt tại những địa bàn trọng điểm về tôn giáo, theo hướng tạo
điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt của các tôn giáo, kịp thời giải quyết những
mâu thuẫn phát sinh, những hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng tín ngưỡng, tôn
giáo, nhằm kích động gây chia rẽ tôn giáo và xâm phạm an ninh quốc gia. Thường
xuyên rà soát, sửa đổi những văn bản quy phạm pháp luật không còn phù hợp, thiếu
tính khả thi, gây trở ngại cho các hoạt động bình thường của tôn giáo. Trong
đó, coi trọng xây dựng hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến
cải cách hành chính trong quản lý nhà nước về tôn giáo, quản lý đất đai, cơ sở
thờ tự của các tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, chủ động kiện toàn bộ máy làm
công tác tôn giáo theo hướng thống nhất mô hình quản lý, cơ cấu tổ chức bộ máy
làm công tác này ở các địa phương và cơ sở. Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, đào tạo
đội ngũ cán bộ làm công tác tôn giáo; khắc phục tình trạng thiếu hụt cán bộ được
đào tạo về công tác tôn giáo; có chế độ ưu đãi hợp lý cho cán bộ làm công tác
quản lý nhà nước về tôn giáo.
Hơn nữa, cùng với tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu
lực quản lý của Nhà nước, cần tuân thủ những vấn đề có tính nguyên tắc trong
xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đó là: Xây dựng
khối đại đoàn kết toàn dân dựa trên nền tảng khối liên minh công - nông - trí
thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Thực hiện đại đoàn kết phải rộng rãi, lâu dài.
Mở rộng, da dạng hoá các hình thức tập hợp nhân dân, nâng cao vai trò của Mặt
trận và các đoàn thể nhân dân. Kiên quyết đấu tranh loại trừ nguy cơ phá hoại
khối đại đoàn kết dân tộc. Thực hiện bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ
nhau giữa các tôn giáo. Chống kỳ thị chia rẽ tôn giáo, tự ti mặc cảm tôn giáo.
Chủ động giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở các vùng tôn
giáo. Đây là tiền đề quan trọng để vô hiệu hoá sự lợi dụng tôn giáo để chống
phá cách mạng của các thế lực thù địch.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và đấu tranh
trên mặt trận đối ngoại tôn giáo. Tận dụng triệt để các kênh như: trao đổi
đoàn, tham dự các diễn đàn, hội thảo đối thoại về nhân quyền, tôn giáo với các
nước EU, Mỹ, Ốt-xtrây-lia, với Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế (Mỹ), diễn đàn
nhân dân ASEM hàng năm, hội thảo về pháp luật tôn giáo các nước Đông Nam Á, các
cuộc tiếp xúc giữa đại sứ quán các nước, các tổ chức quốc tế, phóng viên, báo
chí nước ngoài với các cơ quan trung ương, các tỉnh, thành phố… làm cho cộng đồng
các nước, nhân dân tiến bộ trên thế giới hiểu đúng về đường lối, chủ trương của
Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những thành tựu mà Việt Nam đã đạt
được trong đảm bảo và thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; góp phần đấu
tranh có hiệu quả với các luận điệu xuyên tạc, vu cáo về nhân quyền, tôn giáo ở
Việt Nam mà các tổ chức, cá nhân vẫn đang hàng ngày rêu rao trên các phương tiện
truyền thông.
Ba là, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn
với tăng cường quốc phòng, an ninh; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở vùng đồng
bào tôn giáo vững mạnh về mọi mặt
Chăm lo nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng
bào các tôn giáo là một trong những nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa nền tảng vững
chắc để vô hiệu hoá sự lợi dụng tôn giáo của kẻ thù. Khi đời sống vật chất,
tinh thần được nâng cao, đồng bào sẽ luôn đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của
Đảng, Nhà nước, thực hiện tốt quyền lợi, nghĩa vụ công dân thì không kẻ thù nào
có thể lợi dụng được vấn đề tôn giáo để chống phá cách mạng Việt Nam. Bởi vậy,
đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả các chương trình, dự án ưu tiên phát triển kinh tế
- xã hội miền núi, vùng dân tộc, vùng tôn giáo; huy động mọi nguồn lực để phát
triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, thực hiện tín dụng ưu đãi để người dân có vốn
phát triển sản xuất; tư vấn giúp đỡ đồng bào tôn giáo áp dụng tiến bộ khoa học
- công nghệ trong sản xuất và đời sống, nâng cao dân trí, đào tạo và thu hút
nguồn nhân lực chất lượng cao về vùng sâu, vùng xa. Chăm lo đời sống văn hóa,
tinh thần của các đồng bào theo đạo; giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị bản sắc
văn hóa của từng dân tộc. Tăng cường xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh, thế
trận khu vực phòng thủ, thế trận lòng dân vững chắc ngay từ cơ sở, địa bàn vùng
đồng bào dân tộc, tôn giáo, miền núi.
Đặc biệt, cần phát huy vai trò của những người có chức
sắc, chức việc trong các tôn giáo tham gia có hiệu quả vào công tác phòng, chống
sự lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch. Thường xuyên quan tâm, chăm
lo xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vùng tôn giáo vững mạnh về mọi mặt. Thực
hiện chính sách ưu tiên trong đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ, cả
cán bộ lãnh đạo, quản lí và cán bộ chuyên môn kĩ thuật, giáo viên là người có
tôn giáo. Bởi đây là đội ngũ cán bộ sở tại có rất nhiều lợi thế trong tuyên
truyền, vận động, tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách tôn giáo. Đổi mới
công tác dân vận ở vùng tôn giáo theo phương châm: chân thành, tích cực, thận
trọng, kiên trì, vững chắc, kết hợp sử dụng nhiều phương pháp phù hợp gắn với đặc
thù từng tôn giáo.
Bốn là, chủ động nhận diện và đấu tranh có hiệu quả
làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch để
chống phá cách mạng nước ta
Phát huy vai trò của các cơ quan chức năng, lực lượng
chuyên trách, đội ngũ các nhà khoa học chủ động đấu tranh trên mặt trận tư tưởng,
lý luận làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng
của các thế lực thù địch. Thông qua nhiều kênh khác nhau, nhất là trên các
phương tiện thông tin đại chúng và không gian mạng, thường xuyên vạch trần những
âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch để nhân dân kịp
thời nhận diện, đề cao cảnh giác, không bị mắc mưu. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ
giữa lực lượng quân đội, công an với các tổ chức đoàn thể xã hội, tranh thủ già
làng, trưởng bản, những người có uy tín, chức sắc, chức việc của đồng bào tôn
giáo để thuyết phục, vận động giáo dân nhận rõ phải, trái không nghe lời bọn xấu,
giữ gìn an ninh trật tự và ổn định tình hình trong khu vực. Chủ động dập tắt mọi
âm mưu, hành động lợi dụng vấn đề tôn giáo kích động lôi kéo đồng bào gây bạo
loạn. Các hoạt động đấu tranh phải được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý
tập trung, thống nhất của Nhà nước, trực tiếp là cấp ủy đảng, chính quyền địa
phương; phát huy vai trò của lực lượng chuyên trách làm công tác tôn giáo; lực
lượng công an, quân đội tham mưu, phối hợp hiệp đồng, tổ chức chỉ huy, thống nhất
lực lượng thuộc quyền theo chức năng. Khi xuất hiện điểm nóng, cần tìm rõ
nguyên nhân, biện pháp giải quyết kịp thời, không để lan rộng, không để kẻ thù
lấy cớ can thiệp; xử lý nghiêm minh theo pháp luật những kẻ cầm đầu, ngoan cố
chống phá cách mạng. Đồng thời, kiên trì thuyết phục, vận động những người nhẹ
dạ, cả tin nghe theo kẻ xấu quay về với cộng đồng; tạo cơ hội, đối xử khoan hồng,
độ lượng, bình đẳng với những người lầm lỗi đã ăn năn hối cải, phục thiện để họ
trở về sớm ổn định, hòa nhập với cuộc sống.
Trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực và
trong nước tiếp tục tiềm ẩn có những diễn biến phức tạp, khó lường. Trong xu thế
thúc đẩy hòa bình, hợp tác trong giải quyết những vấn đề mang tính toàn cầu, hoạt
động lợi dụng tôn giáo vẫn là chiêu bài được các thế lực thù địch, đối tượng chống
đối chế độ triệt để sử dụng nhằm gây mất ổn định chính trị, xã hội, can thiệp
sâu hơn vào nội bộ nước ta. Chủ động nhận diện cơ sở để góp phần nâng cao chất
lượng công tác phòng ngừa, ngăn chặn, “kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm
mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch”[6]
trên lĩnh vực tôn giáo góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để hiện
thực hóa khát vọng phát triển đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng vào năm
2045.
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 51,
Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.105.
[2]
Chu Văn Tuấn, https://tienphong.vn/xuyen-tac-tinh-hinh-ton-giao-o-viet-nam-chieu-bai-quen-thuoc-cua-cac-the-luc-thu-dich, ngày 27/10/2022.
[3] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc
gia Sự thật, Hà Nội, 2002, tr.570.
[4] C.Mác và Ph.Ănghen, Toàn tập, tập
20, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2002, tr.437.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật,
Hà Nội, 2021, tr.171.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại
hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật,
Hà Nội, 2021, tr.156.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét