Để thực hiện âm mưu xóa bỏ nền tảng tư tưởng của Đảng, “hạ bệ
thần tượng”, các thế lực thù địch và các phần tử phản động, cơ hội chính trị
dùng nhiều chiêu trò, cách thức khác nhau. Họ xuất phát từ quan niệm học thuật
phương Tây, cường điệu hóa, tán dương những nhà tư tưởng, triết học tư sản, từ
đó cho rằng “Hồ Chí Minh không phải là nhà tư tưởng”.
Khi định nghĩa về nhà tư tưởng, V.I. Lênin lưu ý: “Một người
xứng đáng là nhà tư tưởng khi nào biết giải quyết trước người khác tất cả những
vấn đề chính trị - sách lược, các vấn đề về tổ chức, về những yếu tố vật chất của
phong trào không phải một cách tự phát”. Từ chỉ dẫn của V.I. Lênin, để nhận thức
Hồ Chí Minh là nhà tư tưởng, phải hiểu thấu cả trước hoạt động thực tiễn, phẩm
chất cá nhân và sự nghiệp mà Người để lại cho dân tộc và nhân loại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng thiên tài, nhà lý
luận kiệt xuất. Tư tưởng của Người không chỉ ở những câu chữ hoặc trước tác mà
nằm ở chiều sâu nội dung và ý nghĩa cao cả của nó, vừa kế thừa và phát triển
các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, vừa tiếp thu tinh hoa văn hóa
nhân loại, chứa đựng khát vọng cháy bỏng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội,
thấm đẫm triết lý nhân sinh, thân dân... Ở Hồ Chí Minh thể hiện sự thống nhất,
hòa quyện giữa tư tưởng, đạo đức và phong cách; giữa lý luận và thực tiễn; giữa
tri và hành; giữa lời nói và việc làm. Dưới ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin, xuất
phát từ thực tiễn và nguyện vọng của quần chúng bị áp bức, Hồ Chí Minh đã thực
hiện sự nghiệp giải phóng dân tộc mình và góp phần giải phóng các dân tộc thuộc
địa. Do đó, có thể hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh với ý nghĩa là “học thuyết”, là một
hệ thống những luận điểm, quan điểm về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt
Nam được xây dựng trên một nền tảng thế giới quan và phương pháp luận duy vật
biện chứng nhất quán, đại biểu cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, được hình
thành theo đúng quy luật phát triển và trở lại chỉ đạo hoạt động thực tiễn, cải
tạo hiện thực.
Các thế lực thù địch công kích, xuyên tạc tư tưởng Hồ Chí
Minh, coi tư tưởng của Người chỉ là sự sao chép nguyên bản, áp dụng khiên cưỡng
chủ nghĩa Mác - Lênin hoặc “đi trên cỗ xe Nho giáo đến với chủ nghĩa Mác -
Lênin”. Luận điệu này không hiểu hoặc cố tình xuyên tạc sự thật về tính thống
nhất, vận dụng sáng tạo và bổ sung phát triển của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với
kho tàng lý luận kinh điển. C. Mác - Ph. Ăng-ghen bàn nhiều về cuộc đấu tranh
chống chủ nghĩa tư bản, Lênin bàn nhiều về cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc.
Xuất phát từ yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn cách mạng châu Âu, các nhà lý luận
Mác - Lênin tập trung vào giải quyết vấn đề giai cấp. Còn tư tưởng Hồ Chí Minh
dành sự quan tâm đặc biệt đến cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân ở thuộc địa,
giải quyết mâu thuẫn dân tộc, làm cách mạng dân tộc giải phóng. Hồ Chí Minh là
một trong số ít các tác giả trong lịch sử có được một công trình đồ sộ nghiên cứu
về chủ nghĩa thực dân. Trong tác phẩm: “Hồ Chủ tịch - Nhà lý luận xuất sắc về
chủ nghĩa thực dân và phong trào giải phóng dân tộc”, ông Handache Gilbert viết:
“Sự phân tích về chủ nghĩa thực dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến lúc đó vượt hẳn
tất cả những gì mà những nhà lý luận mácxít đề cập đến.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng nên một tổng hợp những lý
thuyết về sự giải phóng khỏi sự áp bức thực dân, có sức mạnh không thể chối cãi
được”. Giáo sư Nhật Bản Shingo Shibata khẳng định Hồ Chí Minh đã góp phần đào
sâu và phát triển lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin đối với các vấn đề dân tộc
thuộc địa và “cống hiến nổi tiếng của cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ Người đã phát triển
quyền lợi của con người thành quyền lợi của dân tộc. Như vậy tất cả mọi dân tộc
đều có quyền tự quyết định lấy vận mệnh của mình”.
Những học giả chân chính trên thế giới đều khẳng định “Hồ
Chí Minh - nhà tư tưởng” và nhấn mạnh: “Những quan điểm lý luận của Hồ Chí Minh
và khả năng của Người trong việc sử dụng sáng tạo phương pháp lịch sử và duy vật
để giải quyết các hiện tượng xã hội là nguồn gốc của những tư tưởng lỗi lạc của
Người. Những tư tưởng của Người đã được kiểm nghiệm trong điều kiện cụ thể của
Việt Nam, mở ra những tiềm năng chưa từng có cho các phong trào giải phóng dân
tộc”.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét